Lãi suất sẽ ra sao trong năm 2021?

Lãi suất sẽ ra sao trong năm 2021?

Dù trong năm 2020 lãi suất trượt dài và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã 3 lần hạ lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng đa số các chuyên gia đều dự đoán trong năm 2021 lãi suất sẽ vẫn giữ ổn định.

* Một năm trượt dài của lãi suất

Ngay từ những tháng đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 vừa bùng phát, NHNN đã chủ động hạ lãi suất điều hành, nhằm đảm bảo thanh khoản cho thị trường cũng như hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị thiệt hại do Covid.

Tính chung từ đầu năm đến nay, NHNN cũng đã giảm 0.6 - 0.75%/năm trần lãi suất huy động đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng; và giảm 1%/năm trần lãi suất cho vay ngắn hạn trong các lĩnh vực ưu tiên.

Sau 3 lần giảm lãi suất điều hành, hiện lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng đang ở mức thấp nhất trong lịch sử. Kỳ hạn dưới 6 tháng, thấp nhất đang ở mức 2.65%, phổ biến từ 3.1 - 4%/năm. Ở kỳ hạn từ 6 - 11 tháng nằm trong khoảng từ 4.5 - 6.5%/năm; kỳ hạn từ 12 tháng trở lên thấp nhất là 4.4%/năm, phổ biến từ 5.5 - 6.5% và cao nhất là quanh 7%/năm.

Tuy lãi suất huy động giảm, nhưng lãi suất cho vay trong thời gian qua lại không giảm tương ứng. Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ở mức 4.5%/năm. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức từ 3.0 - 6.0%/năm; trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức từ 3.0 - 4.5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức từ 4.2 - 6.0%/năm.

Lãi suất sẽ ổn định trong năm sau

Về cơ bản, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV dự đoán, lãi suất sẽ ổn định, giả sử có giảm cũng không đáng kể vì hiện đang ở mức tương đối thấp. Thêm nữa, nếu bây giờ có giảm lãi suất nhưng nhu cầu thực tế khách hàng vay vốn không cao, cho nên lãi suất không phải là rào cản đối với tăng trưởng tín dụng. Ngoài ra, trong năm 2021 khi lạm phát có nhiều khả năng áp lực tăng trở lại, tình hỉnh  kinh tế có thể phục hồi mạnh hơn, thì nhu cầu tín dụng sẽ tăng trở lại mạnh hơn. Lẽ ra theo lý thuyết thì lãi suất phải tăng, vì cầu tăng thì giá sẽ tăng. Nhưng ông Lực cho rằng trong năm tới giữ được ổn định lãi suất cũng đã thành công.

TS. Đinh Thế Hiển - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng chia sẻ, ở góc độ nào đó với nền kinh tế Việt Nam thì lãi suất huy động khó giảm xuống dưới 6%, hiện nay lãi suất 1 năm từ 6.5 - 7.5%/năm tùy theo ngân hàng, rõ ràng mức lãi suất này vẫn chấp nhận được. Trong năm sau, nếu có khả năng cắt giảm lãi suất nữa thì điều này thật sự không tốt. Mặc dù doanh nghiệp nào cũng muốn vay với lãi suất thấp, nhưng nếu lãi suất giảm nữa thì không phải là dấu hiệu của nền kinh tế tốt, mà là nền kinh tế không dám cho vay nữa, điều này hết sức nguy hiểm.

Nhưng với nền kinh tế Việt Nam, lãi suất huy động kỳ hạn 1 năm, khó giảm thêm trong năm 2021”, ông Hiển nói thêm.

Trong thời gian còn lại của năm nay và đầu năm 2021, bà Nguyễn Hoài Thu Thảo - Giám đốc Nguồn vốn và Thị trường toàn cầu của Ngân hàng Shinhan dự báo lãi suất huy động và cho vay sẽ ổn định nhưng lãi suất thị trường (lãi suất liên ngân hàng, lãi suất cho vay thị trường tiền tệ…) sẽ tăng nhẹ với hai lý do.

Thứ nhất, thị trường đang mong đợi vaccine sẽ được cung cấp sớm, sớm nhất là vào tháng 12/2020.

Thứ hai, kinh tế toàn cầu và Việt Nam sẽ hồi phục chậm, dự kiến tăng trưởng GDP toàn cầu ở mức 5.2% và Việt Nam ở mức 6.7% trong năm 2021. Tuy nhiên, NHNN vẫn giữ lãi suất ở mức thấp tại thời điểm hiện tại và lạm phát được kiểm soát tốt.

Cho kịch bản xấu hơn, trong trường hợp dịch Covid-19 tái bùng phát, cùng với các quy định về sự giãn cách xã hội và phong tỏa mới, các hoạt động kinh tế toàn cầu bao gồm Việt Nam, sẽ có thể thấp hơn dự kiến (các rủi ro về tăng trưởng thấp hơn được dự kiến vẫn hiện hữu).

Theo bà Thảo, nếu như hầu hết các Chính phủ và NHTW đã sử dụng đến các chính sách hỗ trợ thì NHNN vẫn còn nhiều dư địa để tiếp tục tiến hành các chính sách tiền tệ như: Điều chỉnh giảm các loại lãi suất hiện hành, cơ cấu lại nợ để hỗ trợ nền kinh tế.

Còn trong trường hợp vaccine không hiệu quả và dịch bệnh tái phát, nhiều Chính phủ trên thế giới không có nhiều dư địa để thực thi chính sách tiền tệ để hỗ trợ kinh tế và các ngân hàng cũng sẽ không sẵn lòng cho doanh nghiệp và cá nhân vay vì rủi ro quá cao.

Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng

Cùng quan điềm với các chuyên gia, các CTCK cũng dự báo trong năm sau, NHNN vẫn sẽ tiếp tục giữ ổn định lãi suất.

Trong Báo cáo Chiến lược Đầu tư 2021 vừa công bố, CTCK VNDirect kỳ vọng NHNN sẽ duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2021, trong bối cảnh áp lực lạm phát năm tới ở mức thấp. Mặc dù NHNN có thể sẽ không cắt giảm lãi suất điều hành thêm nữa, VNDirect không cho rằng NHNN sẽ nâng lãi suất lên trong năm 2021 - một động thái nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bằng cách duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng.

Thay vào đó, NHNN có thể hỗ trợ thị trường tiền tệ thông qua thị trường mở, gia tăng dự trữ ngoại hối, nâng trần tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại hoặc lùi thời hạn áp dụng các tiêu chuẩn an toàn tài chính cao hơn đối với các ngân hàng thương mại.

VNDirect dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện lên mức 13% và đồng thời cho rằng lãi suất huy động và cho vay sẽ giảm 0.2-0.5 điểm phần trăm trong năm 2021 trong bối cảnh chính sách tiền tệ được nới lỏng và áp lực lạm phát hạ nhiệt.

Trong khi đó, CTCK Vietcombank (VCBS) cho rằng, chưa có áp lực nào đủ lớn khiến lãi suất có thể tăng trở lại. VCBS đưa ra nhiều lý do hỗ trợ cho kỳ vọng này.

Thứ nhất, chưa xuất hiện rủi ro thanh khoản đến từ nợ xấu.

Thứ hai, các chỉ số an toàn hoạt động không chịu áp lực. Cụ thể, việc tăng trưởng tín dụng dựa một phần vào trái phiếu doanh nghiệp giúp giảm áp lực lên tỷ lệ LDR khi tử số chỉ tính tới các khoản cho vay khách hàng; việc không trả cổ tức tiền mặt theo chỉ thị của Ngân hàng Nhà nước giúp hệ số an toàn vốn CAR tăng lên; áp lực lên tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được giảm nhẹ khi Ngân hàng Nhà nước lùi thời hạn giảm mức trần của tỷ lệ này.

Thứ ba, áp lực thanh khoản từ tăng trưởng tín dụng được VCBS dự báo chưa xuất hiện trong 2020 và có thể phải tới cuối 2021 mới xuất hiện trở lại. VCBS kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ vào khoảng 11-12%/năm.

Cát Lam

FILI