2020: Năm của những điều lạ thường

Năm 2020, đại dịch Covid-19 ập đến và làm xáo trộn đời sống người dân, cũng như khởi đầu cho những đợt thăng giáng trên thị trường.

Giữa cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong gần 1 thập kỷ, kế sinh nhai của người dân bị hủy hoại, kinh tế bị tàn phá và chính trị cũng hỗn loạn. Đại dịch Covid-19 cũng châm ngòi cho những khoảnh khắc lạ thường: Giá dầu âm, sự trở lại mạnh mẽ của Bitcoin, vàng phá kỷ lục, làn sóng bơm tiền chưa từng thấy…

Cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19

Đại dịch Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào cuối năm 2019 và bắt đầu lan ra toàn thế giới vào đầu năm 2020. Tính cho tới nay, thế giới ghi nhận hơn 77 triệu ca nhiễm Covid-19 và gần 1.7 triệu ca tử vong, theo Worldometers.

Trong đó, 5 quốc gia đứng đầu về số ca nhiễm Covid-19 lần lượt là Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Nga và Pháp. 5 quốc gia có số người tử vong vì đại dịch nhiều nhất là Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Mexico và Italy.

Ở mặt tích cực, thế giới đón nhận kết quả thử nghiệm vắc-xin ngừa Covid-19 từ các hãng dược phẩm lớn.

Đáng chú ý là vắc-xin từ Pfizer-BioNTech và Moderna vừa được Cơ quan quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng cho trường hợp khẩn cấp. Bên cạnh đó, nhiều nước khác cũng phê duyệt việc sử dụng vắc-xin Covid-19 từ Pfizer-BioNTech.

Vắc-xin Covid-19 được kỳ vọng sẽ đặt dấu chấm hết cho đại dịch Covid-19 và là “liều thuốc” giải tỏa những áp lực cho hoạt động kinh doanh ở nhiều lĩnh vực.

Những pha ứng cứu thị trường của Fed

Ngay từ khi đại dịch vừa có dấu hiệu bùng phát mạnh đầu tháng 3/2020, Fed đã nhanh chóng hành động để hỗ trợ nền kinh tế.

Chỉ trong vòng 20 ngày, Fed đã cắt giảm lãi suất 1.5 điểm phần trăm xuống gần 0%, đồng thời tiến hành mua ít nhất 120 tỷ USD hàng tháng để tạo chốt chặn trên các thị trường. Phạm vi mua tài sản của Fed cũng được mở rộng khi lần đầu tiên NHTW Mỹ mua chứng chỉ quỹ ETF trái phiếu, mua trái phiếu doanh nghiệp…

Kết quả là số dư của bảng cân đối kế toán tại Fed “phình” thêm hơn 3,000 tỷ USD. Hiện tại, các quan chức Fed cam kết không tăng lãi suất ít nhất là đến năm 2023, đồng thời duy trì chương trình mua trái phiếu cho đến khi nền kinh tế đạt được mục tiêu về việc làm và lạm phát.

Gói kích thích

Các Chính phủ và Ngân hàng trung ương (NHTW) đã cam kết chi hơn 20 ngàn tỷ USD kể từ khi đại dịch Covid-19 ập đến và đã kéo giảm nền kinh tế toàn cầu, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Diễn biến mới nhất là Quốc hội Mỹ vừa thông qua gói cứu trợ trị giá 900 tỷ USD để hỗ trợ cho người dân và giảm bớt tác động về kinh tế từ đại dịch Covid-19.

Tuy vậy, bất chấp quy mô khổng lồ và tốc độ thông qua gói cứu trợ nhanh chưa từng thấy (bao gồm giảm thuế, trả lương, cung cấp khoản vay tới các doanh nghiệp nhỏ và hạ lãi suất xuống thấp kỷ lục), nhiều nền kinh tế toàn cầu vẫn ghi nhận cuộc suy thoái tệ nhất kể từ Đại Khủng hoảng, nhất là sau quý 2/2020. Hoạt động kinh tế và tuyển dụng ở phần lớn khu vực trên thế giới – bao gồm cả Mỹ lẫn châu Âu – vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với mức trước dịch.

