Kinh nghiệm đầu tư cho 2021: Moving Average - Đi theo xu hướng (Kỳ 4)

Kinh nghiệm đầu tư cho 2021: Moving Average - Đi theo xu hướng (Kỳ 4)

Giao dịch theo đường trung bình động (Moving Average) là một trong những phương pháp đầu tư phổ biến và dễ thực hiện. Phương pháp này có nhiều ưu điểm cũng nhưng nhiều hạn chế mà nhà đầu tư cần phải lưu ý.

Moving Average là gì?

Theo sách Phân tích Kỹ thuật từ A-Z, trung bình động (Moving Average) là một chỉ báo thể hiện giá trị trung bình của giá chứng khoán trong một khoảng thời gian. Khi giá chứng khoán thay đổi thì giá trung bình cũng thay đổi theo.

Trung bình động có 7 dạng phổ biến, gồm: giản đơn (còn được gọi là số học), hàm số mũ, chuỗi thời gian, tam giác, biến số, điều chỉnh theo khối lượng và trọng số. Trong đó, đường trung bình giản đơn và đường trung bình hàm số mũ thường được sử dụng nhiều nhất ở thị trường Việt Nam.

Công thức của trung bình động nhìn chung là khá dễ hiểu. Tuy nhiên, trong quá trình ứng dụng thực tế cần phải chú ý nhiều để làm tăng tính hiệu quả của công cụ này.

Kinh nghiệm thực tế khi sử dụng MA

Cách sử dụng đầu tiên của trung bình động là so sánh giữa đường trung bình động với giá của chính chứng khoán đó. Tín hiệu mua xuất hiện khi giá chứng khoán vượt lên trên trung bình động và tín hiệu bán xuất hiện khi giá chứng khoán giảm xuống dưới trung bình động.

Ngoài ra, một đường trung bình động còn đóng vai trò là một kháng cự hay một hỗ trợ cho giá cổ phiếu. Tuy nhiên, cách dùng này tỏ ra khá mạo hiểm khi mà giá có thể tạo ra những tín hiệu nhiễu. Phương án an toàn hơn là dùng một dải các đường trung bình (ribbon) để tạo thành một vùng kháng cự/hỗ trợ di động.

Nguồn: VietstockUpdater

Cách thứ hai là xác định xu hướng khi so sánh các đường trung bình với nhau. Khi đường trung bình ngắn hạn (đường SMA 50 ngày) cắt lên trên các đường trung bình trung và dài hạn (đường SMA 100 ngày và đường SMA 200 ngày) thì xu hướng tăng đang là xu hướng dài hạn của cổ phiếu và ngược lại. Các điểm giao cắt này được gọi bằng những cái tên khá “kêu” như điểm giao cắt vàng (golden cross) và điểm giao cắt tử thần (death cross).

Nguồn: VietstockUpdater

Việc xác định số kỳ (n) của đường trung bình động là việc vô cùng quan trọng. Chìa khóa thành công là nhà đầu tư phải tìm được là phải tìm được đường trung bình phù hợp với từng mã cổ phiếu. Nếu dùng số kỳ quá ngắn, nhà đầu tư có thể thường xuyên bị mua/bán "hớ" do biến động phức tạp của thị trường.

Sau đây là một ví dụ cụ thể, đường SMA 200 ngày hoạt động khá hiệu quả với cổ phiếu CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC).

Nguồn: VietstockUpdater

Ưu điểm và hạn chế

Ưu điểm của hệ thống trung bình động (tức mua/bán khi giá phá vỡ đường trung bình động) là giúp nhà đầu tư luôn nắm bắt được xu hướng của thị trường. Việc “suy nghĩ”, “tâm tư” linh tinh trong quá trình trading cũng được loại bỏ bớt vì các tín hiệu rất đơn giản và rõ ràng.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý trung bình động thuộc nhóm chỉ báo cho tín hiệu trễ (lagging indicators). Do đó, hạn chế của hệ thống này là thường cho tín hiệu mua/bán chậm.

Mặt khác, đối với các giai đoạn sideways thì hệ thống này cũng không giúp được nhiều. Vì vậy, nhà đầu tư cần tham khảo giá trị của ADX trước khi bắt đầu sử dụng hệ thống.

Nguồn: VietstockUpdater

Phòng Tư vấn Vietstock

FILI