Vì sao hàng loạt ông lớn ngành điện gặp khó trong quý 3?

Vì sao hàng loạt ông lớn ngành điện gặp khó trong quý 3?

Các doanh nghiệp ngành điện vẫn chưa cải thiện kết quả kinh doanh trong quý 3 vừa qua, mặc dù tình hình thủy văn có phần thuận lợi hơn trước. Đặc biệt, hàng loạt ông lớn báo lãi sụt giảm đáng kể, thậm chí thua lỗ. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Theo dữ liệu thống kê của Vietstock trên cả 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM, trong quý 3/2020, 50 doanh nghiệp ngành điện đã tạo ra khoảng 33,396 tỷ đồng doanh thu thuần và 2,124 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt giảm 12.5%giảm 22.5% so cùng kỳ. Trong đó, 22 doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng, 14 doanh nghiệp sụt giảm lãi, 3 đơn vị chuyển lỗ thành lãi, 4 đơn vị chuyển lãi thành lỗ và 7 doanh nghiệp thua lỗ.

Nhiều ông lớn gặp bất lợi

Có đến 14 doanh nghiệp điện sụt giảm lãi trong quý 3/2020, bao gồm cả những ông lớn như POW, DNH hay PPC.

Top 10 doanh nghiệp ngành điện có lãi ròng sụt giảm mạnh nhất quý 3/2020. Đvt: Tỷ đồng

Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC) khiến cổ đông không khỏi lo lắng khi báo lãi ròng quý 3 giảm 53% so cùng kỳ, về mức 90 tỷ đồng. Công ty cho biết sản lượng điện quý 3 năm nay thấp hơn 273 triệu kWh; trong khi đó, chi phí nhiên liệu và chi phí sửa chữa lớn đều tăng. Hơn nữa, PPC còn trích lập dự phòng khoản đầu tư gần 9 tỷ đồng (trong khi quý 3 năm trước được hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư hơn 37 tỷ đồng).

Đối với Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (UPCoM: DNH), kết quả giảm 49% lãi ròng quý 3 chủ yếu là do tình hình thủy văn không thuận lợi, tăng trưởng phụ tải hệ thống điện thấp. Vì vậy, giá thị trường điện thấp hơn kế hoạch làm doanh thu giảm, giá vốn tăng và lãi từ công ty liên kết giảm so cùng kỳ.

Tổng Công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (HOSE: POW) báo lãi ròng quý 3 giảm tới 85% so cùng kỳ, chỉ còn mức 105 tỷ đồng. Đây cũng là kết quả khiêm tốn nhất của ông lớn ngành điện kể từ năm 2018 trở lại đây.

Nguồn: VietstockFinance

Trong quý 3, POW cho biết doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ giảm là do Nhà máy điện Cà Mau 1&2 được huy động thấp, phụ tải thấp và do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đồng thời, Nhà máy điện Cà Mau 1 bị chênh lệch giá khí nên doanh thu nhiên liệu khí giảm. Thêm vào đó, Nhà máy điện Nhơn Trạch 1 cũng bị giảm doanh thu 594 tỷ đồng do sản lượng giảm 332 triệu kWh so cùng kỳ bởi sản lượng điện hợp đồng được phân bổ thấp, trong đó hầu hết vào các ngày phụ tải cao thì Qc đều bằng 0 kWh.

Ngoài việc giảm sản lượng của các nhà máy điện Công ty mẹ, việc Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 thực hiện dừng máy để trung tu trong tháng 9 cũng ảnh hưởng đáng kể đến kết quả hợp nhất của POW.

Hình minh họa: Nhà máy điện Nhơn Trạch 2

Do dừng nhà máy trong tháng 9/2020, Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HOSE: NT2) báo lỗ ròng gần 6 tỷ đồng trong quý 3. Đây là lần đầu tiên NT2 thua lỗ kinh doanh kể từ sau quý 3/2013.

Tuy vậy, việc NT2 trung tu nhà máy định kỳ khiến kết quả kinh doanh đi xuống không quá bất ngờ. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán VNDirect, lãi ròng cả năm 2020 của NT2 sẽ giảm 9.4% so với năm trước, xuống còn 683 tỷ đồng. Việc trung tu trong quý 3 có thể làm giảm hiệu suất sử dụng năm 2020 xuống 74% và giá CGM giảm trong bối cảnh nhu cầu điện giảm do đại dịch Covid-19.

VNDirect kỳ vọng NT2 hưởng lợi từ tình trạng thiếu điện trong khu vực do các dự án điện trọng điểm bị trì hoãn và đồng thời doanh nghiệp duy trì hiệu suất sử dụng cao ở mức trung bình 76% trong 2020-2022, cao hơn mức trung bình của năm 2017-2019 đạt 71%.

Cùng với NT2 còn có 3 đơn vị khác chuyển lãi thành lỗ trong quý 3, gồm KHP, SHPNED.

Những doanh nghiêp điện chuyển lãi thành lỗ trong quý 3/2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Điện lực Khánh Hòa (HOSE: KHP) gây thất vọng khi thua lỗ quý thứ 3 liên tiếp. Trong quý vừa qua, KHP ghi nhận doanh thu thuần gần 1,283 tỷ đồng, giảm 18% so cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, biên lãi gộp trong kỳ chỉ đạt 0.6% (quý 3/2019 hơn 10%); lãi gộp chỉ thu được hơn 8 tỷ đồng. Áp lực chi phí vẫn cao khiến KHP lỗ hơn 40 tỷ đồng (cùng kỳ lãi ròng gần 87 tỷ đồng). Cộng với 2 quý bết bát đầu năm, doanh nghiệp thủy điện này đã lỗ lũy kế gần 271 tỷ đồng.