Câu nói của Jack Ma xô ngã đợt IPO của Ant Group

Cuối tháng 9/2020, Ant Group lên kế hoạch đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lớn nhất trong lịch sử và dự kiến huy động tới 35 tỷ USD khi niêm yết tại thị trường chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kồng. Mọi chuyện vẫn diễn ra tốt đẹp cho đến khi Jack Ma buông lời chỉ trích các cơ quan điều hành.

Phát biểu tại một hội nghị ở Thượng Hải hôm 24/10 – vài ngày trước khi Ant Group tiến hành IPO, Jack Ma nói rằng hệ thống giám sát của Trung Quốc đang gây trở ngại cho sự sáng tạo và phải được cải cách để thúc đẩy tăng trưởng. Không dừng ở đó, Jack Ma còn nói các ngân hàng Trung Quốc đang hoạt động theo tinh thần của "hiệu cầm đồ".

Chính bài phát biểu này của Jack Ma đã dẫn tới một chuỗi sự kiện mà hệ quả là kế hoạch niêm yết của Ant Group bị đình chỉ vào phút chót.

Theo nguồn tin, sửng sốt trước những lời chỉ trích không kiêng nể của nhà sáng lập Ant, giới chức Trung Quốc đã bắt tay vào việc kiềm chế công ty tài chính đang phát triển nở rộ này. Vào ngày 04/11/2020, hai sàn chứng khoán Thượng Hải và Hồng Kông đồng loạt tuyên bố tạm dừng vụ phát hành của Ant Group, chỉ hai ngày trước khi cổ phiếu Ant chính thức chào sàn.

Chỉ sau 2 tháng bị giới điều hành "tuýt còi", tài sản của Jack Ma đã bốc hơi hơn 11 tỷ USD.

Luật An ninh Hồng Kông 

Ngày 30/6, Luật bảo vệ an ninh quốc gia tại Đặc khu hành chính Hồng Kông chính thức có hiệu lực, các công bố có liên quan đã được Trưởng Đặc khu hành chính Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) ký tên, qua đó chấm dứt tình trạng mập mờ kéo dài nhiều tuần qua, vốn làm trầm trọng thêm các quan ngại về việc Bắc Kinh làm suy yếu quyền tự do tại trung tâm tài chính toàn cầu này.

"Tôi cho rằng đạo luật này sẽ khiến việc làm ăn tại Hồng Kông hay từ Hồng Kông sẽ trở nên khó khăn hơn" - bà Jun Bei Liu, nhà quản lý danh mục đầu tư của Tribeca Investment Partners, nói với Bloomberg. “Về dài hạn, ngày càng nhiều doanh nghiệp và nhà đầu tư quốc tế tìm đến các thị trường châu Á khác thay vì ở lại Hồng Kông. Thế nhưng tôi nghĩ Hồng Kông vẫn rất cần thiết vì đây là trung tâm để tiếp cận Trung Quốc - một thị trường khổng lồ”.

Năm của những kỷ lục 

Đại dịch chưa từng có tiền lệ cũng tạo ra những kỷ lục mới trên thị trường: Giá dầu âm, vàng vượt ngưỡng 2,000 USD, Bitcoin có lúc vượt 24,000 USD.

Nằm trong những khoảnh khắc không tưởng của năm 2020, giá dầu lần đầu tiên rớt dưới ngưỡng 0. Khi thế giới rơi vào cảnh phong tỏa và dư cung dầu, các hợp đồng tương lai dầu ngắn hạn liền trở thành “cục than nóng” mà không ai muốn nhận.

Ngày 20/04, hợp đồng dầu WTI tương lai khởi đầu phiên ở mức 18 USD/thùng và bắt đầu rơi dần cho đến lúc 14h08 (giờ New York), thị trường rớt gần 40 USD chỉ trong vòng 20 phút và khép lại phiên ở mức -38 USD/thùng. Điều này có nghĩa bạn phải trả 38 USD cho ai đó để họ lấy những thùng dầu đi. Đây là mức giá dầu thấp nhất trong 138 năm lịch sử của sàn giao dịch hàng hóa NYME và có lẽ cũng là mức chưa từng thấy kể từ khi loài người bắt đầu dùng đến dầu.

Năm 2020, nhà đầu tư cũng chếnh choáng trong cơn say vàng giữa làn sóng bơm tiền của các Chính phủ và Ngân hàng Trung ương trên toàn cầu. Bên cạnh đó, đà tăng còn đến từ nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh dịch hoành hành. Đỉnh điểm, ngày 05/08, giá vàng lập kỷ lục mới ở mức trên 2,000 USD/oz.

Bitcoin cũng tăng mạnh giữa đại dịch, có lúc phá ngưỡng 29,000 USD lần đầu tiên. Sự khác biệt của đà tăng năm 2020 với năm 2017 là nhà đầu tư tổ chức hiện đã bắt đầu chấp nhận Bitcoin. Ngoài ra, nhiều huyền thoại đầu tư như Paul Tudor Jones, Bill Miller, Stanley Druckenmiller đã chấp nhận Bitcoin, qua đó mang lại cho đồng tiền này sự bảo chứng và góp phần giảm bớt lo ngại khi đầu tư vào tiền kỹ thuật số. Nhiều người thậm chí cho rằng Bitcoin có thể thay thế vàng làm công cụ trú ẩn.

Chứng khoán Mỹ bay trên “đôi cánh” của cổ phiếu công nghệ

Công nghệ chính là thứ kết nối giữa người với người trong bối cảnh thế giới rơi vào cảnh phong tỏa. Nhờ đó, nhóm cổ phiếu công nghệ là điểm sáng của thị trường, dẫn dắt đà tăng ấn tượng của chứng khoán Mỹ sau khi chạm đáy hồi tháng 3. Hiện tại, các công ty từ sản xuất điện thoại cho đến vận hành nền tảng mạng xã hội giờ đã chiếm gần 40% S&P 500.

Nhà đầu tư kỳ vọng vào tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cao của ngành này, do đại dịch làm bùng nổ xu hướng làm việc từ xa, mua sắm - giải trí trực tuyến và nhu cầu điện toán đám mây.

Trong quý 3/2020, doanh thu và lợi nhuận của Apple, Amazon, Alphabet đều vượt dự báo, với mức tăng hai chữ số. Facebook thì ghi nhận số người dùng hoạt động hàng tháng tăng lên 2.74 tỷ người.

Cổ phiếu tăng vọt giúp vốn hóa của Apple, Alphabet, Microsoft và Amazon vượt 1,000 tỷ USD. Apple cũng là công ty đầu tiên có giá trị thị trường trên 2,000 tỷ USD. Cổ phiếu Netflix, Tesla, Square, PayPal, Nvidia và Adobe đều lập đỉnh năm nay. Các mã khác hưởng lợi lớn từ lệnh phong tỏa, như Zoom Video hay Slack cũng tăng giá mạnh.

Tesla thăng hoa và Elon Musk soán ngôi giàu thứ 2 thế giới

Năm 2020 có vẻ là năm đánh dấu nhiều cột mốc quan trọng đối với Tesla khi hãng xe điện 17 năm tuổi này chính thức được thêm vào chỉ số S&P 500 - thước đo tham chiếu của giá cổ phiếu ở Phố Wall và là một trong những chỉ số chứng khoán quan trọng nhất thế giới – và là hãng xe hơi được định giá cao nhất trên thế giới.

Việc được thêm vào S&P 500 sau 5 quý có lãi liên tiếp cộng với niềm tin ngày càng tăng về xu hướng xe điện là hai yếu tố chính góp phần đẩy giá cổ phiếu Tesla bay cao 731% (tính tới ngày 17/12).

Với 3/4 tài sản là cổ phiếu Tesla, Elon Musk – vị tỷ phú được mệnh danh Iron man đời thực – chứng kiến tài sản tăng hơn 100 tỷ USD và soán ngôi giàu thứ hai thế giới từ Bill Gates. Hiện khối tài sản của của Elon Musk được tính toán là hơn 153 tỷ USD.

