Ngành xây dựng: Các ông lớn vẫn gặp khó trong quý 3

Ngành xây dựng: Các ông lớn vẫn gặp khó trong quý 3

So với kết quả u ám trong 2 quý đầu năm 2020, doanh nghiệp ngành xây dựng đã phần nào lấy lại tinh thần trong quý 3. Dù vậy, các ông lớn trong ngành xây dựng vẫn tiếp tục kinh doanh sụt giảm.

Các ông lớn ngành xây dựng vẫn gặp khó. Thiết kế: Tuấn Trần

Theo Bộ  Xây dựng, tính đến hết quý 3/2020, mức tăng trưởng của  ngành Xây dựng đạt 5.02% (cao hơn mức tăng 4.5% của quý 2/2020).

Dữ liệu của VietstockFinance cho thấy, trong quý 3/2020, 93 doanh nghiệp xây dựng niêm yết đã tạo ra hơn 27,700 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 11% so với cùng kỳ và hơn 2,450 tỷ đồng lãi ròng, tăng 38% so với cùng kỳ. Trong đó có 36 doanh nghiệp xây dựng tăng lãi, 31 doanh nghiệp giảm lãi, 5 doanh nghiệp tăng lỗ, 1 doanh nghiệp giảm lỗ, 8 doanh nghiệp chuyển từ lỗ sang lãi12 doanh nghiệp chuyển từ lãi sang lỗ.

6 doanh nghiệp đạt lãi trên trăm tỷ

Đứng đầu trong bảng xếp hạng lợi nhuận đạt cao nhất trong ngành xây dựng, Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HNX: VCG) ghi nhận con số lãi có mức hơn 1,000 tỷ đồng, gấp 5.4 lần cùng kỳ.

Tuy nhiên, doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh của VCG giảm gần phân nửa, xuống còn 1,270 tỷ đồng. Theo giải trình từ VCG, nguyên nhân lãi ròng quý 3 tăng vọt là nhờ thoái toàn bộ vốn sở hữu tại CTCP Đầu tư và Phát triển năng lượng Vinaconex (UPCoM: VCP), Công ty Liên doanh TNHH Phát triển Đô thị mới An Khánh và Công ty TNHH MTV giáo dục Phúc Yên, thu về gần 2,832 tỷ đồng.

Ngoài ra, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của VCG vẫn âm hơn 225 tỷ đồng. Trong đó, Công ty chi hơn 241 tỷ đồng tiền lãi vay, hơn 461 tỷ đồng các chi phí khác (không kể lãi vay phải trả, thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp). Tại thời điểm 30/09/2020, VCG trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi hơn 1,580 tỷ đồng. Công ty cũng không thuyết minh chi tiết về con số trích lập này.

Kết quả kinh doanh của VCG qua các quý trở lại đây. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Mặc dù ghi nhận lợi nhuận ở mức cao, chỉ đứng sau VCG nhưng con số mà CTCP Cơ Điện Lạnh (HOSE: REE) đạt được lại giảm 14% so với cùng kỳ, ghi nhận ở mức 347 tỷ đồng. Ngược lại, doanh thu thuần đạt trên 1.5 ngàn tỷ đồng, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm trước.

REE cho biết lợi nhuận mảng hạ tầng điện nước giảm trong quý 3 do các thủy điện bị ảnh hưởng bởi tình hình thủy văn không thuận lợi tại các hồ khu vực miền Nam, cũng như sản lượng được phát của các nhà máy nhiệt điện giảm. Hoạt động mảng cơ điện công trình (M&E) chịu tác động khi nhiều khách hàng gặp khó khăn về tài chính.

Lợi nhuận của REE cũng chịu ảnh hưởng đáng kể bởi kết quả của các hoạt động tài chính. Quý 3/2020, Công ty trích lập dự phòng giảm giá đầu tư 5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận hoàn nhập gần 23 tỷ đồng. Lỗ chênh lệch tỷ giá trong quý 3 là hơn 25 tỷ đồng, cùng kỳ con số này chỉ là 101 triệu đồng.