KHP cho biết do tác động của dịch Covid-19 cùng với chính sách miễn/giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng khiến doanh thu tiền điện 9 tháng đầu năm giảm hơn 539 tỷ đồng so cùng kỳ.

Con số lỗ quý 3 của QTPNCP còn nặng nề hơn. Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCoM: QTP) ghi nhận doanh thu thuần quý 3 giảm 23% so cùng kỳ xuống còn 1,748 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 60 tỷ đồng. Phía QTP giải trình kết quả lỗ do trong kỳ thực hiện sửa chữa lớn nên sản lượng phát điện thấp, giá thị trường thấp và chu kỳ giảm giá cố định theo phương án giá điện. Bên cạnh đó, Công ty còn phải thực hiện điều chỉnh giảm doanh thu bán điện theo quy định của Bộ Công Thương.

Trong khi đó, Nhiệt điện Cẩm Phả - TKV (UPCoM: NCP) thu hẹp phân nửa con số lỗ so cùng kỳ (xuống còn lỗ ròng gần 53 tỷ đồng) nhờ sản lượng cao hơn.

Top 10 doanh nghiệp điện thua lỗ nặng nhất quý 3/2020
Nguồn: VietstockFinance

Những kết quả khả quan

Ở chiều tích cực, đáng mừng khi có 22 doanh nghiệp điện báo lãi tăng trưởng so cùng kỳ, thậm chí 10 đơn vị báo lãi tăng bằng lần.

Dẫn đầu về tỷ lệ tăng trưởng chính là EVN Quốc tế (UPCoM: EIC) với lãi ròng gấp 89 lần cùng kỳ, đạt hơn 28 tỷ đồng. EIC đã thực hiện nhiều hoạt động tư vấn giám sát (TVGS) công trình điện trong quý 3, lợi nhuận từ hoạt động TVGS đạt 3.2 tỷ đồng, tăng 5 lần so cùng kỳ. Đáng kể là khoản thu tài chính đạt gần 36 tỷ đồng, tăng 25 lần nhờ việc Công ty TNHH Dự án thủy điện Hạ Sê San 2 đã thanh toán cổ tức đợt 1.

Tổng Công ty Điện lực TKV (UPCoM: DTK) cũng có con số tăng trưởng lãi ấn tượng với gần 2,788 tỷ doanh thu thuần và gần 73 tỷ đồng lãi ròng, lần lượt tăng 11% và 1,830% (gấp 19 lần) so cùng kỳ. Kết quả của DTK có sự đóng góp một phần từ nhận được cổ tức của Nhiệt điện Hải Phòng (UPCoM: HND).

Top 10 doanh nghiệp ngành điện có lãi ròng tăng nhiều nhất quý 3/2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Về phần mình, HND ghi nhận biên lãi gộp quý 3 vừa qua đạt 11.6%, cải thiện đáng kể so với mức xấp xỉ 9% của quý 3/2019, đồng thời, chi phí quản lý thu hẹp 48% về mức 22.7 tỷ đồng. Nhờ đó, HND báo lãi ròng quý 3 gần 175 tỷ đồng, tăng 88% so cùng kỳ mặc dù doanh thu giảm nhẹ 2%.

Xét về con số tuyệt đối, HND chính là doanh nghiệp có lãi ròng lớn thứ 3 quý kinh doanh vừa qua, chỉ sau PGVDNH.

Top 10 doanh nghiệp ngành điện có lãi ròng lớn nhất quý 3/2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Trong quý 3, Tổng Công ty Phát điện 3 - CTCP (EVNGENCO 3, UPCoM: PGV) đã đem về doanh thu thuần gần 9.25 ngàn tỷ đồng, giảm hơn 11% so với quý 3 năm trước. Dù vậy, doanh nghiệp này vẫn báo lãi ròng tăng đến 361%, đạt 542 tỷ đồng. Đây chính là doanh nghiệp điện báo lãi lớn nhất quý 3/2020.

PGV cho biết kết quả ấn tượng nhờ chịu ít chi phí tài chính hơn. Cụ thể, khoản lỗ chênh lệch tỷ giá quý 3/2020 thấp hơn 440 tỷ đồng so với cùng kỳ, đồng thời, chi phí lãi vay cũng thấp hơn 218 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu 2020, ông lớn này đạt doanh thu thuần gần 30.8 ngàn tỷ đồng và lãi ròng 1.22 ngàn tỷ đồng, lần lượt giảm 6% và tăng hơn 100% so với kết quả cùng kỳ.

Mặt khác, Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (HOSE: VSH), công ty liên kết mà PGV nắm 30.55% vốn tại cuối năm 2019, đã chuyển lỗ thành lãi trong quý 3 này. Cụ thể, VSH báo lãi ròng quý 3/2020 gần 30 tỷ đồng trong khi cùng lỗ 4 tỷ đồng. VSH cho biết tình hình thủy văn quý 3 năm nay thuận lợi hơn, lưu lượng nước về hồ chứa của các nhà máy nhiều hơn cùng kỳ giúp sản lượng gia tăng.

2 đơn vị khác cũng đã chuyển lỗ thành lãi trong quý 3/2020 gồm Thủy điện Miền Trung (HOSE: CHP)Đầu tư và Phát triển Điện Miền Trung (HNX: SEB).

3 doanh nghiệp điện chuyển lỗ thành lãi trong quý 3/2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Xuân Nghĩa

FILI