Chưa hết, đà tăng của Tesla còn tạo ra đội ngũ Teslanaires – những người trở thành triệu phú nhờ đầu tư vào cổ phiếu Tesla. Đây phần thưởng xứng đáng cho những người đã đặt niềm tin vào sứ mệnh năng lượng sạch của Tesla và vững tay chèo qua những "cơn bão tố" như không đạt mục tiêu sản lượng, những dòng tweet gây tranh cãi của Elon Musk và thậm chí là cú sụp vì đại dịch Covid-19.

Robinhood và binh đoàn nhỏ lẻ

Robinhood là ứng dụng giao dịch cổ phiếu hoàn toàn miễn phí được yêu thích nhất bởi thế hệ millennials – nhóm những người sinh ra trong giai đoạn 1980 đến 2000, lớn lên và đón đầu công nghệ, có thể thường xuyên thực hiện các giao dịch mua bán chứng khoán chỉ bằng cách vuốt màn hình điện thoại.

Khi người mất thu nhập và bị giam tại nhà, họ thử vận may trên thị trường chứng khoán. Không hề hoảng sợ trước cú sụp hồi tháng 3/2020, binh đoàn nhỏ lẻ đổ xô mua cổ phiếu mặc các lời cảnh báo từ các chuyên gia. Các hệ thống giao dịch trực tuyến được lựa chọn bởi các nhà đầu tư cá nhân ít vốn và quen thuộc với các sản phẩm công nghệ.

Số người dùng của Robinhood tăng vọt lên 13 triệu người dùng tính tới tháng 11/2020, từ mức 10 triệu người tại cuối năm 2019. Doanh thu giao dịch quý 2/2020 đạt 180 triệu USD, cao hơn tổng doanh thu từ trong giai đoạn 2014-2019.

Các trader Robinhood đã trở thành chủ đề bàn luận trên Phố Wall trong năm nay, khi họ đầu cơ vào tất cả mọi thứ từ quyền chọn cổ phiếu công nghệ cho tới cổ phiếu hàng không, thậm chí là 1 doanh nghiệp phá sản. Chẳng hạn, như trường hợp hãng xe Hertz tuyên bố phá sản hồi tháng 5/2020, nhà đầu tư Robinhood đã nhảy vào mua và thúc cổ phiếu này tăng gấp 8 lần. Điều tương tự cũng diễn ra với ông lớn dầu khí Whiting Petroleum và Chesapeake Energy.

Cho đến nay, nhà đầu tư không chuyên vẫn đang “rủng rỉnh” những khoản lời béo bở, phớt lờ lời khuyên từ các huyền thoại Phố Wall như cơn gió thoáng qua. Cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19 đã dẫn tới một trong những cuộc suy thoái sâu nhất, vậy mà thị trường cổ phiếu cho đến nay đã phục hồi gần như hoàn toàn.

Bầu cử Tổng thống Mỹ

Nước Mỹ trải qua một cuộc bầu cử vô tiền khoáng hậu trong năm 2020 khi hàng trăm triệu cử tri Mỹ phải đi bỏ phiếu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn hoành hành. Cách thức bầu cử cũng thay đổi, trong đó cử tri ưa thích phương pháp bỏ phiếu qua thư hơn. Vì dịch bệnh, thời gian bầu cử cũng bị kéo dài và va phải nhiều cáo buộc gian lận từ phía Tổng thống đương nhiệm Donald Trump.

Ngày 14/12, đại cử tri đoàn đã bỏ phiếu xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden sau hơn 1 tháng kéo dài vì Tổng thống đương nhiệm Donald Trump từ chối công nhận chiến thắng. Cụ thể, Joe Biden thắng 306 phiếu đại cử tri, trong khi Donald Trump chỉ sở hữu 232 phiếu. Tuy nhiên, ông Trump đến nay vẫn chưa nhận thua.

Đến ngày 06/01/2021, Phó Tổng thống Mike Pence – hiện đang giữ chức chủ tịch Thượng viện – sẽ chủ trì phiên họp quốc hội toàn thể để công bố giấy chứng nhận phiếu đại cử tri của từng bang. Và người chiến thắng sẽ nhậm chức vào ngày 20/01/2021.

Vũ Hạo

FILI

Tin cùng chuyên mục