VN-Index hướng tới mốc 1,204 lịch sử

Bài cập nhật

VN-Index hướng tới mốc 1,204 lịch sử

Chỉ số chính sàn HOSE đang hướng tới mốc đỉnh lịch sử 2018 khi dòng tiền vào thị trường chưa hề có dấu hiệu chững lại.

Trong phiên sáng 08/01, VN-Index đã chính thức vượt mức 1,170 điểm, mức đóng cửa cao kỷ lục của thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2007. Tới 10h40, chỉ số đang ở mức 1,174.6 điểm.

VN-Index kết phiên tăng 0.97%, đạt 1,167.69 điểm; chỉ số HNX-Index tăng 0.54%, đạt mức 217.40 điểm. Như vậy, VN-Index tạm thời chưa chinh phục được mức đỉnh cao vào năm 2007 tại 1,170 điểm. Song, với tâm lý hưng phấn như hiện nay, việc này có thể chỉ còn là thời gian.

Lần gần đây nhất VN-Index vượt đỉnh này là vào năm 2018, sau khi vượt đỉnh, chỉ số đã xác lập đỉnh kỷ lục cao nhất trong lịch sử tại 1,204 điểm vào phiên 12/04/2018. Với đà tăng hiện tại, chỉ số chính sàn HOSE chỉ còn cách mức điểm cao nhất gần 30 điểm, tương đương 2.5%.

VN-Index vượt mốc đỉnh năm 2007 trong phiên sáng 08/01/2021
Nguồn: stockchart.vietstock.vn

Kể từ quý 2/2020, thị trường chứng khoán đã đi vào đà tăng tích cực khi tình hình dịch bệnh ở Việt Nam được kiểm soát tốt. Trước đó những lo ngại về tác động của dịch tới nền kinh tế trong nước và thế giới đã khiến chỉ số liên tục giảm mạnh, giảm 30% trong 1 quý đầu năm.

Kết thúc năm 2020, chỉ số VN-Index tăng gần 15% so với đầu năm và 66% so với mức đáy lập vào cuối quý 1/2020.

Đà tăng của chỉ số tiếp tục được nối dài trong các phiên đầu năm 2021. Tuần đầu giao dịch của năm chỉ số liên tục tăng với mức tăng bình quân 1% mỗi phiên và nhanh chóng vượt mức đỉnh cũ của năm 2007.

Một điểm sáng của thị trường hiện tại là thanh khoản đang ở mức cao kỷ lục. Thị trường đã trở nên quen thuộc với những phiên thanh khoản trên 10,000 tỷ đồng từ cuối năm 2020. Tính trong tuần giao dịch đầu năm 2021, khối lượng giao dịch bình quân sàn HOSE đạt hơn 770.4 triệu cổ phiếu/phiên, tương ứng giá trị giao dịch hơn 16.8 ngàn tỷ đồng/phiên. Sàn HNX cũng ghi nhận thanh khoản ấn tượng. Khối lượng giao dịch bình quân hơn 151 triệu cổ phiếu/phiên và giá trị giao dịch hơn 2.2 ngàn tỷ đồng/phiên.

Các con số này đều vượt xa so với mức thanh khoản 990 tỷ đồng/phiên ở vùng đỉnh năm 2007 và 5.5 ngàn tỷ đồng của năm 2018 (tính riêng sàn HOSE).

Ở thời điểm hiện tại dòng tiền từ lớp nhà đầu tư mới (F0) đang là nhân tố quan trọng thúc đẩy đà tăng của thị trường. Lượng tài khoản mở mới liên tục lập kỷ lục trong những tháng cuối năm 2020. Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) có tới hơn 63.6 ngàn tài khoản mở mới trong tháng 12/2020. Cả năm 2020, con số mở mới lên tới gần 400 ngàn tài khoản, cao hơn nhiều so với con số hơn 245 ngàn năm 2018 (thời điểm VN-Index chạm đỉnh 1,204).

Số tài khoản mở mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2017 trở lại đây
Nguồn: VSD

Năm 2021, thị trường chứng khoán tiếp tục được giới phân tích đánh giá với triển vọng lạc quan. Các yếu tố hỗ trợ thị trường trong năm sau sẽ trở nên nổi bật hơn, bao gồm: Chính sách tiền tệ nới lỏng toàn cầu và đồng USD suy yếu, kinh tế Việt Nam và thế giới phục hồi hậu Covid-19, triển vọng nâng hạng thị trường theo phân hạng của FTSE và đẩy nhanh giải ngân đầu tư công.

Theo SSI Research với hệ số P/E thị trường thời điểm cuối năm 2020 là 16.03 lần, lúc này định giá của hầu hết các ngành đã quay trở lại mức trước Covid, ngay cả khi tính đến lợi nhuận phục hồi mạnh mẽ năm 2021. Tuy nhiên, năm 2020-2021 có thể sẽ khác, đặc biệt khi tính đến thanh khoản dồi dào và vai trò của nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt là nhà đầu tư “F0” ngày càng tăng. Ngoài ra, định giá thị trường Việt Nam vẫn còn thấp hơn tương đối so với các nước khác trong khu vực. Trong kịch bản tốt nhất, dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán sẽ là động lực giúp P/E thị trường năm 2021 đạt mức cao kỷ lục như mức đã đạt được trong vòng 3 năm qua. SSI Research đưa ra mức hệ số P/E 18 lần cho chỉ số VN-Index năm 2021 trong kịch bản cơ sở (tương đương với triển vọng tăng giá là 12.3%).

Song song đó, rủi ro lớn nhất với TTCK vẫn đến từ diễn biến địa chính trị và bức tranh toàn cầu. Đại dịch Covid-19 vẫn luôn là trọng tâm trong dự báo, và bất kỳ sự kiện nào liên quan đến việc thử nghiệm/ triển khai/ chấp nhận vaccine, hay biến thể virus có thể tác động mạnh đến đà phục hồi. Cùng với đó là rủi ro từ việc Mỹ áp thuế bổ sung trên cơ sở các cáo buộc về định giá thấp đồng nội tệ.

* 2018: Vượt đỉnh sau 11 năm, nhưng thị trường nay đã khác!

* Chứng khoán Việt và cơn sóng thần 2008 (kỳ 1): “Điên vì chứng khoán”

* Chứng khoán Việt và cơn sóng thần 2008 (kỳ 2): Cú knock-out cuối cùng

Chí Kiên

FILI