TPB - Tiếp tục canh mua

TPB - Tiếp tục canh mua

Với nền tảng vững chắc của một ngân hàng số hàng đầu, ngân hàng TMCP Tiên Phong (HOSE: TPB) tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng bền vững trong ba quý vừa qua. Cổ phiếu của ngân hàng này cũng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Hiệu quả sinh lời cao

Trong năm 2019, TPB cùng với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (HOSE: VCB) và Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HOSE: VIB) thuộc nhóm các ngân hàng có ROEA cao nhất trên thị trường. Quan sát đồ thị biến động bên dưới có thể dễ dàng nhận thấy ROEA và ROAA của TPB tăng đều trong những năm gần đây. Các chỉ số tăng trưởng ổn định chứng tỏ ngân hàng này đang làm ăn tốt và sử dụng nguồn vốn hiệu quả.

Bên cạnh đó, NIM (Net Interest Margin) của TPB cũng ngày càng được cải thiện qua từng năm, từ mức 1.97% năm 2015 tăng lên 4.15% trong năm 2019. NIM là chỉ số đặc trưng dùng để đánh giá khả năng sinh lời của ngân hàng. Bên cạnh hoạt động cho vay, ngân hàng thương mại còn có các mảng khác như kinh doanh chứng khoán, công cụ phái sinh, dịch vụ bảo lãnh, giao dịch ngoại hối… để tăng khả năng sinh lời. Tuy nhiên, hoạt động cho vay vẫn quyết định phần lớn doanh thu và lợi nhuận của các ngân hàng ở Việt Nam.

Nguồn: VietstockFinance

Thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi đều tăng trưởng tốt

Thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi của TPB tăng trưởng tốt từ năm 2015 cho đến nay. Tăng trưởng của thu nhập ngoài lãi (NOII - Non-Interest Income) gây ấn tượng mạnh khi tăng từ 152 tỷ đồng năm 2015 lên đến 2,955 tỷ đồng năm 2019.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, thu nhập lãi thuần ghi nhận 5,199 tỷ đồng, tăng trưởng 25.88% so với cùng kỳ năm 2019; thu nhập ngoài lãi đạt 1,903 tỷ đồng, tăng trưởng 15.05% so với cùng kỳ.

Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước và sau thuế của TPB sau 9 tháng đầu năm tăng 26% so cùng kỳ, ghi nhận gần 3,023 tỷ đồng và gần 2,420 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch 4,068 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cả năm 2020, TPBank đã thực hiện được 74.33% kế hoạch năm.

Nguồn: VietstockFinance

Tỷ lệ NOII/TOI nằm trên mức 30% trong năm 2019. Đồng thời, TPB cũng nằm trong top đầu những ngân hàng có tỷ lệ này cao nhất, chỉ đứng sau ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (HOSE: STB). Điều này giúp TPB giảm bớt sự phụ thuộc quá nhiều vào chính sách điều tiết tín dụng của Ngân hàng Nhà nước.

Phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng hiện là một kênh phân phối rất tiềm năng, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng tại Việt Nam. Vào cuối năm 2019, Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Sun Life Việt Nam và TPB đã công bố thỏa thuận hợp tác phân phối độc quyền các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ qua kênh ngân hàng (bancassurance) trong 15 năm tại Việt Nam, theo đó việc hợp tác bắt đầu từ đầu năm 2020.

Nguồn: VietstockFinance

Về chất lượng nợ vay, tính đến ngày 30/09/2020, tổng nợ xấu của TPB tăng đến 60% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 76%, nợ nghi ngờ tăng 82%, trong khi nợ có khả năng mất vốn tăng 27%. Do đó, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của TPB tăng từ mức 1.29% đầu năm lên 1.79%. Tỷ lệ nợ xấu TPB tính đến cuối tháng 9/2020 vẫn tiếp tục được kiểm soát dưới 2%.

Định giá cổ phiếu

Do kích thước mẫu dữ liệu khá nhỏ và xuất hiện các giá trị ngoại lai (outliers) nên giá trị trung vị (median) sẽ được sử dụng thay cho trung bình (mean). Mức P/E và P/B trung vị lần lượt là 10.86 và 1.13 lần.

Nguồn: VietstockFinance

Các phương pháp định giá (RIM, P/E, P/B) cho kết quả tổng hợp là 33,535 đồng. Như vậy, nhà đầu tư có thể canh mua từ từ nếu giá cổ phiếu TPB về dưới mức 23,500 (chiết khấu 30% so với giá trị định giá) cho mục tiêu đầu tư dài hạn.

Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock

FILI