Nhân sự ngành địa ốc: Giỏi ngoại ngữ… có cần thiết?

Nhân sự ngành địa ốc: Giỏi ngoại ngữ… có cần thiết?

Vài năm trở lại đây, ngày càng nhiều mẫu tin tuyển dụng của các doanh nghiệp địa ốc yêu cầu ứng viên giỏi hay lưu loát ngoại ngữ. Tuy nhiên, khảo sát cho thấy lương của các doanh nghiệp này với các doanh nghiệp không yêu cầu giỏi ngoại ngữ không mang tính “cạnh tranh” như nhiều lời đồn thổi.

Điều "lạ” làm cho nhiều lao động hoang mang là Chủ doanh nghiệp hay Tổng Giám đốc điều hành đều là người Việt, khách hàng đa phần cũng là người Việt, yêu cầu ứng viên giỏi ngoại ngữ để... giao tiếp với người Việt có vẻ không hợp lý. Còn tại sao có yêu cầu này, chỉ người trong cuộc mới hiểu!

Giỏi ngoại ngữ… có cần thiết?

Để tránh hình thành các “khu phố Tây”, “khu phố Tàu” hay hiện tượng người nước ngoài sở hữu quá nhiều bất động sản tại Việt Nam, trong khi người dân bản địa loay hoay không mua được nhà do giá cao chót vót, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 10/12/2015 quy định chi tiết như sau: Tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% căn hộ của một tòa nhà chung cư. Trường hợp trên một địa bàn có nhiều tòa nhà chung cư thì bên cạnh việc không được sở hữu quá 30% căn hộ của một tòa nhà chung cư, tổ chức, cá nhân nước ngoài còn không được sở hữu quá 30% tổng số căn hộ của tất cả các tòa nhà chung cư này. Do đó, quy định vẫn đang hạn chế tổ chức hay cá nhân nước ngoài sở hữu bất động sản tại Việt Nam.

Tuy nhiên, tổ chức hay cá nhân nước ngoài cũng có cách lách luật riêng như truyền thông, báo chí trong nước vừa qua đưa tin. Họ nhờ người Việt đứng tên sở hữu bất động sản ở các vị trí chiến lược an ninh quốc phòng như đã xảy ra tại TP Đà Nẵng. Phổ biến nhất là các doanh nghiệp/tổ chức có yếu tố nước ngoài thu mua số lượng lớn cổ phần doanh nghiệp địa ốc trong nước, qua đó nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần tại doanh nghiệp và lên kịch bản thâu tóm doanh nghiệp hay những dự án bất động sản trọng điểm. Thông thường, những doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài sẽ chọn thực hiện các dự án bất động sản cao cấp và hạng sang, đây là “khẩu vị” của họ. Dĩ nhiên, giá bán bất động sản sẽ tăng cao chóng mặt và người hưởng lợi cuối cùng chắc chắn không phải… người dân bản địa. Thực tế này đã được Australia và Canada chứng minh rõ nét, khi người dân bản địa của họ không có nhà ở, phải thuê nhà từ… người nước ngoài.

Trở lại câu chuyện vì sao nhân sự địa ốc khó tìm người giỏi ngoại ngữ? Đầu tiên, phải kể đến môi trường và chương trình giáo dục bậc đại học ở nước ta. Hầu hết đại học công lập đều giảng dạy ngôn ngữ chính là tiếng Việt. Môi trường giao tiếp hàng ngày vẫn sử dụng tiếng Việt. Các đại học có khoa “Bất động sản” và “Kinh doanh Bất động sản” đều sử dụng tiếng Việt trong giảng dạy.

