Chứng khoán tháng 12 có ngại Covid?

Chứng khoán tháng 12 có ngại Covid?

Thị trường chứng khoán mở đầu tháng 12 với những lo ngại dịch Covid-19 sẽ bùng phát trở lại. Liệu chứng trường có lại “đỏ lửa”?

Thị trường “miễn nhiễm” với Covid?

Ông Huỳnh Minh Tuấn – Giám đốc Môi giới của CTCK Mirae Asset nhận định thị trường hiện đã tăng lên vùng giá hợp lý với PE vào khoảng 17 lần. Trong tháng 12, VN-Index sẽ hướng tới vùng điểm 1,050 điểm.

Ông Tuấn đánh giá các nhân tố trợ lực chính thị trường là dòng tiền nội dồi dào và chu trình nâng hạng thị trường của MSCI đã trở lại giai đoạn đầu. Cụ thể, sau khi MSCI nâng hạng Kuwait tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ được gia tăng, kéo theo đó là lực cầu từ khối ngoại. Theo đó, khối ngoại sẽ chủ yếu tập trung vào các ETF vì vấn đề room ngoại.

Tuy nhiên, vị chuyên gia nhận định thị trường sẽ xuất hiện sự phân hóa khi đã đạt mức giá vừa phải.

Về việc Covid lây lan trong cộng đồng lần thứ 3, ông Tuấn cho rằng thị trường đã thẩm thấu với điều này. Bên cạnh đó, công tác khoanh vùng đang được thực hiện tốt nên sẽ không có nhiều tác động tới kinh tế và tài chính.

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích của CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, thị trường có thể duy trì đà tăng trong tháng 12. Các rủi ro ngắn hạn đã giảm dần, VN-Index sẽ hướng tới mức 1,035 điểm.

Theo ông Minh, tác động từ yếu tố dịch Covid-19 sẽ ngày càng giảm dần. Hiện tại, TP.HCM vẫn chưa thực hiện cách ly xã hội, do đó, dù phần nào có tác động tới kinh tế và thị trường tài chính, nhưng sẽ ít hơn so với lần 1.

Nhìn rộng hơn, sang năm 2021, lãi suất sẽ tiếp tục được duy trì, dòng tiền vào thị trường bất động sản bị đóng băng do Covid và chậm triển khai dự án, do đó, trong trung hạn tiền vẫn sẽ chảy vào thị trường chứng khoán.

Liên quan tới dòng tiền khối ngoại, ông Minh chỉ ra rằng điểm sáng vắc xin trong quý 3 sẽ giảm thiểu rủi ro của Covid. Từ đó, nhà đầu tư sẽ bớt bán ròng như quý 1, quý 2 và có thể khối ngoại sẽ quay lại mua ròng vào quý 2/2021.

Chú trọng quản trị rủi ro

Ông Tuấn nhận định dòng tiền trên thị trường đang dồi dào nhờ  trong giai đoạn tiền rẻ, dù bối cảnh đại dịch có như thế nào, thì mảng đầu tư vẫn được mở rộng mạnh hơn cùng với kinh doanh, sản xuất. Dòng tiền sẽ đổ vào các kênh theo thứ tự TTCK, hàng hóa (vàng, dầu), bất động sản. Xu hướng dòng tiền vẫn còn nhiều câu chuyện để bám vào như bất động sản vẫn chưa giải trừ được các vướng mắc pháp lý, nâng hạng thị trường, ngân hàng lên sàn… Theo đó, câu chuyện dòng tiền sẽ còn hấp dẫn trong 2020 - 2021.

Theo ông Tuấn, giai đoạn tới nhóm ngành được quan tâm  gồm thủy sản, dệt may, bất động sản khu công nghiệp, tài chính – ngân hàng sẽ hưởng lợi kéo dài sang năm 2021.

Từ đó, chiến lược đầu tư trong giai đoạn này là tập trung vào kỹ năng phân bổ vốn. Việc tập trung nắm giữ dài hạn 1 cổ phiếu sẽ có hiệu quả tốt hơn so với lướt sóng.

Còn theo ông Minh, dòng ngân hàng sẽ dẫn dắt thị trường trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cần lưu ý Thông tư 01/2020/NHNN hết hiệu lực sẽ khiến nợ xấu ở các ngân hàng tăng lên kéo theo tăng dự phòng và làm giảm lợi nhuận.

Đối với nhóm dầu khí, nhà đầu tư nên chú ý theo dõi việc triển khai các dự án trong giai đoạn sắp tới.

Trong khi đó, nhóm chứng khoán vẫn sẽ tốt nhờ hưởng lợi từ sự hồi phục của thị trường.

Nhóm sản xuất thực phẩm, bán lẻ sẽ dần hồi phục trở lại. Nhóm vật liệu xây dựng (đặc biệt là thép) sẽ được hưởng lợi trong thời gian tới nhờ đầu tư công cũng như nhu cầu từ thị trường quốc tế tăng cao.

Về chiến lược đầu tư, ông Minh khuyến nghị nhà đầu tư cần chú ý ở vùng điểm này khi thị trường sẽ có diễn biến phân hóa, do đó, quản trị rủi ro là ưu tiên hàng đầu. Nên tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn còn khả năng tăng trưởng và có câu chuyện, hạn chế dòng cổ phiếu có tính đầu cơ cao.

Đồng thời, nhà đầu tư nên bám sát xu hướng ở từng cổ phiếu, nên đóng vị thế với các cổ phiếu đã tăng cao và có dấu hiệu vi phạm xu hướng tăng.

Chí Kiên

FILI