Đáng buồn hơn là trường hợp của Coteccons (HOSE: CTD) khi doanh thu và lợi nhuận đồng loạt sụt mạnh khiến Công ty ghi nhận quý kinh doanh kém nhất trong hơn 5 năm. Cụ thể, trong quý 3, CTD mang về 2.78 ngàn tỷ đồng (giảm 55%) và lãi ròng chỉ đạt gần 89 tỷ đồng (giảm 46% so với cùng kỳ).

Lũy kế 9 tháng đầu 2020, nhà thầu trụ sở tại TP.HCM đạt doanh thu thuần 10.3 ngàn tỷ đồng và lãi ròng 369 tỷ đồng, lần lượt sụt 37% và 23% so với cùng kỳ. 

Kết quả kinh doanh của CTD qua các năm trở lại đây. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Trong vòng 9 tháng, số lượng nhân viên của CTD đã giảm từ 2,272 người xuống còn 1,793 người, trong đó bao gồm nguyên nhân  rời đi của những nhân sự chủ chốt đã từng làm nên  thành công của Coteccons như cựu Tổng Giám đốc Nguyễn Sỹ Công và cựu Phó Tổng Giám đốc Trần Quang Quân. Ngoài ra, Chủ tịch Nguyễn Bá Dương cũng đã từ nhiệm khỏi chiếc ghế HĐQT CTD.

Cổ phiếu HTN của Hưng Thịnh Incons nhảy vọt gần 50% chưa đầy 2 tuần sau khi đơn vị này công bố kết quả quý 3 với lãi ròng hơn 193 tỷ đồng, gấp 13 lần cùng kỳ. Nhưng nhìn lại chi tiết thì thực tế mảng xây dựng của HTN vẫn sụt giảm gần 23% trong quý 3/2020 và lợi nhuận tăng vọt là  nhờ Công ty con – CTCP Cơ khí Bình Triệu đã hoàn thành và bàn giao một phần dự án Chung cư cao tầng.

Ngoài ra, còn 3 gương mặt cũng lọt top lãi hơn trăm tỷ là CTCP Xây lắp Điện I (HOSE: PC1), CTCP Đầu tư Cầu đường CII (HOSE: LGC) và CTCP Licogi 16 (HOSE: LCG).

Top 10 doanh nghiệp xây dựng đạt lãi ròng cao nhất quý 3/2020. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Xét về giá trị tương đối, CTCP Xây lắp III Petrolimex (HNXPEN) ghi nhận mức lợi nhuận gấp 26 lần cùng kỳ, nhưng con số cũng chỉ ở mức 8 tỷ đồng. PEN đạt kết quả đột biến trong quý này là do Công ty đã nghiệm thu được các công trình dở dang và Công ty có lợi nhuận do thoái vốn từ việc đầu tư cổ phiếu Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex.

Top 10 doanh nghiệp xây dựng có lãi tăng mạnh nhất trong quý 3. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Tương tự, CTCP SCI E&C (HNX: SCI) cho biết một số công trình/hạng mục có tỷ lệ lợi nhuận cao bắt đầu được nghiệm thu đã giúp SCI đem về gần 30 tỷ đồng lãi ròng, gấp 23 lần cùng kỳ dù doanh thu thuần quý 3 giảm 2% về 216 tỷ đồng.

“Giảm tốc” trên đường đua

Nằm đầu bảng top lao dốc, con số lãi ròng mà CTCP Đầu tư và Xây dựng Vina2 (HNX: VC2) đem lại trong quý 3 chỉ ở mức 294 triệu đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 18 tỷ đồng.

Không còn những khoản lãi từ việc chuyển nhượng các khoản đầu tư tài chính, lãi ròng quý 3 của CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (HOSECII) chỉ ghi nhận 30 tỷ đồng, giảm đến 92% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm gần 1,485 tỷ đồng. Trong đó, tiền lãi vay đã trả âm gần 1,168 tỷ đồng, cùng kỳ âm 630 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối tháng 9, nợ phải trả của CII ghi nhận hơn 22,080 tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm (tương đương tăng hơn 1,500 tỷ đồng). Trong đó, dư nợ vay ngắn hạn gần 9,242 tỷ đồng, giảm 20% và dư nợ vay dài hạn hơn 12,838 tỷ đồng, tăng 42% so với hồi đầu năm.