Để trụ vững và phát triển trong nghề kinh doanh bất động sản, người lao động phải có kinh nghiệm làm việc ít nhất 6 năm, am tường nhiều lĩnh vực khác nhau như: Luật (bao gồm nhiều bộ luật khác nhau: Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật kinh doanh Bất động sản…), kiến trúc quy hoạch, phong thủy, quản trị kinh doanh, quản trị Marketing… Khi làm việc trong các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài, người lao động phải chuyển ngữ các lĩnh vực nêu trên nên không dễ. Có nhiều nhân sự du học nước ngoài về Việt Nam làm việc cho các tập đoàn địa ốc lớn nhưng đa phần không thành công. Đơn giản vì họ không am tường Luật pháp Việt Nam do thiếu cập nhật thường xuyên, không nắm được thị trường địa ốc, không am tường văn hóa tiêu dùng Việt… Do vậy, nhân lực bản xứ vẫn là lựa chọn ưu tiên, yêu cầu giỏi ngoại ngữ nên xem lại khi đa số khách hàng là người Việt. Cũng có thể, Chủ doanh nghiệp không yêu cầu quá cao về ngoại ngữ nhưng do bộ phận tuyển dụng nhân sự (HR Dept) được điều hành bởi lãnh đạo “tồi”…

Doanh nghiệp địa ốc ngoại đang lấn át doanh nghiệp Việt?!

Ngày 28/05/2020, CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố Top 10 Công ty uy tín ngành Bất động sản năm 2020. Top 10 này gồm: CTCP Vinhomes - Tập đoàn Vingroups; CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova; CTCP Tập đoàn Ecopark; Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng; CTCP Tập đoàn Đất Xanh; CTCP  Đầu tư Nam Long; CTCP Đầu tư Kinh doanh địa ốc Hưng Thịnh; Công ty TNHH Đầu tư phát triển sản xuất Hạ Long (BIM GROUP); CTCP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền; CTCP Tập đoàn Hà Đô. Như vậy, Top 10 Công ty uy tín ngành Bất động sản năm 2020 do Vietnam Report công bố chỉ có đúng một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng.

Gần đây nhất, ngày 18/11/2020, tạp chí Nhịp cầu Đầu tư đã tổ chức Lễ vinh danh Bất động sản tiêu biểu Việt Nam 2020. Theo đó, Top 10 Nhà phát triển Bất động sản năm 2020 được vinh danh gồm: Capitaland, Vinhomes, Novaland, Khang Điền, Hưng Thịnh Land, Sungroup, Đất Xanh, Phát Đạt, Phú Long, Gotecland. Capitaland là đại diện duy nhất cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại đều là doanh nghiệp trong nước và được điều hành bởi chủ người Việt - nói tiếng Việt. Điều này cho thấy doanh nghiệp địa ốc Việt vẫn đang chiếm ưu thế trên sân nhà so với các doanh nghiệp địa ốc ngoại.

Tuy nhiên, vẫn không thể phủ nhận những đóng góp đáng kể của các doanh nghiệp địa ốc ngoại. Họ đã đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế quốc gia, góp phần trong công cuộc chỉnh trang đô thị, thực hiện những dự án bất động sản mang tầm vóc quốc tế. Thế nhưng, không phải doanh nghiệp địa ốc ngoại nào cũng đầu tư bất động sản tại Việt Nam một cách bày bản vì lợi ích chung.

Khác với nhiều ngành nghề kinh doanh khác, kinh doanh bất động sản là loại hình kinh doanh đặc thù liên quan đến nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn của quốc gia. Khai thác, sử dụng và kinh doanh nguồn tài nguyên đất đai phải hướng đến việc phục vụ lợi ích cho người dân địa phương và quốc gia. Phải có trách nhiệm hơn đối với cộng đồng. Hiện nay, nước ta vẫn chưa thừa nhận bất kỳ ngôn ngữ nào là ngôn ngữ thứ hai (secondary language), vậy nên, những nhà tuyển dụng “thông thái” của các doanh nghiệp địa ốc đừng đòi hỏi ứng viên phải lưu loát ngoại ngữ trong khi ngành nghề này hiếm khi sử dụng ngoại ngữ giao tiếp trong môi trường doanh nghiệp và giao tiếp với khách hàng hầu hết là… người Việt.

Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu

FILI