Thị trường địa ốc năm 2021: Chưa thể phục hồi?

Thị trường địa ốc năm 2021: Chưa thể phục hồi?

Từ đầu năm 2018, TP.HCM đã ban hành nhiều văn bản để kiểm soát hiện tượng thất thoát tài sản nhà nước tại các dự án bất động sản, siết chặt pháp lý đối với các dự án mới. Đây là một giải pháp đúng đắn cho thị trường bất động sản TP.HCM. Tuy nhiên, cũng vì điều này mà nguồn cung bất động sản tại TP.HCM sụt giảm đáng kể so với nhu cầu của thị trường.

Nguồn cung bất động sản tại TP.HCM trở nên khan hiếm, các chủ đầu tư thay nhau “hét” giá bán, “cò đất” các khu vực lân cận cũng đồng loạt “thổi giá” bất động sản tăng cao “bất hợp lý” mặc cho đại dịch Covid vẫn còn đang diễn ra phức tạp. Nhân sự ngành kinh doanh địa ốc cũng có biến động lớn trước tình hình ảm đạm của thị trường, một số nhân sự rời bỏ ngành tham gia vào lĩnh vực khác…

Giá nhà đất tăng cao: Nguy cơ “bong bóng”

Theo Bộ Xây dựng, nguồn cung nhà ở giảm và giá nhà vẫn tăng so với cuối 2019. Cụ thể, tại Hà Nội, giá căn hộ chung cư tăng 0.16%, nhà ở riêng lẻ tăng khoảng 0.01%. Trong khi đó, tại TP.HCM, giá căn hộ chung cư tăng khoảng 0.25%, nhà ở riêng lẻ giá tăng khoảng 0.15% so với cùng kỳ năm 2019. Nhiều tổ chức, đơn vị nghiên cứu thị trường bất động sản (BĐS) cũng đưa ra các báo cáo cho thấy giá nhà không những không giảm mà còn tăng, dù dịch bệnh gây ảnh hưởng mạnh đến kinh tế. Hiện tại, giá bán bất động sản nhiều nơi đang tăng cao, vượt xa khả năng tài chính của người trẻ và những người có thu nhập trung bình, khá. Bên cạnh đó, nhiều Nhà đầu tư cũng “chùn tay” khi lựa chọn đầu tư bất động sản vì quan ngại kịch bản “bong bóng” thị trường bất động sản. Do đó, thị trường bất động sản trầm lắng những giao dịch thành công.

Mới đây, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã ban hành Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ký ban hành ngày 09/12/2020 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 01/01/2021. Một tin vui cho người dân các Quận 2, Quận 9 và Thủ Đức vì sắp tới sẽ được thụ hưởng những tiện ích cũng như các chính sách đặc biệt của thành phố thông minh, sáng tạo – TP. Thủ Đức trực thuộc TP.HCM.

Mặc dù, chưa có quy hoạch chi tiết và cụ thể về “diện mạo” của TP. Thủ Đức trong tương lai, cũng như chưa hoàn thiện các Chính sách an sinh xã hội nhằm thu hút nhân lực chất lượng cao… thì giá bất động sản tại Khu đông TP.HCM và các địa phương lân cận đã “vùn vụt” tăng giá phi mã, có những nơi tăng đến 250% so với cùng kỳ năm 2019.

Rất nhiều chuyên gia bất động sản có cùng nhận định: “Thu nhập của người dân giảm do kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, như vậy, nhu cầu chắc chắn giảm. Các giao dịch mua bán trên thị trường bất động sản cũng giảm sút nghiêm trọng. Nhưng, giá bán nhà, đất tăng cao liên tục là rất bất hợp lý. Có nhiều nguyên nhân tăng giá bán bất động sản như: Nguồn cung khan hiếm, chi phí hình thành quỹ đất tăng cao đột biến, rào cản về thủ tục hành chính… Tuy nhiên, góp phần “thổi” giá tăng đột biến phải kể đến “cò đất” tung tin “sốt ảo” và chủ đất “ảo tưởng” về giá trị thật của tài sản.

Bất động sản là tài nguyên hữu hạn, cần phải có sự can thiệp kịp thời của Chính phủ trong hoạt động kinh doanh bất động sản. Nên chăng, đã đến lúc phải thiết lập “giá đất tăng trần” để tránh hiện tượng “bong bóng” bất động sản?

Nhân sự bỏ ngành: Cần thay đổi tư duy trong quản trị

Ngành kinh doanh bất động sản vốn là ngành nghề có tỷ lệ đào thải nhân sự nhanh đến “chóng mặt” so với các ngành nghề khác nếu như không muốn nói là ngành nghề có tốc độ đào thải nhân sự cao nhất tại Việt Nam. Có nhiều yếu tố dẫn đến sự kiện trên, đơn cử như: Thiếu sản phẩm để bán, chiến lược kinh doanh không hiệu quả, tài chính không đủ đảm bảo để duy trì kinh doanh hay nhân sự vứt áo ra đi khi không đồng quan điểm với ông/bà chủ doanh nghiệp.

Nhìn chung, nhân sự giỏi rời bỏ doanh nghiệp là câu chuyện rất phổ biến đối với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, các ông/bà chủ doanh nghiệp không quan tâm nhiều đến vấn đề này, họ cho rằng đó là câu chuyện thường nhật thường xuyên diễn ra trong kinh doanh và trong cuộc sống. Họ liên tục tuyển dụng, nhưng giữ chân người lao động thì vẫn cứ “loay hoay” như là một bài toán…thường tình.

Giá bán bất động sản tăng cao, nhu cầu giảm mạnh. Thị trường kinh doanh bất động sản dần trở nên “ảm đạm” với rất ít những giao dịch thành công. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đa phần đều ghi nhận doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Nhân sự ngành kinh doanh bất động sản “mất lửa” khi không bán được sản phẩm…

Tiên lượng, thị trường kinh doanh bất động sản năm 2021 sẽ thiếu hụt nhân sự trầm trọng mặc cho tỷ lệ lao động thất nghiệp tăng cao do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 . Ngành kinh doanh bất động sản với những “biến động lớn” đã và đang diễn ra như hiện nay, không còn là lựa chọn ưu tiên cho giới trẻ.

Nhìn chung, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh địa ốc đều được tổ chức và quản trị dưới mô hình “gia đình trị” kể cả khi đã niêm yết trên sàn chứng khoán, cho nên cũng có những ưu điểm nổi bật.

Thứ nhất, các thành viên lãnh đạo vì là người cùng trong gia đình, nên hiểu rất rõ về mặt mạnh, mặt yếu, sở trường, sở đoản của từng người.

Thứ hai, trách nhiệm công việc cao vì là tài sản của gia đình, trong đó có bản thân mình, nên những thành viên gia đình thường làm việc với trách nhiệm và tính cam kết rất cao.

Thứ ba, chiến lược kinh doanh và hệ giá trị nhất quán: Trong doanh nghiệp gia đình, thế hệ sáng lập khi khởi nghiệp thường áp đặt ra những quan điểm, mô hình, phương thức kinh doanh theo ý mình. Và nếu công việc kinh doanh thành công, thì những quan điểm, mô hình, phương thức kinh doanh này hay kinh nghiệm trong quá trình hoạt động được xem như di sản để lại, thường được các thế hệ sau tôn trọng và xem như là kim chỉ nam.

Tuy nhiên, những ưu điểm trên cũng dần trở nên “rào cản” nhất định đối với quá trình phát triển doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại. Tư tưởng “gia đình trị” vô hình trung làm giảm sự công bằng của một tổ chức hay sự sáng tạo đối với nhân viên giỏi. Một nhân sự dù giỏi gấp nhiều lần so với “người nhà” Chủ tịch cũng không thể “leo lên” ghế điều hành để phát triển bản thân cũng như phát triển nghề nghiệp. Kinh nghiệm của thế hệ trước là vốn quý và là tài sản vô giá để… tham khảo. Do vậy, đừng quá áp đặt kinh nghiệm thế hệ trước đưa vào thực tiễn mà không có sự đổi mới và sàn lọc. Rất nhiều ông/bà chủ bảo thủ với tư duy quản trị cũ kỹ, họ không muốn thay đổi vì sợ… rủi ro.

Thiết nghĩ, để thu hút và giữ chân người, các ông/bà chủ doanh nghiệp kinh doanh địa ốc cần thay đổi tư duy nhằm tạo được môi trường công bằng, công tâm với nét văn hóa đặc trưng, chuyên nghiệp thì hoạt động thu hút và giữ chân nhân tài là một việc làm rất dễ dàng, không khó thực hiện. Đừng như hiện nay, tuyển dụng liên tục để rồi phải nhìn nhân sự giỏi ra đi liên tục… Người lao động làm việc vì lương, bổng là một chuyện nhưng họ sẽ rất hạnh phúc và cam kết gắn bó lâu dài hơn đối với doanh nghiệp nếu như họ được làm việc với một ông/bà chủ có tâm lẫn tầm lãnh đạo…

Ths. Nguyễn Phạm Hữu Hậu - Phó chủ tịch Hanita Master Group

FILI