Ngân hàng đầu tiên niêm yết trên HOSE năm 2021 với giá 22,900 đồng/cp

Ngân hàng đầu tiên niêm yết trên HOSE năm 2021 với giá 22,900 đồng/cp

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) sẽ giao dịch lần đầu tiên trên Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) vào ngày 28/01 với giá tham chiếu 22,900 đồng/cp.

Với khối lượng niêm yết 1.1 tỷ cp, OCB được định giá hơn 25,096 tỷ đồng. Biên độ dao động trong ngày giao dịch đầu tiên là 20%, theo đó, giá cổ phiếu sẽ biến động trong khoảng 18,320-27,480 đồng/cp.

Như vậy, OCB là ngân hàng đầu tiên chào sàn HOSE trong năm 2021 này. Giá trị niêm yết gần 11,000 tỷ đồng.

OCB được thành lập năm 1996 với vốn điều lệ là 70 tỷ đồng. OCB đã thực hiện tăng vốn 18 lần. Năm 2020, OCB tăng vốn điều lệ lên hơn 8,767 tỷ đồng cho đối tác nước ngoài là Aozora Bank (Aozora) và phát hành cổ phiếu trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ phát hành 25%, nâng vốn điều lệ lên mức hơn 10,959 tỷ đồng.

Nguồn: OCB

Tại thời điểm 23/11/2020, OCB có duy nhất 1 cổ đông lớn là Aozora Bank với tỷ lệ sở hữu vốn 15%, tương đương 164.4 triệu cp.

Nguồn: OCB

Tính đến ngày 30/09/2020, OCB sở hữu 100% vốn của Công ty TNHH MTV Chuyển tiền Quốc tế Ngân hàng TMCP Phương Đông. Công ty con của OCB có vốn điều lệ 25 tỷ đồng và hoạt động kinh doanh chính là dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ.

Lũy kế 11 tháng đầu năm 2020, OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 3,830 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, trong cơ cấu lợi nhuận của ngân hàng, thu thuần từ dịch vụ tăng tới 42% so cùng kỳ.

Về cơ cấu tiền gửi phân theo đối tượng, tiền gửi huy động từ cá nhân luôn chiếm tỷ trọng trên 60% tổng tiền gửi của khách hàng, trong khi tiền gửi huy động từ các tổ chức kinh tế chỉ chiếm khoảng 40%. Cơ cấu này được OCB duy trì ổn định và không có biến động đáng kể qua các năm.

Trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay, hoạt động phát hành giấy tờ có giá dần trở thành một trong những nguồn huy động vốn chính của OCB. Cụ thể, trong năm 2018, hoạt động này chỉ chiếm khoảng 9.4% trong tồng nguồn vốn huy động của OCB. Đến năm 2019, OCB đã phát hành 11,765 tỷ đồng giấy tờ có giá, bao gồm 9,855 tỷ đồng trái phiếu và 1,910 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi, tổng số dư phát hành giấy tờ có giá và tăng vốn tính đến 31/12/2019 là 11,765 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 11.87% nguồn vốn huy động của OCB. Tiếp tục đến ngày 30/09/2020, số dư của nguồn huy động này là 14,255 tỷ đồng, chiếm 14.1% tổng nguồn vốn huy động của OCB và chỉ xếp sau nguồn huy động từ tiền gửi khách hàng.

Trong những năm gần đây, hoạt động cho vay của OCB có sự tăng trưởng. Năm 2019, hoạt động cho vay tăng trưởng 26.24% so với năm 2018. Đến ngày 30/09/2020, dư nợ cho vay đạt 79,178 tỷ đồng, tăng 11.38% so với đầu năm và chiếm 72.61% tổng nguồn vốn huy động.

Dư nợ cho vay theo kỳ hạn của OCB
Nguồn: OCB

Tỷ lệ tăng trưởng cho vay của OCB tại các kỳ hạn trong 3 năm qua tập trung vào các khoản vay trung và dài hạn, chiếm hơn 70% tổng dư nợ.

Tính đến ngày 31/12/2019, các khoản cho vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của OCB lần lượt chiếm tỷ trọng 27.45%; 28.78% và 43.77% tổng dư nợ. Vay dài hạn có mức tăng trưởng mạnh nhất là 43.23% và vay ngắn hạn cũng đạt mức tăng trưởng 16.32% so cùng kỳ.

Xu hướng cơ cấu các khoản vay ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của OCB có sự biến động tương đối nhẹ tính đến thời điểm 30/09/2020, chiếm tỷ trọng lần lượt là 26.94%; 23.71% và 49.35% tổng dư nợ.

Nguồn: OCB

Tại thời điểm 30/09/2020, tỷ lệ nợ xấu cho vay khách hàng của OCB tăng lên mức 2.15%. OCB lý giải nguyên nhân chủ yếu do tác động của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và gia tăng phát sinh nợ xấu của toàn hệ thống.

Khang Di

FILI