Đà hồi phục không đồng đều của châu Á gióng lên hồi chuông cảnh báo cho kinh tế toàn cầu

Đà hồi phục không đồng đều của châu Á gióng lên hồi chuông cảnh báo cho kinh tế toàn cầu

Đà hồi phục của kinh tế châu Á đang phát đi tín hiệu cảnh báo tới phần còn lại của thế giới: Tình trạng bất bình đẳng trầm trọng hơn giữa đại dịch Covid-19 và khó có thể đảo ngược một cách nhanh chóng.

Người dân đổ xô tới nhà máy Khu công nghiệp Vân Trung ở Bắc Giang. Nguồn: Bloomberg

Châu Á được xem là phong vũ biểu cho kinh tế thế giới vì chiếm hơn 2/3 tăng trưởng toàn cầu trong năm 2019 và là quê nhà của phần lớn thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-24. Ngoài ra, châu Á cũng bắt đầu gượng dậy từ cuộc khủng hoảng Covid-19 sớm hơn so với phương Tây, phần lớn đến từ sự trở lại nhanh chóng của Trung Quốc.

Giữa lúc kinh tế châu Á phục hồi nhanh, nhiều người lao động từng rơi vào cảnh thất nghiệp vào giai đoạn đầu dịch bệnh nay đã có việc làm mới nhưng có điều tiền lương bây giờ thấp hơn.

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo, sự chuyển dịch sang nền kinh tế kỹ thuật số tuy tạo ra cơ hội mới, nhưng cũng dẫn tới nguy cơ gây chia rẽ sâu sắc trừ khi các chính phủ rót thêm vốn đầu tư vào lực lượng lao động. Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết khu vực châu Á có thể mất 15 triệu việc làm trong năm nay.

Lưu ý: Dữ liệu GDP các nước được tính so với quý trước đó. Trong đó, cách tính của Mỹ khác so với các nước còn lại. Riêng Việt Nam là dữ liệu so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Vũ Hạo.

“Khi đối phó với khủng hoảng bằng sự thay đổi công nghệ thì luôn có nguy cơ tình trạng bất bình đẳng trở nên tệ hơn”, Aaditya Mattoo, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, cho hay.

Thậm chí với những ai có khả năng thích nghi cao cũng cảm thấy hoang mang về tương lai. Ở Jakarta, Fanny Febyanti (38 tuổi) đột nhiên rẽ bước sang nuôi cá tra, khi doanh nghiệp của cô và chồng chuyên về quan hệ công chúng (PR) chật vật trong đại dịch. Với cô, đà hồi phục cần có thời gian và tồn tại là điều quan trọng nhất trong  thời điểm này.

“Chúng tôi không còn có khả năng áp mức giá cố định cho dịch vụ của mình. Thay vào đó, chúng tôi phải nói với các khách hàng triển vọng rằng: Bạn còn bao nhiêu tiền và chúng tôi sẽ giúp bạn”, Fanny Febyanti nói.

Sở hữu tấm bằng về nuôi trồng thủy sản, Fanny Febyanti có thể chuyển sang kinh doanh cá tra để kiếm thu nhập. Cô kiếm thêm thu nhập bằng cách bán đồ ăn trực tuyến, đồng thời quản lý ba đứa trẻ ở nhà. Hai nhân viên toàn thời gian đã được thay thế bằng ba nhân viên thực tập.

“Cuộc sống thực sự thay đổi”, cô nói. “Chúng tôi buộc lòng phải giảm bớt chi phí sinh hoạt”.

Fanny Febyanti

Những câu chuyện như của Febyanti xuất hiện nhan nhản tại châu Á. Những lao động trẻ, nhất là phụ nữ và nhóm người nghèo, bị tác động nặng nề nhất. Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo rằng cú sốc Covid-19 đang tạo ra một “tầng lớp nghèo mới” ở Đông Á và Thái Bình Dương. Số người có thu nhập dưới ngưỡng nghèo được dự báo tăng thêm 38 triệu người.

Đà hồi phục của Trung Quốc

Ở Trung Quốc - nền kinh tế lớn duy nhất có thể tăng trưởng dương trong năm nay bất chấp thị trường việc làm cần có thời gian để chữa lành vết thương mà Covid-19 để lại.

Mia Han (29 tuổi) làm việc cho một công ty dịch vụ du lịch trực tuyến ở Bắc Kinh, nhưng sau đó mất việc trong tháng 5/2020 khi đại dịch đóng chặt cánh cửa của ngành du lịch. Tìm việc làm mới giữa bối cảnh dịch bệnh khó hơn những gì cô vẫn tưởng.

Lúc đầu, cô đặt tầm ngắm tới các gã khổng lồ Internet để tìm việc. Tuy nhiên, sau đó cô đã phải điều chỉnh lại kỳ vọng, một phần vì tiền lương thấp hơn dự kiến. Sau 4 tháng tìm việc ròng rã, cuối cùng Mia Han làm việc cho một công ty tư vấn.

“Nhìn chung, công việc này đúng với kỳ vọng của tôi về văn hóa làm việc và trách nhiệm”, Han cho biết. “Thế nhưng, cái giá phải trả là tiền lương thấp hơn và thay đổi nghề nghiệp”.

