Giá vàng sẽ khó đoán định trong thời gian tới

Giá vàng sẽ khó đoán định trong thời gian tới

Nhiều kỷ lục về giá vàng đã bị phá vỡ trong năm nhiều biến động này, tuy nhiên nhiều yếu tố bất định phía trước đã làm cho các chuyên gia cho rằng giá vàng trong thời gian tới sẽ khó dự đoán được.

* Một năm 'lấp lánh' của vàng

Dịch Covid-19 bùng phát từ đầu năm, làm cho thế giới gần như đóng băng trên mọi phương diện. Giãn cách xã hội, giao thương đóng cửa, thất nghiệp tăng cao… làm cho bất ổn về kinh tế tăng cao. Đồng USD rơi xuống mức thấp nhất trong 2 năm qua, đi kèm với những kỳ vọng về các gói kích thích kinh tế, căng thẳng địa chính trị, bầu cử Tổng thống Mỹ…, những nguyên nhân này góp phần đẩy giá vàng tăng cao trong năm qua. Đỉnh điểm là việc Quốc hội và Chính phủ Mỹ đạt được tiến triển trong cuộc thương lượng về gói cứu trợ kinh tế mới vì Covid đã đẩy giá vàng vượt mốc 2,000 USD/ounce, lần đầu tiên trong lịch sử. Dù sau đó, giá vàng có nhiều phiên tăng, giảm, nhưng hiện vẫn neo ở mức cao sao với đầu năm nhờ kỳ vọng Mỹ sẽ tăng kích thích tài khóa. Tính đến hết phiên 30/12/2020, giá vàng thế giới đạt mức 1,894 USD/ounce, tăng 25% so với đầu năm. Giá vàng trong nước giao dịch ở mức 55.55 -  56.1 triệu đồng/lượng, tăng 30% so với đầu năm.

Nếu tăng, giá vàng sẽ đạt đến mức nào?

TS. Đinh Thế Hiển – Viện trưởng Viện nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng cho rằng  từ nay đến đầu năm 2021, giá vàng vẫn khó dự đoán. "Dịch Covid-19 trên thế giới đang có dấu hiệu làn sóng lần 3, thêm nữa, mặc dù một số nước công bố đã có vaccine nhưng chưa được chính thức, do đó, giá vàng cũng ở trong xu thế lên xuống rất mạnh, khó có thể biết trước được”, ông Hiển chia sẻ. Thêm nữa, kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, chiến tranh thương mại… chắc chắn cũng sẽ ảnh hưởng đến giá vàng trong thời gian tới.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia kinh tế cũng cho rằng giá vàng hiện nay rất khó đoán định. Giá vàng trong năm 2021 vẫn sẽ chịu tác động của ba yếu tố: Dịch bệnh được kiểm soát thế nào, chính trị ở Mỹ có ổn định hay không và ch1inh sách kinh tế Chính phủ Mỹ đưa ra đầu năm 2021.

Thứ nhất là có kiểm soát được dịch bệnh hay không. Tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn ra ngày càng tệ, số người chết cũng như số ca nhiễm đang ngày càng tăng lên, nhất là tại Mỹ. Do đó, nếu trong chiều hướng tích cực, nếu vaccine có hiệu quả và các nhà sản xuất sớm phân phối, sẽ có thể làm ổn định thị trường vàng, còn trường hợp ngược lại vẫn sẽ tạo ra sự biến động về giá vàng.

Thứ hai, nếu có kết quả chính thức ông Biden thắng cử, có thể giá vàng sẽ được bình ổn trở lại, còn ngược lại giá vàng có thể được đẩy lên.

Thứ ba, khi Chính phủ hoặc Quốc hội Mỹ đưa ra gói cứu trợ, có thể sẽ đẩy giá vàng lên. Vì gói cứu trợ sẽ đẩy một lượng tiền rất lớn vào trong lưu thông, từ đó, có thể đẩy giá vàng lên. Ngược lại, những gói kích thích kinh tế như thế sẽ làm ổn định thị trường, khi thị trường ổn định thì giá vàng cũng ổn định.

Nếu tình hình chính trị kinh tế chính trị của Mỹ bất ổn, giá vàng sẽ được đẩy lên và ngược lại, giá vàng sẽ ổn định.

Vấn đề đặt ra là nếu tăng, giá vàng sẽ tăng đến mức nào? Nếu tình hình bất ổn, giá vàng thế giới có thể trở lại mức 2,000 USD/ounce, giá vàng trong nước có thể lên lại mức 60 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, nếu tình hình ổn định, giá vàng có thể không tăng lên đến 2,000 USD/ounce và trong nước cũng sẽ ổn định hơn.

Hiện nay, giá vàng trong nước đang cao hơn thế giới từ 3-5 triệu đồng/lượng, đây là độ chênh lớn, giá vàng trong nước đang bị đẩy lên cao, tạo ra rủi ro cho người mua vàng.

Trên nguyên tắc, giá vàng trong nước đi cùng chiều với giá vàng thế giới trong giai đoạn dài. Nhưng trong một vài thời điểm, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, nếu tăng cao quá như thế này, có nghĩa là có tính đầu cơ trong thị trường vàng ở Việt Nam.

Sau Tết âm lịch giá vàng mới có khả năng tăng lại

Ông Phan Dũng Khánh – Giám đốc tư vấn đầu tư CTCK Maybank Kim Eng (MBKE) lại dự đoán từ nay đến tết, giá vàng vẫn trong xu hướng giảm và đi ngang. Khả năng sau Tết âm lịch, giá vàng mới có xu hướng tăng lại được. Lý do giá vàng yếu và giảm trong những tháng gần đây là do các tổ chức lớn bán ra rất nhiều.

Trong kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đưa ra những chính sách thúc đẩy kinh tế nhiều hơn, giá vàng mới có thể đi lên lại được, do lượng tiền được bơm ra sẽ dồi dào hơn, mặc dù hiện tại, một lượng tiền cũng đã được bơm ra nền kinh tế nhưng lại “chảy” vào chứng khoán nhiều hơn vàng.

Hồi quý 3, các ngân hàng trung ương đã bán ra lần đầu tiên trong 1 thập kỷ, lượng vàng bán ra nhỏ nhưng cũng đã ảnh hưởng đến tâm lý của những nhà đầu tư vàng. Các quỹ đầu tư ETF cũng đã bán ra trong giai đoạn đó, dù trong suốt những năm gần đây các quỹ này chỉ có mua vàng, nên đã làm cho giá vàng điều chỉnh suốt 4 tháng qua nhưng từ nay đến Tết vẫn còn yếu. Còn về dài hạn, xu hướng vàng vẫn sẽ tăng sau Tết Nguyên đán.

TS. Cấn văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV lại cho rằng giá vàng hiện tại đang chịu tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau như dịch bệnh, địa chính trị, chiến tranh thương mại… Tuy nhiên, chúng ta có thể kỳ vọng về một thời kỳ bình ổn về giá vàng hơn trong thời gian tới.

Cát Lam

FILI