Chủ tịch FMC: ‘Năm 2021, toàn ngành thủy sản có tốc độ tăng trưởng trung bình’

Chủ tịch FMC: ‘Năm 2021, toàn ngành thủy sản có tốc độ tăng trưởng trung bình’

Theo dự báo của Tiến sĩ Hồ Quốc Lực - Chủ tịch CTCP Thực phẩm Sao Ta (HOSE: FMC): “Trong năm 2021, toàn ngành thủy sản chỉ tăng trưởng với tốc độ trung bình. Một trong những nguyên nhân là do ngành hàng cá tra vẫn chưa thoát khỏi khó khăn. Đối với mặt hàng tôm, sau đổ vỡ, các cường quốc nuôi tôm sẽ nỗ lực phục hồi và nhất là năm 2021 bắt đầu bằng cái lạnh do hiện tượng La Nina, sẽ nhiều rủi ro cho tôm nuôi thả sớm”.

Đứng trước khó khăn chung của ngành, ông đánh giá như thế nào về những thuận lợi và khó khăn mà các doanh nghiệp ngành thủy sản đã trải qua trong năm 2020?

Ông Hồ Quốc Lực: Tới thời điểm này các điểm mạnh, yếu đều bộc lộ rõ rồi. Cá tra gặp khó do cung tăng từ nhiều nguồn như cá biển thịt trắng tương đồng (minh thái Alaska) tăng, cá tra nuôi tăng ở nhiều nước (sản lượng cá tra nuôi các nước cộng lại có thể hơn sản lượng cá tra Việt Nam tới thời điểm hiện nay, dù chủ yếu các nước nuôi này chỉ để tiêu thụ trong nước là chủ yếu). Về chủ quan, có thể tồn kho cá tra năm 2019 còn nhiều (đây chỉ là nhận định). Từ đó kim ngạch xuất khẩu cá tra bị giảm, hệ lụy xấu hơn là người nuôi thất vọng vì thua lỗ, dẫn đến thiếu hụt cá nguyên liệu ở năm sau.

Về con tôm, Covid-19 đã tạo cơ hội tốt cho tôm Việt. Chính phủ Việt Nam phòng chống Covid-19 cực tốt, không bị gãy đổ trong nền kinh tế. Tôm nuôi an toàn, sản lượng tăng hơn năm 2019, dù chỉ một con số.

Trong khi đó, các cường quốc nuôi tôm khác bị Covid-19 tác hại nặng nề, gián đoạn hoặc gãy đổ chuỗi cung ứng nuôi tôm, nên sản lượng tôm nuôi các nước này đều giảm như Ấn Độ, Ecuador, Indonesia… Giảm cung nên tiêu thụ tôm thuận lợi hơn, tuy nhiên Covid-19 cũng tấn công thu nhập người lao động nên giá cả tiêu thụ chỉ ở mức trung bình.

Ông dự báo gì về triển vọng của ngành thủy sản trong năm 2021. Riêng đối với từng mặt hàng như tôm và cá tra, tiềm năng của 2 mặt hàng này như thế nào?

Ông Hồ Quốc Lực: Năm 2021, toàn ngành thủy sản có tốc độ tăng trưởng trung bình thôi. Một trong những nguyên nhân là do ngành hàng cá tra vẫn chưa thoát khỏi khó khăn.

Đối với mặt hàng tôm, sau đổ vỡ, các cường quốc nuôi tôm sẽ nỗ lực phục hồi và nhất là năm 2021 bắt đầu bằng cái lạnh do hiện tượng La Nina, sẽ nhiều rủi ro cho tôm nuôi thả sớm.

Bên cạnh những cơ hội, theo ông đâu là những thách thức, rào cản lớn nhất mà ngành thủy sản sẽ phải đối mặt trong năm 2021?

Ông Hồ Quốc Lực: Đối với mặt hàng tôm, thách thức nội tại là cơ quan chức năng phải nhanh tay hơn trong việc đánh số vùng nuôi, ao nuôi. Bởi đây như chính là giấy thông hành nhập khẩu. Vì không có mã số ao nuôi, không báo cáo nguồn gốc lô hàng sẽ không đáp ứng được quy định đối với tất cả thị trường nhập khẩu hiện nay.

Thách thức tiếp theo là cần cơ chế thông thoáng hơn trong hạn điền nhằm tạo những trang trại nuôi quy mô lớn, đạt chuẩn mà các thị trường yêu cầu (ASC, BAP). Qua đó, tôm Việt có thêm cơ hội thâm nhập các hệ thống tiêu thụ cao cấp, giá cả tiêu thụ tốt, tạo nền tảng nâng tầm tôm Việt.

Việc nuôi tôm còn nhỏ lẻ, khó kiểm soát, chi phí kiểm tra sẽ làm tăng giá thành.

Đối với mặt hàng cá tra, thông tin về tình hình cung cầu là tiên quyết cho thành bại của cá tra. Để từ đó có kế hoạch tính toán sản lượng, diện tích ao nuôi… nhằm tránh lệch pha cung cầu.

Phải khẩn trương nâng cao trình độ chế biến, tạo thêm nhiều mẫu mã sản phẩm mới, tiện ích người tiêu dùng…. Bên tôm mất 5 năm cho “hành trình” này và nay rất ổn.

Theo đánh giá của ông, hiệp định EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam -EU) và RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực) sẽ tác động như thế nào đến những lô hàng xuất khẩu của Việt Nam?

Ông Hồ Quốc Lực: EVFTA có tác động đến mặt hàng tôm rất lớn, một cơ hội vàng cho doanh nghiệp đã có chuẩn bị đón đầu từ xa.

Về RCEP, một số nước trong RCEP đã có FTA với Việt Nam. Tôi chưa rõ lắm, nhưng có lẽ các doanh nghiệp nào bán hàng nhiều vào Trung Quốc sẽ an tâm hơn vì chính sách của Trung Quốc sẽ nhất quán và thông thoáng hơn sau khi RCEP có hiệu lực.

Trên cơ sở đánh giá đó, xin ông chia sẻ về chiến lược và kế hoạch kinh doanh của FMC trong năm 2021?

Ông Hồ Quốc Lực: Mỗi doanh nghiệp có hoàn cảnh cụ thể, có nhận định riêng cho mình. Năm 2021 là năm bản lề cho chiến lược tăng trường giai đoạn 2021-2025 của FMC. Tuy nhiên, đây là năm chuyển tiếp, tốc độ tăng trưởng của FMC chỉ ở mức trung bình của ngành. Căn bản, FMC chăm lo cho chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận, có nghĩa nỗ lực tập trung cho mặt hàng chế biến sâu hơn. Chắc chắn từ 2022, FMC sẽ tăng tốc.

Đối với FMC, hiệp định EVFTA và RCEP có tác động như thế nào đến quá trình xuất khẩu tôm của doanh nghiệp. Giá trị xuất khẩu trong năm 2021 sẽ được FMC đẩy mạnh ra sao, thưa ông?

Ông Hồ Quốc Lực: Thị phần FMC đã tăng trưởng tốt từ 2016 đến nay. Năm nay chiếm khoảng 30%. FMC có thị trường 3 chân vạc là Nhật, EU, Hoa Kỳ ngoài thị trường tiềm năng là Hàn Quốc, Úc… Thế chân vạc này sẽ còn kéo dài nhiều năm tới. Tuy nhiên, khi có cơ hội kinh doanh tốt, sẽ có thể có biến động thị phần trong ngắn hạn.

RCEP chưa tác động nhiều đến FMC, bởi FMC chưa thâm nhập nhiều thị trường Trung Quốc.

Tiên Tiên

FILI