Nhà máy thông minh của Alibaba. Nguồn: Bloomberg

Tới nay, hoạt động sản xuất dẫn dắt đà hồi phục khi nhu cầu đối với những hàng hóa giá rẻ của châu Á tăng vọt trên toàn cầu. Tuy nhiên, gần đây hoạt động này đang đối mặt với một mối đe dọa tiềm tàng. Một bài phân tích của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy cú sốc kinh tế thôi thúc nhiều nhà máy chuyển sang sản xuất tự động, có nghĩa châu Á có nguy cơ bị tác động cực mạnh khi tự động hóa lên ngôi.

Đây là một lý do giải thích tại sao các nhà quyết sách, bao gồm các NHTW, cảnh báo sẽ cần thực hiện thêm nhiều động thái để ngăn tình trạng bất bình đẳng thêm phần trầm trọng.

Kinh tế kỹ thuật số

Có một điểm sáng trong đại dịch: Cuộc khủng hoảng đã đẩy nhanh sự phát triển kinh tế kỹ thuật số và qua đó sẽ mang lại cơ hội cho những người lao động rành công nghệ, nhất là thương mại điện tử. Ngoài ra, chúng cũng tạo tấm đệm an toàn cho những ai đã trong các lĩnh vực kỹ thuật số. Dù vậy, sự xáo trộn trong lĩnh vực công nghệ không ít gây khó khăn cho một số người lao động trong năm nay.

Dự báo của ADB trong năm 2020 và 2021. Nguồn: Bloomberg

Ở Manila, Maria Christa Felize Eala (30 tuổi) – vốn hành nghề phát triển web – buộc phải bỏ kế hoạch làm việc ở một công ty công nghệ tài chính tại Nhật Bản giữa lúc toàn cầu hạn chế đi lại. Thay vì rời đi để tìm kiếm công việc có thu nhập cao hơn và học hỏi điều mới mẻ, Eala mắc kẹt với khoản thế chấp cần phải trả và túi tiền ngày càng teo dần.

Mặc dù nhờ sự bùng nổ của lĩnh vực công nghệ, cô tìm được công việc mới sau 5 tháng, nhưng tiền lương lại không cao như ở Nhật Bản. Trước đó, cô cho biết các nhà lập trình và phát triển web tại Nhật Bản kiếm ít nhất là gấp 3 lần so với Philippines.

“Làm việc ở mảng công nghệ là một lợi thế giữa bối cảnh chuyển dịch kinh tế”, Eala bày tỏ. “Tôi biết một số người sẽ cảm thấy khó tìm ra cơ hội mới”.

Những ai có kỹ năng cao sẽ hưởng lợi từ lĩnh vực công nghệ, nhưng người lao động kỹ năng thấp sẽ bị bỏ lại phía sau.

Nhà máy lắp ráp điện thoại thông minh Lava International. Nguồn: Bloomberg

Nhiều người lao động trẻ tuổi – nhất là nữ giới – đang được tuyển dụng trên thị trường việc làm phi chính thức. Điều này có nghĩa là họ không đủ điều kiện để đăng ký nhận trợ cấp từ Chính phủ, đồng thời có thể chứng kiến thu nhập suy giảm trong thời gian dài, Priyanka Kishore, Trưởng bộ phận kinh tế phụ trách khu vực Ấn Độ và Đông Nam Á tại Oxford Economics ở Singapore cho biết.

“Điều này cũng gây khó khăn cho Chính phủ trong việc nghĩ ra chính sách để hỗ trợ cho lực lượng lao động trẻ ở châu Á”, bà nói thêm.

Hội chợ tuyển dụng ở Thái Lan. Nguồn: Bloomberg

Bất định về vắc-xin Covid-19

Tâm lý lạc quan về vắc-xin nhanh chóng chùn xuống vì những phức tạp trong quá trình phân phối ở khắp châu Á, nhất là ở những nước kém phát triển. Sự bất ổn này đang đè nặng lên các chủ doanh nghiệp, nhân viên cũng như kế hoạch đầu tư.

Ian Villaruel (28 tuổi) - chủ của một phòng gym ở Manila - nhấn mạnh rằng dù các phòng gym được cho phép hoạt động trở lại ở mức công suất giới hạn, nhưng nhiều người vẫn muốn tập thể dục tại nhà. Ông lo ngại việc cắt giảm tiền lương và tâm lý băn khoăn của người tiêu dùng sẽ tái định hình lại lĩnh vực này.

“Điều tôi lo ngại là người dân khi nào mới sẵn sàng ra ngoài trở lại. Nhìn về phía các nhà hàng, về cơ bản, họ được phép hoạt động trở lại, nhưng nhà hàng lúc nào cũng vắng khách”, ông nói.

Điều tương tự cũng diễn ra với Sanyukta Garg, cô cùng với chồng đang vận hành công ty dệt may Chandra Silks tại New Delhi (Ấn Độ). Doanh số của công ty giảm 80% trong năm nay, trong khi tăng trưởng hàng năm trước đại dịch chỉ là 7-8%. Garg đang trông chờ điều kỳ diệu từ vắc-xin Covid-19.

Sanyukta Garg ở văn phòng công ty. Nguồn: Bloomberg

“Nếu vắc-xin Covid-19 không được phân bổ trong năm 2021, doanh số của chúng tôi sẽ giảm đi 50%”, cô nói. Để tồn tại, doanh nghiệp của cô phải giảm lương 20% đối với toàn bộ nhân viên.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI

Tin cùng chuyên mục