Top 10 doanh nghiệp xây dựng có lãi giảm mạnh nhất trong quý 3. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Tương tự, CTCP Xây dựng FLC Faros (HOSE: ROS) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh quý 3 èo uột với doanh thu thuần gần 662 tỷ đồng và lãi ròng vỏn vẹn 1.4 tỷ đồng, lần lượt giảm 44% và 84% so với cùng kỳ năm trước. Phía ROS cho biết sự sụt giảm lợi nhuận trong kỳ là do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng nặng nề lên hoạt động của doanh nghiệp. “Thời điểm này dịch bệnh đã dần ổn định, tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty chúng tôi cũng chưa thể phục hồi trở lại như bình thường” - văn bản giải trình ký bởi Chủ tịch ROS Hương Trần Kiều Dung nêu rõ.

Thê thảm hơn, con số lỗ vẫn đeo bám CTCP Lilama 5 (HNX: LO5) chưa rời, ghi nhận lỗ gần 7 tỷ đồng trong quý 3 do doanh thu giảm mạnh 65% trong khi chi phí tài chính tăng do phát sinh thêm chi phí chậm trả lãi.

Các doanh nghiệp tăng lỗ trong quý 3. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Chưa đến 1/3 doanh nghiệp xây dựng thực hiện được hơn 75% kế hoạch 2020

Trong tổng số 74 doanh nghiệp xây dựng niêm yết công bố kế hoạch lợi nhuận năm 2020 có 9 doanh nghiệp xuất sắc vượt kế hoạch sau 9 tháng, 11 doanh nghiệp thực hiện được hơn ¾ kế hoạch năm và có đến 36 doanh nghiệp chưa thực hiện được 50% kế hoạch.

Trong cuộc hành trình xây đắp kế hoạch năm 2020, CTCP SCI E&C (HNXSCI) xuất sắc vượt 114% kế hoạch đề ra trong năm 2020 với lãi ròng đạt 120 tỷ đồng. Riêng quý 3, lãi ròng tăng đột biến lên gần 30 tỷ đồng, gấp 23 lần cùng kỳ do một số công trình/hạng mục có tỷ lệ lợi nhuận cao bắt đầu được nghiệm thu.

Doanh nghiệp vượt kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2020. Đvt: Tỷ đồng
(*) Kế hoạch lãi trước thuế
Nguồn: VietstockFinance

Không chỉ lọt top doanh nghiệp báo lãi cao nhất ngành xây dựng, VCG cũng đã vượt 71% kế hoạch lợi nhuận năm 2020 mặc dù chỉ mới thực hiện được 40% chỉ tiêu doanh thu. Cụ thể, lãi ròng 9 tháng đầu năm đạt hơn 1,399 tỷ đồng (gấp 3 lần cùng kỳ) trong khi năm 2020 chỉ lên kế hoạch mang về 820 tỷ đồng.

Kết quả thực hiện kế hoạch năm 2020 của các doanh nghiệp xây dựng niêm yết. Đvt: Tỷ đồng.
(*)Lợi nhuận trước thuế Nguồn: Tác giả tổng hợp

Song song đó, một nửa doanh nghiệp còn lại của ngành xây dựng chưa thực hiện được 50% kế hoạch đã đề ra như CII chỉ mới thực hiện được 35%, DPG (33%), FCN (30%)…

Đáng chú ý, mặc dù lên kế hoạch lãi 54 tỷ đồng trong năm 2020 nhưng sau 9 tháng, ROS lại ôm lỗ lên đến 149 tỷ đồng. Như vậy, con số kế hoạch mà ROS đề ra có lẽ doanh nghiệp sẽ không bao giờ thực hiện được.

Tiên Tiên

FILI