Top 10 vốn hóa sàn UPCoM kinh doanh ra sao năm 2020?

Top 10 vốn hóa sàn UPCoM kinh doanh ra sao năm 2020?

10 doanh nghiệp có vốn hóa thị trường bình quân năm 2020 cao nhất sàn UPCoM là doanh nghiệp nào, kinh doanh ra sao? Hãy cùng Vietstock điểm qua.

Theo dữ liệu VietstockFinance, top 10 doanh nghiệp có vốn hóa năm 2020 cao nhất sàn UPCoM là những cái tên quen thuộc với nhà đầu tư như Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV), Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (VGI), Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEA), CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR)… Trong đó, họ Masan có tới 3 gương mặt đại diện: CTCP Hàng tiêu dùng Masan (MCH), CTCP Masan MeatLife (MML), CTCP Masan High-Tech Materials (MSR).

10 doanh nghiệp có vốn hóa bình quân năm 2020 lớn nhất sàn UPCoM
Nguồn: VietstockFinance

10 công ty này chiếm gần 28% tổng doanh thu và gần 42% lãi ròng của cả sàn UPCoM, lần lượt đạt 187 ngàn tỷ đồng và 13.6 ngàn tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của top 10 vốn hóa bình quân năm 2020 cao nhất sàn UPCoM. Đvt: Tỷ đồng
*Xếp theo thứ tự vốn hóa. Nguồn: VietstockFinance

Bức tranh kinh doanh của top 10 vốn hóa sàn UPCoM chia thành 2 mảng sáng tối rõ rệt.

Công ty con của các Tập đoàn lớn ghi nhận tăng trưởng

Năm 2020, Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel (UPCoM: VGI), Công ty con của Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel), báo lãi sau 4 năm lỗ ròng liên tiếp. Dù điệp khúc thua lỗ hơn ngàn tỷ đồng trong quý 4 tái diễn nhưng nhờ kết quả khả quan trong quý 1 và quý 3, VGI vẫn có lãi ròng lũy kế cả năm gần 482 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch lợi nhuận dương được đề ra. Kết quả này có đóng góp lớn từ sự tăng trưởng kinh doanh của các công ty thị trường nước ngoài như Công ty Mytel tại Myanmar, Công ty Natcom tại Haiti…

Tình hình kinh doanh của VGI trong 5 năm gần đây. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VGI

Một công ty thuộc ngành viễn thông khác là CTCP Viễn thông FPT (UPCoM: FOX) - công ty liên kết của CTCP FPT (HOSE: FPT) - tiếp tục có một năm tăng trưởng và đạt cột mốc mới về lợi nhuận nhờ hoạt động kinh doanh ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Năm 2020, doanh thu thuần của FOX tăng 10% so với năm trước, đạt hơn 11,466 tỷ đồng. Doanh thu tài chính cũng tăng đến 33%, lên hơn 354 tỷ đồng nhờ lãi tiền gửi tăng. Cuối năm, FOX báo lãi trước và sau thuế đạt lần lượt 2,074 tỷ đồng và 1,664 tỷ đồng, cùng tăng xấp xỉ 15%. Lãi trước thuế vượt 2.6% kế hoạch đề ra.

Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của FOX tăng 21% so với đầu năm, đạt hơn 16,081 tỷ đồng. Tài sản hình thành từ nợ phải trả chiếm gần 70%, ở mức 11,003 tỷ đồng. Chiếm phần lớn trong đó là khoản vay nợ tài chính ngắn hạn với hơn 5,526 tỷ đồng, tăng 36%.

Hai doanh nghiệp họ Masan, CTCP Hàng tiêu dùng Masan (MCH)CTCP Masan MeatLife (MML), cùng ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong năm 2020.

MCHMML đều ghi nhận tăng trưởng trong năm 2020.

Với MCH, sau khi cùng VinCommerce về chung “mái nhà” The CrownX, năm 2020, MCH tiếp tục tăng trưởng năm thứ 3 liên tiếp và đạt lợi nhuận cao nhất từ khi thành lập.

Năm 2020, doanh thu thuần của MCH tăng hơn 26% so với năm 2019, đạt 23,243 tỷ đồng. Lãi sau thuế đạt hơn 4,633 tỷ đồng, tăng 14% so năm trước, vượt ngưỡng tối thiểu 4,600 tỷ đồng theo kế hoạch mà Công ty đề ra.

Còn với MML, nhờ giá thịt lợn trong năm 2020 luôn ở mức cao, do nguồn cung giảm bởi dịch tả lợn châu Phi, đã giúp Công ty ghi nhận tăng trưởng trở lại sau 3 năm. Trong đó, mảng kinh doanh thịt tích hợp, bao gồm chuỗi cung ứng trang trại của Công ty, chiếm 15% doanh thu hợp nhất, tăng gấp 5 lần so với năm 2019. Với việc các hộ chăn nuôi bắt đầu tái đàn trở lại, doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi của MML cũng tăng trưởng ổn định. Ngoài ra, MML còn hợp nhất với Công ty 3F Việt để mở rộng hơn mảng kinh doanh thịt gia cầm.

Kết quả, MML báo lãi sau thuế 2020 tăng gần 33%, lên hơn 492 tỷ đồng, áp sát mức kỳ vọng tối đa 500 tỷ đồng theo kế hoạch của Công ty.

Công ty con của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (UPCoM: PGV) đạt doanh thu thuần 2020 hơn 40 ngàn tỷ đồng - giảm gần 9% so năm 2019, nhưng lãi ròng gần 1.94 ngàn tỷ đồng, tăng gần 89%. Chi phí sản xuất được tiết giảm, chi phí tài chính hưởng lợi từ sự suy yếu của đồng USD là 2 nhân tố chính giúp PGV đạt được thành quả ấn tượng trong năm 2020.

Những “nạn nhân” của Covid-19

Tuy dẫn đầu về giá trị vốn hóa nhưng 2020 có lẽ là một năm đáng quên đối với Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (UPCoM: ACV). Tình hình dịch bệnh phức tạp, lượng khách quốc tế giảm đáng kể, người dân e ngại các địa điểm tập trung đông người như sân bay đã khiến kết quả kinh doanh của ACV “tụt dốc không phanh”. Cụ thể, lũy kế năm 2020, doanh thu thuần của Công ty giảm 57.5% so với năm 2019, còn gần 7,784 tỷ đồng. Lãi ròng giảm 79%, còn hơn 1,718 tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh của ACV trong 5 năm gần đây. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: ACV

Theo Công ty chứng khoán (CTCK) Bản VIệt (VCSC, HOSE: VCI), trong năm 2021, ACV có thể phục hồi từ mức thấp nhờ lượng khách quốc tế được dự báo đạt 11.6 triệu lượt trong năm 2021 – tương ứng 28% lượng hành khách quốc tế năm 2019.

CTCP Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) cũng bị Covid-19 “dội gáo nước lạnh” vào kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020. Cụ thể, BSR chịu tác động kép khi giá bán giảm sâu do ảnh hưởng từ thị trường thế giới cùng với việc người dân hạn chế đi lại làm giảm lượng xăng dầu tiêu thụ, khiến doanh thu thuần năm 2020 giảm gần 44% so với năm 2019, chỉ còn hơn 57,959 tỷ đồng. Hệ quả, BSR lỗ ròng gần 2,809 tỷ đồng.

Trong 3 công ty họ Masan dẫn đầu vốn hóa sàn UPCoM, MSR là công ty duy nhất có lợi nhuận đi lùi so với năm 2019.

Trong năm đầu tiên sau khi mảng kinh doanh vonfram của H.C.Starck (HCS) - doanh nghiệp vonfram cận sâu hàng đầu thế giới sáp nhập vào MSR, tổng sản lượng vonfram của Công ty TNHH Vonfram Masan (MTC) đã tăng 68% so với năm 2019. Nhờ vậy, doanh thu thuần hợp nhất 2020 của MSR tăng hơn 57% so với năm 2019, đạt hơn 7 ngàn tỷ đồng.

Nguồn: MSR

Tuy nhiên, do giá vốn và các loại chi phí đều tăng đáng kể dẫn đến Công ty chỉ lãi sau thuế gần 151 tỷ đồng, giảm hơn 57% so năm trước.

Hà Lễ

FILI