Hạ viện Mỹ thông qua dự luật nhằm ‘hất cẳng’ các công ty Trung Quốc

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật nhằm ‘hất cẳng’ các công ty Trung Quốc

Hạ viện Mỹ đồng lòng thông qua dự luật ngăn một số công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch Mỹ nếu không tuân thủ kiểm toán, sau khi Thượng viện thông qua dự luật này hồi tháng 5/2020.

“Dự luật trách nhiệm cổ phiếu các công ty nước ngoài” được đưa ra nhằm ngăn cấm các công ty nước ngoài niêm yết chứng khoán trên bất kỳ sàn giao dịch nào của Mỹ nếu không tuân thủ kiểm toán của Ban giám sát Kế toán Công Mỹ trong 3 năm liên tiếp.

Mặc dù áp dụng cho các công ty đến từ bất kỳ quốc gia nào, nhưng những “người đỡ đầu” cho dự luật này thực chất muốn nhắm tới các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ như Alibaba, công ty công nghệ Pinduoduo Inc. và tập đoàn dầu khí Petro China.

Các biện pháp cứng rắn với doanh nghiệp và hành vi thương mại của Trung Quốc thường được Quốc hội Mỹ thông qua vói tỷ lệ ủng hộ rất lớn. Cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều đồng tình với đường lối cứng rắn của Tổng thống Donald Trump với Trung Quốc. Năm nay, ông Trump còn tỏ ra cứng rắn hơn với Trung Quốc vì ông cho rằng việc dịch Covid-19 hoành hành tại Mỹ là do Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen – người khởi xướng dự luật cùng với Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Kennedy – cho biết trong một tuyên bố rằng các nhà đầu tư Mỹ “đã bị lừa đảo sau khi đầu tư vào các công ty trông có vẻ hợp pháp của Trung Quốc, vốn không tuân thủ theo cùng tiêu chuẩn của các công ty niêm yết công khai khác”.

Ông Kenedy cho biết Trung Quốc đang sử dụng các sàn giao dịch Mỹ để “khai thác” người Mỹ. “Hạ viện cùng với Thượng viện đồng lòng muốn loại bỏ hiện trạng độc hại này”, ông cho biết trong một tuyên bố.

Động thái này cũng sẽ yêu cầu các công ty niêm yết phải tiết lộ họ có thuộc quyền kiểm soát hoặc sở hữu của Chính phủ nước ngoài hay không.

Hiệp hội Chứng khoán Mỹ (ASA) ca ngợi việc thông qua dự luật này, nói rằng đây là điều cần thiết để bảo vệ người Mỹ “trước những công ty gian lận do Trung Quốc kiểm soát”.

Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington không lập tức bình luận về thông tin trên. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh gọi đây là chính sách phân biệt đối xử về mặt chính trị với các công ty Trung Quốc.

"Thay vì thiết lập rào cản, chúng tôi hy vọng Mỹ có thể cung cấp một môi trường công bằng và không phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài đầu tư và hoạt động tại Mỹ", bà Hoa Xuân nói tại cuộc họp báo.

Hồi tháng 5/2020 – thời điểm Thượng viện Mỹ thông qua dự luật này, Giám đốc tài chính Alibaba Maggie Wu nói với nhà đầu tư rằng Alibaba sẽ “vui lòng tuân thủ theo bất kỳ điều luật nào với mục đích bảo vệ và mang lại sự minh bạch cho những nhà đầu tư mua cổ phiếu trên sàn chứng khoán Mỹ”.

Chính quyền Trung Quốc từ lâu tỏ ra do dự để các cơ quan quản lý nước ngoài thanh tra các công ty kế toán trong nước, với lý do lo ngại an ninh quốc gia.

Các quan chức tại cơ quan quản lý chứng khoán Trung Quốc hồi đầu năm cho hay họ sẵn sàng cho phép kiểm tra tài liệu kiểm toán trong những trường hợp nhất định, nhưng các thỏa thuận trước đây nhằm giải quyết tranh chấp thực tế không được thực hiện trong thực tế.

Shaun Wu, đối tác tại Hồng Kông của công ty luật Paul Hastings, cho hay việc tăng cường thực thi luật với các công ty Trung Quốc có khả năng xảy ra dù Tổng thống đắc cử Joe Biden của đảng Dân chủ sẽ nhậm chức vào tháng một.

Ông cho hay nếu dự luật được trở thành luật, "tất cả các công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng Mỹ và chắc chắn phải cân nhắc lựa chọn khác".

Điều này có thể bao gồm niêm yết ở Hồng Kông hoặc những nơi khác, ông nói. Một số công ty Trung Quốc niêm yết tại Mỹ, bao gồm Alibaba và nhà điều hành KFC Trung Quốc Yum China, gần đây đã thực hiện niêm yết thêm ở Hong Kong.

Vũ Hạo (Theo Reuters)

FILI