Làn sóng bùng phát dịch Covid-19 có thể đẩy Mỹ rơi vào suy thoái kép và đồng USD lao dốc

Làn sóng bùng phát dịch Covid-19 có thể đẩy Mỹ rơi vào suy thoái kép và đồng USD lao dốc

Chuyên gia kinh tế Stephen Roach tin rằng sự gia tăng mạnh về số ca nhiễm Covid-19 đang đập tan hy vọng về một đà hồi phục theo hình chữ V trên Phố Wall.

“Giữa lúc số ca nhiễm tăng mạnh tại thời điểm này, một nền kinh tế trong trạng thái mong manh như Mỹ có thể chứng kiến thêm một đợt phong tỏa”, chuyên gia kinh tế Stephen Roach – hiện đang là chuyên gia cấp cao của Đại học Yale – nói trên chương trình “Trading Nation” của CNBC trong ngày 31/11.

Mặc dù ông tin đợt phong tỏa sẽ không nghiêm trọng như đợt đầu tiên, nhưng thiệt hại về kinh tế vẫn rất lớn.

“Điều này dẫn tới sự suy yếu tạm thời của nền kinh tế Mỹ trong quý 1/2021”, ông Roach – người từng đóng vai trò Chủ tịch Morgan Stanley khu vực châu Á trong đại dịch SARS năm 2003 – cho hay. “Chúng tôi đã chứng kiến sự suy yếu tạm thời trong 8 trên tổng số 11 chu kỳ kinh doanh gần nhất và tôi không nghĩ lần này sẽ là ngoại lệ”.

Dự báo kinh tế của ông Roach có phần tương tự với JPMorgan Chase, trong đó dự báo GDP giảm 1% trong quý 1/2021 trước khi trở lại đà tăng. Thế nhưng, ông cho biết đà giảm có thể mạnh hơn thế.

“Thật khó để dự báo những con số mù mờ như GDP hàng quý”, ông Roach nói. “Nhưng tôi nghĩ GDP giảm nhẹ ở mức 1 con số sẽ không quá kinh ngạc với tôi”.

Đồng USD sẽ lao dốc thêm?

Sự gia tăng của số ca nhiễm Covid-19 cũng góp phần dẫn tới đà lao dốc của đồng USD, theo ông Roach. Kể từ mùa xuân, ông đã lên tiếng cảnh báo cú sụt của đồng USD gần như không thể tránh khỏi.

“Khi tôi lần đầu nghĩ tới góc nhìn điên rồ và không ai ủng hộ này, tôi đã lo ngại về khả năng tài khoản vãng lai thâm hụt nặng nề vì Chính phủ sẽ dùng ngân sách để cứu trợ trong bối cảnh Covid-19”, ông nói. “Tình trạng hiện nay diễn ra còn kịch tính hơn những gì tôi tưởng lúc đầu”.

Kể từ ngày 20/03, chỉ số đồng USD giảm 10.5%. Trong năm nay, đồng bạc xanh đã giảm 4.5%.

“Đây chỉ mới là giai đoạn đầu”, ông Roach nhấn mạnh. “Áp lực đè nặng lên đồng USD nhiều khả năng sẽ ngày càng tăng. Chúng ta cần thêm gói cứu trợ tài khóa để giải quyết tình hình kinh tế thật sự khó khăn hiện tại”.

Theo kịch bản cơ bản, ông dự báo đồng USD sẽ trượt dốc 35% so với các đồng tiền chủ chốt khác từ thời điểm này cho tới cuối năm 2021.

Hiện tại, quan điểm đồng nhất về đà suy yếu đồng USD được dựa lưng trên một giả định: Covid-19 ít nhiều sẽ còn hoành hành trong vài tháng tới. Các vắc-xin covid-19 sẽ cho phép nền kinh tế toàn cầu trở lại bình thường trong năm 2021, khuyến khích nhà đầu tư rút khỏi các kênh tài sản an toàn tại Mỹ và đầu tư vào thị trường cổ phiếu, trái phiếu và tiền tệ bên ngoài nước Mỹ.

So với các đồng tiền chủ chốt khác, đồng USD đang ở mức yếu nhất trong hơn 2 năm qua. Nhà đầu tư và chuyên gia nghĩ đồng tiền này sẽ còn giảm thêm. Câu hỏi duy nhất dường như chỉ là giảm thêm bao nhiêu và nhịp độ ra sao.

Đà giảm của đồng USD diễn ra giữa lúc nhà đầu tư cực kỳ hưng phấn trên thị trường chứng khoán Mỹ - vốn thể hiện qua việc Dow Jones cán mốc 30,000 điểm lần đầu tiên trong ngày 24/11. Đồng USD yếu có thể giúp các công ty có hoạt động lớn ở nước ngoài, vì lợi nhuận bằng ngoại tệ sẽ đáng giá hơn khi đổi sang đồng bạc xanh.

“Đồng USD dường như đang bị định giá cao đáng kể và nhà đầu tư đang đặt tỷ trọng cao cho tài sản tại Mỹ”, Christian Mueller-Glissmann, Chiến lược gia tại Goldman Sachs, nhận định. Mức định giá cao đối với chứng khoán Mỹ, lãi suất không bắt kịp với lạm phát và đà hồi phục của kinh tế toàn cầu có thể gây áp lực lên đồng USD, ông nói.

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI