Môi giới địa ốc thời Covid: Nỗi buồn ngày Tết

Môi giới địa ốc thời Covid: Nỗi buồn ngày Tết

Trước tình hình thị trường bất động sản vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nguồn cung sụt giảm liên tiếp trong ba năm trở lại đây (kể từ năm 2018), nhân viên môi giới phải “cạnh tranh” khốc liệt với nhau bởi thiếu sản phẩm để bán ra thị trường, nhiều năm không còn đón Tết “thưởng khủng” như các năm trước đó. Cuối năm 2019 và đầu năm 2020, đại dịch Covid bắt đầu bùng phát tại Việt Nam. Đặc biệt, vào các tháng 04 và 07/2020 thị trường Địa ốc gần như “tê liệt” vì phải giản cách xã hội cùng Chính phủ quyết tâm chống dịch. Đến cuối năm, hầu hết các doanh nghiệp đang rất chật vật chuyện lương thưởng, thì các nhân viên trong ngành bất động sản lại tiếp tục thêm một cái Tết “buồn”.

“Ảm đạm” giao dịch, thưởng Tết… đìu hiu

Đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường bất động sản Việt Nam rơi vào trạng thái “ngủ đông”. Hầu hết, các chỉ số thị trường như nguồn cung, khối lượng giao dịch, tỷ lệ hấp thụ dự án, dòng vốn FDI,... đều sụt giảm nghiêm trọng. Thị trường căn hộ tại TPHCM có tổng 21,213 sản phẩm mở bán, giao dịch 13,043 sản phẩm, tỉ lệ hấp thụ đạt 61.2%. Lượng cung mới chào bán năm 2020 chỉ đạt 47.5% so với năm 2018 và 84.9% so với năm 2019. Tới cuối quý 3 năm 2020, sau khi kiểm soát tốt dịch bệnh lây lan ngoài cộng đồng, thị trường mới bắt đầu có tín hiệu khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, vào giáp Tết dịch bệnh lại có những diễn biến phức tạp và nhiều chuyên gia, nhà đầu tư lo ngại về ảnh hưởng của dịch bệnh đến thị trường quý 1 năm 2021.

Theo Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HoREA), do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, nên năm 2020 là năm khó khăn nhất của ngành du lịch và thị trường bất động sản du lịch, trong đó có các dự án căn hộ du lịch (condotel). Cùng với đó, trong hơn 10 năm qua, đã có một số UBND cấp tỉnh cấp “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở không hình thành đơn vị ở” cho căn hộ du lịch (condotel). Mới đây, cơ quan có thẩm quyền đã kết luận việc cấp “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở không hình thành đơn vị ở” (ổn định lâu dài) cho căn hộ du lịch là trái với quy định của Luật Đất đai.

Hiện nay chỉ có dự án nhà chung cư mới có căn cứ pháp luật điều chỉnh tương đối đầy đủ và khá chặt chẽ, thông qua các quy định của Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản. Nhưng, đối với căn hộ du lịch thì còn thiếu các quy định pháp luật điều chỉnh, nên chưa thể xử lý được các vướng mắc pháp lý. Vì lẻ đó, dẫu nguồn cung và lượng sản phẩm “tồn kho” nhiều năm trước của condotel hay officetel còn khá nhiều nhưng vẫn… những giao dịch thành công vẫn rất ảm đạm, bởi các nhà đầu tư “dè dặt” trước tính pháp lý cơ sở của loại hình này.

Sức mua thấp, nguồn cung cũng giảm, lại thêm trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hầu hết các doanh nghiệp địa ốc đều không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Đã có rất nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, nhân viên môi giới phải “bỏ nghề” chuyển sang công việc khác tìm kế sinh nhai. Các doanh nghiệp địa ốc còn “trụ” lại được thì chỉ mong trả lương cho nhân viên đầy đủ đã vui lắm rồi không mơ đến chuyện thưởng Tết hay thưởng Tết khủng.

Chờ “quả ngọt” năm nay

Đại dịch Covid 19 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam từ hồi đầu tháng 4/2020 với hai ổ dịch lớn tại Thủ đô Hà Nội và TP.HCM dẫn đến Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ về việc Thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày. Hầu hết, các hoạt động kinh tế gần như bị “tê liệt”, trong đó có ngành kinh doanh bất động sản.

Sau đợt cách ly toàn xã hội này, các nhân viên môi giới địa ốc đã dần chuyển sang ngành nghề hay công việc khác mang tính ổn định thu nhập hơn. Doanh nghiệp dịch vụ môi giới cũng phải đóng cửa không ít hoặc hoạt động cầm chừng do thiếu hụt nhân viên hay không tuyển được nhân sự.

Chưa dừng lại ở đó, đến tháng 7/2020 thì đại dịch Covid lại bùng phát với ổ dịch lớn tại TP. Đà Nẵng. Hầu hết, các hoạt động du lịch và hoạt động kinh doanh bất động sản nghỉ dưỡng bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng, lại phải chứng kiến thêm một đợt “bỏ ngành” của lực lượng lớn nhân viên môi giới.

Thị trường bất động sản dần ấm hơn từ sau tháng 8/2020 với các thông tin tích cực như thành lập Thành phố biển Phú Quốc, Thành lập Thành phố Thủ Đức trực thuộc TP.HCM khiến cho các giao dịch địa ốc trở nên nhộn nhịp hơn. Các giao dịch thành công dần xuất hiện giúp cho nhân viên môi giới khởi sắc tin tưởng hơn về “sự trỗi dậy” của thị trường Bất động sản. Nhưng, niềm vui ấy không kéo dài được bao lâu thì dịch Covid lại bùng phát trở lại với các ổ dịch lớn ở Quảng Ninh, Hải Dương, Gia Lai… Điều này tiếp tục làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý đi lại và tiêu dùng của người dân trong mùa dịch. Mong muốn một cái Tết “rủng rỉnh” với lương và thưởng của nhân viên môi giới bất động sản dần trở nên xa vời hơn…

Nghề môi giới địa ốc tuy rất vất vả. Tuy nhiên, “quả ngọt” từ công việc này là một sự tưởng thưởng không hề nhỏ cho những nhân sự cần cù, chăm chỉ và yêu nghề. Thị trường kinh doanh địa ốc gặp nhiều khó khăn, cạnh tranh khốc liệt từng ngày. Vì vậy, chỉ có những nhân viên môi giới thật sự yêu nghề mới chấp nhận trụ lại với nghề.

Nhưng, để trụ vững được với nghề thì nhân sự môi giới địa ốc cần phải chuyên nghiệp hóa hơn nữa về kiến thức lẫn kỹ năng nghề nghiệp. Chu kỳ thị trường kinh doanh bất động sản luôn có những biến động không ngừng. Năm 2020 có thể là một năm khó khăn. Nhưng, năm 2021 lại là một năm hái “quả ngọt” – người viết luôn tin tưởng là vậy với tình yêu đối với nghề mãnh liệt…

Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu - Phó chủ tịch Hanita Master Group

FILI