VN-Index có thể tăng nóng lên 1,400 điểm nhờ dòng vốn 'rẻ'

VN-Index có thể tăng nóng lên 1,400 điểm nhờ dòng vốn 'rẻ'

Dòng vốn “rẻ” đang chảy mạnh vào thị trường chứng khoán chưa có dấu hiệu đảo chiều kỳ vọng đưa VN-Index tăng nóng lên 1,400 điểm trong năm 2021. Nhóm ngân hàng và bất động sản có nhiều tiềm năng.

* VN-Index hướng tới mốc 1,204 lịch sử

VN-Index có thể tăng nóng lên 1,400 điểm

Hội thảo do PHS tổ chức ngày 08/01/2020

Tại Hội thảo Triển vọng đầu tư 2021 - Phục hồi sau đại dịch Covid-19 do Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) tổ chức ngày 08/01/2021, ông Lu Hui Hung - Tổng Giám đốc CTCP Quản lý quỹ Phú Hưng (PHFM) - nhận định thị trường chứng khoán đang được tiếp sức bằng dòng vốn “rẻ” chảy mạnh vào thị trường nhiều chưa từng thấy trong lịch sử. Dòng vốn này đã hấp thụ hết lượng bán ròng của khối ngoại, giúp duy trì đà phục hồi nhất quán của thị trường từ tháng 4/2020 đến nay.

Dù vậy, định giá thị trường hiện vẫn duy trì ở mức hấp dẫn khi P/E dự phóng chỉ 13x nhờ lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết đang trên đà phục hồi, mà trong đó nhóm ngành ngân hàng chi phối 45-50%.

Trong năm 2021, dòng vốn đầu tư ròng sẽ sớm trở lại thị trường Việt Nam trên cơ sở Việt Nam được rổ MSCI frontier Market 100 Index nâng tỷ trọng, sau khi Kuwait được nâng hạng. Ước tính, dòng vốn ròng từ Ishare Frontier Market 100 ETF vào khoảng 65 triệu USD. Đồng thời, việc điều chỉnh tỷ trọng của MSCI sẽ kích hoạt hàng loạt quỹ đầu tư chủ động rót vốn vào thị trường.

Cho đến khi dòng vốn “rẻ” đảo ngược, thị trường chứng khoán hiện còn tiếp tục được hỗ trợ, giúp kỳ vọng vượt đỉnh thời đại 1,200 điểm (forward P/E 17x) của VN-Index trở nên khả thi hơn, thậm chí chỉ số có thể tăng nóng lên vùng 1,400 điểm (forward P/E 20x).

Câu hỏi đặt ra là thời điểm mua hiện tại là khi nào? Từ góc độ kỹ thuật, Tổng Giám đốc PHFM đưa ra kịch bản VN-Index sẽ đối mặt với ngưỡng kháng cự 1,200 điểm, sau đó có một quãng tích lũy trước khi tiến đến mốc 1,400 điểm.

Tuy nhiên, cần lưu ý các rủi ro vẫn còn hiện hữu như dịch bệnh kéo dài, kinh tế không phục hồi như dự báo. NHNN có thể áp dụng thắt chặt tiền tệ. Tuy vậy, ông Lu Hui Hung tin rằng NHNN sẽ không thắt chặt cung tiền trong giai đoạn phục hồi kinh tế này và khuyến nghị nhà đầu tư nên giữ chặt cổ phiếu để không bị “văng” ra khỏi đà tăng của thị trường.

Ngân hàng và bất động sản là nhóm ngành tiềm năng

Khối phân tích của PHFM nhận định hai nhóm ngành được có tiềm năng cho năm 2021 là ngân hàng và bất động sản.

Nhóm ngân hàng có triển vọng tốt nhờ mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm có thể đạt 13-14%. Tuy vậy, tăng trưởng tín dụng sẽ có sự phân hóa, phụ thuộc vào bộ đệm vốn của các ngân hàng. Hệ số NIM có thể phục hồi dựa vào các khoản vay cá nhân khi nền kinh tế phục hồi. Song, các ngân hàng có yếu tố Nhà nước có thể gặp nhiều thách thức hơn trong việc cải thiện NIM vì có thể phải đưa ra nhiều chính sách/gói hỗ trợ, giảm lãi hơn so với các ngân hàng thương mại tư nhân.

Thông tư 01 cũng là câu chuyện đáng chú ý của nhóm ngân hàng do nợ xấu có thể gia tăng khi Thông tư này hết hiệu lực. Tuy nhiên, để tránh nợ xấu gia tăng đột ngột, Thông tư 01 có thể được sửa đổi/gia hạn tới khi nền kinh tế hoàn toàn phục hồi. Thêm vào đó, nền kinh tế cũng đang ghi nhận sự khởi sắc, do đó, có thể chỉ một phần nhỏ nợ tái cấu trúc sẽ chuyển thành nợ xấu. Theo ước tính của PHFM, mỗi 1% nợ tái cấu trúc, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng có thể tăng 0.035 điểm %.

Với nhóm ngành bất động sản, trong dài hạn, nhu cầu nhà ở tăng trưởng khi dân số gia tăng và cơ sở hạ tầng phát triển sẽ là bệ phóng tốt cho ngành. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường bất động sản vẫn còn gặp phải các vấn đề như rà soát luật đất đai bất động sản, thắt chặt tín dụng và dịch bệnh Covid-19.

Chí Kiên

FILI