Quốc gia nào nhận vắc-xin từ Pfizer và BioNtech đầu tiên?

Quốc gia nào nhận vắc-xin từ Pfizer và BioNtech đầu tiên?

Mỹ và châu Âu là những quốc gia nhận được những liều vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên sau khi Pfizer và BioNTech đưa ra kết quả khả quan trong đợt thử nghiệm vắc-xin cuối cùng.

* CEO Pfizer gọi vắc-xin Covid-19 là ‘tin tuyệt vời cho nhân loại, là ánh sáng phía cuối đường hầm’

* Vắc-xin Covid-19 của Pfizer hiệu quả hơn 90% trong đợt thử nghiệm giai đoạn cuối

Các nhà điều hành từ cả hai bên bờ Đại Tây Dương đang nỗ lực để đẩy nhanh thử nghiệm về mức độ an toàn và hiệu quả của vắc-xin sau khi dữ liệu cho thấy chúng hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn chặn lây nhiễm. Dữ liệu ngày 09/11 đã đặt hai nhà sản xuất dược phẩm này lên dẫn đầu cuộc đua phát triển vắc-xin, trước cả Moderna và AstraZeneca.

Nếu kết quả này được duy trì, Pfizer và BioNTech sẽ phải thực hiện cam kết cung ứng hàng trăm triệu liều vắc-xin để chống lại đại dịch Covid-19.

Các công ty đã ký các thỏa thuận mua trước 100 triệu liều vắc-xin với Mỹ và 200 triệu liều với Liên minh châu Âu (EU), cùng với đó là quyền được mua thêm. Nguồn cung sẽ thiếu hụt tại thời điểm đầu.

Các đối tác cho biết họ sẽ sản xuất đủ để cung ứng cho 25 triệu người trong năm nay, ít hơn 1/3 dân số nước Đức – nơi đặt trụ sở của BioNTech.

“Chúng tôi sẽ cần phải tìm cách để phân bổ vắc-xin một cách công bằng”, Giám đốc điều hành BioNTech, Ugur Sahin cho biết trong một cuộc phỏng vấn.

Pfizer cho biết sẽ trình vắc-xin lên Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) để phê duyệt cho sử dụng khẩn cấp một khi có dữ liệu về mức độ an toàn – vốn nhiều khả năng được tiết lộ vào tuần tới. Cơ quan Thuốc men châu Âu (EMA) đã bắt đầu triển khai xem xét vắc-xin này trong tháng trước.

Châu Âu có thể nhận được nguồn cung vắc-xin từ đầu năm 2021, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cho biết trong ngày 09/11. Các nhân viên y tế và nhóm có rủi ro lây nhiễm cao sẽ nhận được vắc-xin đầu tiên, ông nói.

Các thỏa thuận cung ứng vắc-xin của Pfizer, BioNTech:

- EU: 200 triệu liều vắc-xin (quyền được mua thêm 100 triệu liều)

- Nhật Bản: 120 trệu liều vắc-xin

- Mỹ: 100 triệu liều vắc-xin (quyền được mua thêm: 500 triệu liều)

- Anh: 30 triệu liều vắc-xin

“Có sự khác nhau về thời điểm phê duyệt tại Mỹ và châu Âu”, ông Spahn cho biết. “Dù vậy tôi tin rằng thời gian thông qua sẽ tương tối ngắn”.

Các đối tác sản xuất vắc-xin dự định đẩy mạnh sản xuất vào năm 2021, với công suất lên đến 1.3 tỷ liều. Tuy vậy, nguồn cung sẽ chóng cạn kiệt nếu Mỹ và EU thực hiện quyền mua thêm vắc-xin.

Vắc-xin này đòi hỏi phải đóng băng ở nhiệt độ cực thấp để bảo quản trong thời gian dài – vốn có thể làm phức tạp quá trình phân phối. Vắc-xin này có thể được giữ ở mức nhiệt độ tủ lạnh trong ít nhất 5 ngày.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI