Nhịp đập Thị trường 21/01: Thời lại tới không cản nổi?

Nhịp đập Thị trường 21/01: Thời lại tới không cản nổi?

Phiên chiều khác hẳn phiên sáng, tức là không có dao động đánh võng chùng xuống. Tâm lý nhà đầu tư có lẽ càng yên tâm, tỷ lệ thuận với mức tăng của chỉ số. Về mặt kỹ thuật có lẽ cũng vậy. Hơn nữa, phiên chiều nay cũng không có diễn ra tình trạng “đơ đơ” giữa chừng trên HOSE như mấy ngày qua.

Đợt ATC diễn ra thuận lợi, VN-Index lên đỉnh cả ngày ở 1,164.2 điểm, tăng 2.6%. HOSE có 425 mã tăng giá, HNX và UPCoM có tương ứng 157 và 206 mã tăng giá. Số mã tăng trần và hơn trần (những mã UPCoM tăng cao hơn trần biên độ của 2 sàn niêm yết) nhiều quá, đếm không hết, và đa số vẫn là Mid và Small Cap. Với đà tăng này, dường như đợt điều chỉnh vừa qua đã coi như kết thúc. Thời tăng giá lại tới… không cản nổi?

VN30-Index tăng mạnh hơn chỉ số chính trong phiên chiều, và đến cuối ngày, nhóm này có 27 mã tăng giá, bằng đúng với số mã tăng đầu phiên sáng. Trong 3 cổ phiếu giảm giá, SABEIB vẫn giảm cho đến cuối ngày, nhưng VJC đã tăng trở lại, thay thế là VRE. VRE có lúc tăng trở lại trên tham chiếu 1 giá, nhưng rồi lại giảm xuống, đi kèm với đó là mua bán của khối ngoại. Ở nhóm tăng, ROS vẫn bám cứng trần, nhưng có thêm TCH. 1 số mã khác cũng tăng mạnh trong phiên chiều này như HPG, MBB hay STB.

Nhóm ngân hàng đã vượt lên trên những nỗi e ngại ban sáng, và đến chiều ngoại trừ EIB còn lại tăng. Các đại gia trong nhóm đều tăng khá, MBB tăng đến 5.7%. Trong nhóm tư nhân, VPB có thời điểm tăng trần, đến cuối ngày dừng ở mức +5.,9%. BVB còn cách trần 1 khoảng khá xa, nhưng do ở UPCoM nên mức tăng cũng tới 6,8%.

Nhóm BĐS nhà ở đã xóa gần hết các chấm đỏ. Được cho là phân hóa rõ nét trong phiên sáng, đền cuối phiên chiều, sự phân hóa đã không còn nữa. Dù VRE vẫn giảm giá, nhưng các cổ phiếu tên tuổi tầm trung đã quay lại với sắc xanh, như DIG, NLG, LDG, SJS, PDR… trong số này, 1 số mã tăng hơn 6% như SCR, DXG

Đúng như dự đoán, diễn biến trên sàn phái sinh ngày đáo hạn của hợp đồng 1 tháng hết sức yên bình. Giá hợp đồng 1 tháng bám rất sát điểm số cơ sở. Tuy nhiên giá hợp đồng kế tiếp, VN30F2102 đang cao hơn điểm số cơ sở đến 30 điểm, qua ngày mai khi mã này trở thành loại hợp đồng 1 tháng, không rõ sẽ tăng giá tiếp, hay sẽ giảm gap? Nói cách khác, vẫn có rủi ro cho người mua cuối ngày hôm nay trên hợp đồng này.

Phiên sáng: Duy trì đà tăng với thanh khoản hơi thấp

VN-Index tiếp tục đạt đỉnh cao nhất trong phiên sáng nay 1.150 điểm vào khoảng gần 11g, trước khi lùi lại 1 chút, chắc do nhà đầu tư e ngại phiên phái sinh đáo hạn vào chiều nay. Diễn biến trên TTCK Việt Nam sáng nay tương đồng với các sàn châu Á. Giá trị giao dịch trên HOSE sáng nay chưa đạt 10,000 tỷ, còn nhiều dư địa để “đánh” phiên chiều, thậm chí đến hết ATC. Chỉ số VN30index tăng nhanh hơn VN-Index, 1 phần do các mã lớn như VRE, MSNSAB giảm giá (mức tác động của các mã này lên VN-Index có thể lớn hơn so với tác động lên VN30-Index). Tương tự, 2 chỉ số dòng midcap và smallcap cũng tăng nhanh và mạnh hơn chỉ số chính.

Diễn biến giá hợp đồng tương lai sắp đáo hạn VN30F2101 bám rất sát điểm số cơ sở, và cũng rất ổn định. Với OI chỉ hơn 17 ngàn hợp đồng, có thể an tâm với phiên chiều. điều thú vị là giá 3 loại hợp đồng còn lại đều cao hơn tới 30 điểm so với điểm số cơ sở, mức “gap dương” lớn như vầy không rõ có khiến người mua e ngại hay không?

VJC đã hồi về tham chiếu vào cuối phiên, nhưng EIBSAB vẫn đỏ. Đó là 2 mã giảm “xui xẻo” nhất nhóm VN30 sáng nay. Ngoài ra, có thể kể thêm VRE, khi cổ phiếu này tăng mạnh nhất ngay sau ATO, nhưng liền sau đó cứ lùi dần, lùi xuống dưới cả tham chiếu và hiện thấp hơn đến 2%. Khối ngoại đang bán ròng hơn 1.3 triệu cp VRE, không rõ có phải là nhân tố chính đạp giá cổ phiếu này. Ở chiều tăng của nhóm VN30, có 24 cái tên, hầu hết tăng ổn định suốt phiên sáng nay. HPG tăng ổn định 3.4% dù khối ngoại cũng bán ròng gần 2.5 triệu cp (tình cảnh trái ngược so với VRE). ROS dư mua trần từ lâu, và hôm nay giá cổ phiếu chính thức quay trở lại mốc 4 ngàn đồng. TCH quay trở lại đường đua khi tăng giá 5.5%.

Chỉ số HNX-Index sáng nay duy trì đà tăng hơn 3% một cách khó có thể ổn định hơn, nhờ sự hậu thuẫn của THD, SHB và 27 mã tăng giá trần khác. Tuy nhiên, chỉ số 2 nhóm quan trọng là HNX30HNX largecap lại chỉ tăng loanh quanh 1%, rõ ràng là do… không có THD. Với mức tăng 7,8% sáng nay, THD có vốn hóa gần sát 2.2 tỷ USD, tuy nhiên chưa được đưa vào nhóm Large Cap sàn HNX vì mới niêm yết. Dù vậy, cổ phiếu này cũng là yếu tố chính giúp đẩy thốc chỉ số HNX-Index không chỉ trong sáng nay, mà trong khoảng thời gian dài từ khi ACB chuyển sàn (qua HOSE).

Có lẽ chỉ chịu ảnh hưởng 1 chút trong vài phút đầu phiên sáng, sau đó UPCoM-Index lại lấy lại mức tăng giá 1 cách tự chủ. Chỉ số sàn này đang đạt mức gần như cao nhất trong phiên sáng nay, kèm theo đó là hàng loạt tên tuổi tăng giá mạnh như MSR, BSR, MPC, MML, MCH, CTR, VGIQNS đầu phiên còn giảm giá, LTG hay VEA đứng giá, nhưng đến giờ cũng đã xanh nhẹ. Sàn Upcom cũng có 18 mã tăng trần, chưa kể hơn 20 mã khác tăng giá hơn 10%.

Nhóm BĐS nhà ở tiếp tục duy trì mức phân hóa rõ nét nhất sáng nay, khi so với các nhóm ngành lớn khác. Bên cạnh VRE giảm giá, có không ít tên tuổi tầm trung vẫn giảm giá trước khi doanh nghiệp ra tin về kết quả quý 4, ví dụ như DIG, IJC, LDG, NLG, PDR, SJS…, điều này đặt ra mối nghi ngờ về kết quả hoạt động doanh nghiệp, nhất là khi nhiều doanh nghiệp nói trên hay “tụ” doanh thu và lợi nhuận vào quý 4.

Các nhóm ngành lớn và nhỏ khác nhìn chung vẫn có diễn biến tích cực, cổ phiếu phủ đầy sắc xanh, cho dù 1 số nhóm đã có nhiều chấm đỏ hơn như BĐS công nghiệp hay chứng khoán. Tuy nhiên, nhóm nhựa gia dụng cũng lại có kết quả hơi tệ cho đến lúc này, khi nhiều cổ phiếu giữ sắc đỏ như DAG, RDP, NHH

Mùa BCTC quý 4 đang đến giai đoạn sôi động nhất, những công ty tốt không nói, công ty có kết quả được coi là xấu (tăng trưởng âm) cũng đã ra tin nhiều hơn, nhưng giá cổ phiếu có xuống hay không thì cũng khó nói trước. BSR, VHC là những ví dụ điển hình sáng nay, khi cổ phiếu tăng giá, ngược với thông tin doanh nghiệp.

HSG sáng nay họp ĐHCĐ, và với 1oạt thông tin được công bố, thì cổ phiếu này tăng giá gần 6% lên 26 ngàn đồng. Cổ phiếu này thậm chí có lúc tăng sát trần. bên cạnh HSG, nhiều mã sắt thép khác cũng tăng hơn 5% như POM, SMC, TIS hay KKC. “Đại ca” HPG thì khiêm tốn hơn, chỉ tăng 3,4% có lẽ do khối ngoại bán ròng “rát” quá.

10h30: Index giữ xu hướng tăng, nhóm BĐS nhà ở phân hóa

VN-Index vẫn có xu hướng tăng, nhưng trong nửa đầu phiên sáng nay, xu hướng tăng này có vẻ không bền, không rõ có phải do yếu tố “đáo hạn phái sinh” hay không. Chỉ số VN-Index từng có thời điểm rớt cắm mặt xuống dưới tham chiếu (ngay sau ATO), trước khi hồi nhanh sau đó. Chỉ số “động lực” VN30-Index tăng nhanh hơn 1 chút.

Giá hợp đồng tương lai 1 tháng VN30F2101 đang bám rất sát chỉ số cơ sở trong nửa đầu phiên sáng nay, độ lệch chỉ chừng 2-3 điểm trên dưới mà thôi. Điều quan trọng là chỉ số OI hiện chỉ có chừng 17,5 ngàn hợp đồng, cho thấy rủi ro “biến động bất thường” vào cuối ngày là khá thấp. Dường như NĐT đã sớm chuyển qua đánh hợp đồng kế tiếp VN30F2102, khi OI đã cao hơn 20 ngàn.

Nhóm VN30 hiện có 22 mã tăng giá, giảm 5 mã so với hồi đầu phiên. Một số mã giảm giá sau ATO đáng chú ý có VRE, REEHDB. ROS hiện đã dư mua trần, cho thấy tính hấp dẫn khủng khiếp của “hàng hiệu giá thấp”. Lưu ý rằng ROS đang là cổ phiếu có thị giá thấp nhấp nhóm “hàng hiệu VN30” này, chỉ đúng 4,000 đồng, còn chưa bằng 1/3 thị giá của hàng hiệu thấp thứ hai là POW. EIB, VJCSAB vốn là 3 mã giảm ngay từ ATO, đến giờ vẫn giảm.

HNXIndex ổn định ở mức tăng cao trên 3% suốt nửa đầu phiên sáng nay, trong đó ngoài yếu tố có 22 mã tím, có lẽ còn nhờ phong độ từ THD. Cổ phiếu này đã lên 173,000 đ/cp, tăng 8.5% vào lúc này, với tin tốt ra liên tiếp. Trong nhóm largecap sàn HNX, ngoài THD còn có PVI cũng là mã tăng ấn tượng, hơn 7%. 1 số mã có vốn hóa vốn chỉ tương đương smallcap bên HOSE, nhưng vẫn có tên trong nhóm largecap của HNX như ART, KLF hay HUT, cũng tăng mạnh từ 7-9%.

Trên sàn UPCoM, chỉ số chính đã tăng vượt “đỉnh” thiết lập hồi ATO. Trong những Large Cap sàn này, BSR đã chạm mức tăng 7% dù doanh nghiệp ra tin quý 4 tăng trưởng âm. Không ít Large Cap khác cũng tăng giá tốt như MSR, CTR, MCH, VTP, VGI

Đa số nhóm ngành vẫn có diễn biên hết sức tích cực, sắc xanh lan tỏa và chỉ chấm phá vài điểm đỏ. Tuy nhiên, BĐS nhà ở lại là nhóm lớn mà hiếm, khi hơi bị nhiều chấm đỏ, mang những cái tên như VRE, VIC, IJC, PDR, SJS, DIG

Mở cửa: Đợt điều chỉnh kết thúc?

Chứng khoán Mỹ tăng mạnh đêm qua vào đúng ngày ông Biden chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ, và điều này ảnh hưởng tích cực lên chứng khoán Việt sáng nay. Trước khi HOSE khớp ATO, chỉ số HNX-Index đã tăng hơn 3.6%, VN Allshare (chỉ số mix cổ phiếu 2 sàn HOSEHNX) cũng tăng hơn 1%, cho thấy VN-Index sẽ có khởi đầu rất tốt. Đến 9h15, VN-Index mở cửa tăng 1.11%. Điều chỉnh có vẻ kết thúc?

27/30 mã VN30 tăng giá, so với chỉ 3 mã giảm là EIB, SABVJC. ROS vẫn tăng mạnh nhất, hơn 4% dù sắp tới có thể mất “mác” VN30. Các mã ngân hàng đồng loạt tăng (trừ EIB) từ 1-2%.

2 chỉ số phụ Mid và Small Cap sàn HOSE chạy nhanh hơn chỉ số chính, cho thấy những mã này lại hút tiền và tăng mạnh hơn largecap. Điều này cũng cho thấy 1 khả năng là NĐT quay trở lại mua thêm những mã mà họ yêu thích.

Hầu hết các nhóm ngành lớn nhỏ đều có diễn biến tích cực tại ATO sáng nay. Nhóm chứng khoán chỉ có PSI đứng giá, còn lại đều tăng khá tốt. VDS tăng tới 6%.

Mùa công bố BCTC quý 4 đang đến lúc sôi động, ngày càng nhiều công ty công bố kết quả tích cực, điều này có thể sẽ là tâm điểm hút sự chú ý của những người chơi chứng theo “câu chuyện”, tức dựa vào thời điểm ra tin để kích giá cổ phiếu. Tuy nhiên xen lẫn trong đó cũng có không ít công ty có kết quả tăng trưởng doanh thu hoặc lợi nhuận âm. Cũng không sao, giá cổ phiếu có khi chả ảnh hưởng gì, ví dụ như BSR.

Khối ngoại hôm qua mua ròng nhẹ trên HOSE, nhưng sáng sớm nay thì có vẻ bán ròng. Điều khá ngạc nhiên nhất là họ luôn bán ròng HPG, sáng nay đã bán hơn 650,000 cp.

Hoang Nam

FILI