Thoái vốn năm 2020: Ít mà chất

Thoái vốn năm 2020: Ít mà chất

Theo dữ liệu của VietstockFinance, tính đến ngày 22/12/2020 đã có 24 thương vụ thoái vốn được hoàn tất. So với con số 48 trong năm 2019, số lượng thương vụ thoái vốn năm 2020 đã giảm 1 nửa.

Năm 2020 ghi nhận đã có 21/24 thương vụ (chiếm tỷ lệ 87.5%) đấu giá trọn vẹn với 100% số cổ phiếu được chào bán, tổng giá trị mang về gần 8 ngàn tỷ đồng. Trong khi năm 2019  có tới 34/48 thương vụ (chiếm tỷ lệ 71%) bán ra hết số cổ phiếu được đấu giá và tổng giá trị cũng chỉ hơn 5 ngàn tỷ đồng. Có thể nói, tình hình thoái vốn trong năm 2020 giảm về lượng nhưng tăng về chất.

Riêng Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) đã thực hiện tổng cộng 6 thương vụ thoái vốn trong năm 2020, với tổng giá trị thu về đạt hơn 1,200 tỷ đồng.

Dưới đây là 10 thương vụ thoái vốn có giá trị lớn nhất năm 2020.

1. Tổng Công ty IDICO

Hai ngày sau thương vụ của Tổng Công ty xây dựng số 1, Bộ Xây dựng tiếp tục rút toàn bộ vốn khỏi Tổng Công ty IDICO (HNX: IDC) khi bán toàn bộ 108 triệu cp (tương đương 36% vốn điều lệ) đang sở hữu.

Toàn bộ số cổ phiếu IDC đã được bán hết cho 1 nhà đầu tư tổ chức và 8 nhà đầu tư cá nhân với giá bình quân 26,936 đồng/cp, bằng với mức giá khởi điểm. Theo đó, Bộ Xây dựng thu về gần 3 ngàn tỷ đồng sau phiên đấu giá ngày 27/11.

2. CTCP Đầu tư và Xây dựng HUD Kiên Giang

Ngày 21/12, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) đã tổ chức đấu giá lô gần 35 triệu cp (tương ứng 98.15% vốn) đang nắm giữ tại CTCP Đầu tư Xây dựng HUD Kiên Giang (HUDKienGiang).

Kết quả, trong 3 nhà đầu tư gồm 2 tổ chức và 1 cá nhân tham gia đấu giá có 1 nhà đầu tư tổ chức đã gom toàn bộ số cổ phiếu trên với giá 34,000 đồng/cp, bằng với mức giá khởi điểm. Ước tính HUD thu về gần 1,185 tỷ đồng sau thương vụ.

3. Tổng Công ty Xây dựng số 1

Bộ Xây dựng đã thoái vốn hoàn toàn khỏi Tổng Công ty Xây dựng số 1 (UPCoM: CC1) sau khi bán thành công gần 45 triệu cp (tương ứng 40.53% vốn điều lệ) đang nắm giữ thông qua buổi đấu giá ngày 25/11.

Số cổ phiếu trên được 12 nhà đầu tư cá nhân gom về với giá bình quân 23,031 đồng/cp, bằng với mức giá khởi điểm. Ước tính Bộ Xây dựng thu về hơn 1 ngàn tỷ đồng sau thương vụ này.

4. Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel

Ngày 11/11, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) tổ chức bán đấu giá gần 5 triệu cp đang sở hữu tại Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post, UPCoM: VTP) với giá khởi điểm 105,500 đồng/cp.

Toàn bộ số cổ phiếu trên được bán thành công cho 12 nhà đầu tư tổ chức và 1 nhà đầu tư cá nhân với giá trúng bình quân 105,907 đồng/cp. Thương vụ này mang về cho Viettel gần 528 tỷ đồng.

5. Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5

Tháng 3, SCIC cũng đã hoàn thành thương vụ rút vốn khỏi Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (CIENCO5) sau khi đấu giá thành công 17.56 triệu cp của CIENCO5 vào ngày 20/3.

Một nhà đầu tư tổ chức đã mua toàn bộ số cổ phiếu trên với giá 19,500 đồng/cp (cao hơn giá khởi điểm 200 đồng/cp). Hoàn tất thoái vốn, SCIC thu về hơn 342 tỷ đồng.

6. CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang

Sau lần 1 thất bại, SCIC hoàn tất việc thoái vốn khỏi CTCP Xuất nhập khẩu Nông sản Thực phẩm An Giang (UPCoM: AFX) trong phiên đấu giá lần 2 diễn ra ngày 03/12.

Cụ thể, SCIC đã đấu giá thành công 17.85 triệu cp (tương ứng 51% vốn điều lệ) AFX với mức giá 19,500 đồng/cp (cao hơn giá khởi điểm 200 đồng/cp), tương ứng giá trị thương vụ đạt hơn 339 tỷ đồng. Phiên đấu giá này có 1 nhà đầu tư tổ chức trúng thầu.

7. CTCP In Tổng hợp Cần Thơ

Ngày 3/4, SCIC tiếp tục thoái vốn tại CTCP In Tổng hợp Cần Thơ thông qua việc chào bán hơn 10 triệu cp đang nắm giữ.

Kết thúc buổi đấu giá, toàn bộ số cổ phiếu đã được đấu bán thành công cho 2 nhà đầu tư cá nhân với mức giá bằng với giá khởi điểm là 20,500 đồng/cp. Như vậy, tổng giá trị đợt thoái vốn đạt gần 211 tỷ đồng.

8. Tổng Công ty CP Công trình Viettel

Ngày 07/12, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) đã đưa gần 8 triệu cp của Tổng Công ty CP Công trình Viettel (UPCoM: CTR) ra  đấu giá với mức giá khởi điểm 46,600 đồng/cp.

Tuy nhiên, chỉ hơn 4 triệu cp được đấu trúng giá bởi 17 nhà đầu tư cá nhân và 2 nhà đầu tư tổ chức tham gia đấu giá với mức giá bình quân 46,617 đồng/cp. Như vậy, tổng giá trị Viettel thu được từ buổi đấu giá đạt gần 209 tỷ đồng.

9. Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Thủy lợi Việt Nam

Cũng trong tháng đầu năm, SCIC thoái thành công hơn 2 triệu cp (tương ứng 49% vốn điều lệ) của Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Thủy lợi Việt Nam (UPCoM: HEJ) trong ngày 14/01.

Toàn bộ số cổ phiếu được mua bởi 1 nhà đầu tư cá nhân với giá 86,100 đồng/cp, gấp hơn 3 lần giá khởi điểm. Ước tính SCIC thu về gần 186 tỷ đồng trong lần thoái vốn này.

10. CTCP Nước sạch Bắc Giang

Ngày 9/1, UBND tỉnh Bắc Giang đã tổ chức đấu giá hơn 6 triệu cp đang nắm giữ tại CTCP Nước sạch Bắc Giang (UPCoM: BGW) với giá khởi điểm là 19,071 đồng/cp.

Kết quả, toàn bộ số cổ phiếu BGW  đưa ra đấu giá đã  bán thành công cho 236 nhà đầu tư cá nhân và 1 nhà đầu tư tổ chức, với giá trúng bình quân 19,861 đồng/cp. Như vậy, tổng giá trị thương vụ đạt gần 126 tỷ đồng.

Các thương vụ IPO trong năm 2020

Ngoài những thương vụ đấu giá cổ phần với mục đích thoái vốn thì trong năm 2020 có 4 công ty đã thực hiện phát hành chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO) thông qua đấu giá cổ phần.

Đáng chú ý nhất trong số này là thương vụ IPO của CTCP Tập đoàn An Phát Holdings (HOSE: APH). Cụ thể, vào ngày 22/6, 4.3 triệu cp APH đã được bán thành công cho 13 cá nhân và 2 tổ chức. Giá đấu thành công dao động từ 48,900-52,800 đồng/cp. Khối lượng đặt mua từ 500-3,000,000 cp.

Với giá đấu thành công bình quân 50,018 đồng/cp (gấp đôi mức giá khởi điểm là 25,000 đồng/cp), tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 215 tỷ đồng. Số tiền huy động được sau đợt chào bán, APH dự kiến sẽ đầu tư vào xây dựng nhà máy sản xuất nguyên liệu sinh học phân hủy hoàn toàn AnBio.

Danh sách các thương vụ IPO trong năm 2020
Nguồn: VietstockFinance

Hà Lễ

FILI