Lãnh đạo mua bán cổ phiếu: Những giao dịch lớn

Lãnh đạo mua bán cổ phiếu: Những giao dịch lớn

Thống kê các giao dịch nội bộ trong tuần giao dịch 09/11 - 13/11/2020 cho thấy bên mua đang chiếm thế chủ động. Ông Trịnh Văn Quyết hoàn tất gom 35 triệu cp FLC. Trong khi đó, SBT chính thức trở thành cổ đông lớn tại GEG. Ngược lại, HFIC muốn thoái 25 triệu cp HCM và “Bầu Đức” cũng muốn bán ra 35 triệu cp HAG.

Ông Trịnh Văn Quyết hoàn tất gom 35 triệu cp FLC

Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC (HOSE: FLC) đã mua vào 35 triệu cp FLC từ ngày 09 - 13/11. Sau giao dịch, ông Quyết đã nâng số lượng cổ phiếu nắm giữ tại Tập đoàn FLC lên hơn 200 triệu cp, tương đương 28.2% vốn.

Chiếu theo thị giá trung bình trong 5 ngày (từ ngày 09/11 đến 13/11) là khoảng 4,680 đồng/cp, ước tính ông Quyết đã chi hơn 160 tỷ đồng cho thương vụ kể trên. Thanh khoản của cổ phiếu FLC tại giai đoạn thực hiện giao dịch cũng tăng đột biến, bình quân đạt gần 34 triệu cp/phiên.

Trước đó, từ ngày 05/11 đến 06/11, ông Quyết cũng mua vào hơn 1.1 triệu cp GAB của CTCP Đầu tư Khai khoáng và Quản lý tài sản FLC nhằm nâng tổng số lượng cổ phiếu GAB nắm giữ lên hơn 7 triệu đơn vị, tương đương 51% vốn.

SBT chính thức trở thành cổ đông lớn tại GEG

Trong ngày 05/11/2020, CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (HOSE: SBT) đã gom thành công 10 triệu cp GEG của CTCP Điện Gia Lai (HOSE: GEG).

Sau giao dịch, SBT đã nâng sở hữu tại GEG từ 3.62% (hơn 9.8 triệu cp) lên 7.31% (hơn 19.8 triệu cp). Ông Phạm Hồng Dương - Phó chủ tịch Thường trực HĐQT SBT hiện đang giữ chức Thành viên HĐQT của GEG.

Cùng ngày, cổ đông lớn của GEG là CTCP Xuất Nhập Khẩu Bến Tre (Betrimex) thông báo đã thoái 10 triệu cp GEG, giảm số lượng cổ phần nắm giữ xuống còn gần 40.3 triệu cp, tương đương 14.86% vốn. Bà Đặng Huỳnh Ức My - Chủ tịch của Betrimex, đồng thời cũng là Phó Chủ tịch HĐQT của SBT.

Trong phiên giao dịch ngày 05/11, GEG ghi nhận khối lượng giao dịch thỏa thuận đúng 10 triệu cp với giá trị 150 tỷ đồng. Như vậy, Betrimex chính là đơn vị đã sang tay 10 triệu cp GEG cho SBT.

Mới đây, HĐQT GEG vừa thông qua Nghị quyết về việc tăng vốn điều lệ từ 2,202 tỷ đồng lên 2,711 tỷ đồng thông qua việc chào bán 50.97 triệu cp cho cổ đông hiện hữu.

Do đâu vừa gom 50 triệu cp, “Bầu” Đức liền muốn thoái 35 triệu cp HAG?

Ông Đoàn Nguyên Đức (“Bầu” Đức) – Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) thông báo sẽ dùng 35 triệu cp HAG của mình để làm tài sản đảm bảo tái cơ cấu khoản vay. Giao dịch được thực hiện theo phương thức thỏa thuận từ ngày 13/11-12/12/2020. Dự kiến sau giao dịch, ông Đức sẽ giảm sở hữu tại HAG từ 377 triệu cp (40.62%) xuống còn 342 triệu cp (36.85%).

Trước đó, trong ngày 29/10/2020, ông Đức đã mua thành công 50 triệu cp HAG theo phương thức thỏa thuận.

Trong phiên 29/10, có 64.1 triệu cp HAG được giao dịch thỏa thuận, tương đương tổng  giá trị 307.6 tỷ đồng, tương ứng mức giá thỏa thuận là 4,800 đồng/cp, cao hơn so với giá chốt phiên 29/10 (4,450 đồng/cp). Theo đó, ước tính ông Đức đã chi ra khoảng 240 tỷ đồng để hoàn tất thương vụ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, HAG ghi nhận doanh thu thuần tăng 47% so cùng kỳ, lên hơn 2,171 tỷ đồng và lỗ ròng hơn 80 tỷ đồng, cùng kỳ lãi 853 tỷ đồng. Lỗ hợp nhất trước thuế hơn 701 tỷ đồng.

Năm 2020, HAG đặt kế hoạch doanh thu thuần ở mức 5,082 tỷ đồng và lỗ hợp nhất trước thuế 356 tỷ đồng, thấp hơn so với mức lỗ 1,809 tỷ đồng của năm 2019. Như vậy, Công ty đã lỗ hơn dự kiến sau 9 tháng.

HFIC muốn thoái 25 triệu cp HCM

Nhằm mục đích cơ cấu lại danh mục đầu tư, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP HCM (HFIC) muốn bán 25 triệu cp HCM của CTCP Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC, HOSE: HCM) từ ngày 13/11 – 27/11.

Được biết, HFIC đang là cổ đông lớn thứ 2 tại HCM với tỷ lệ nắm giữ 28.6%, tương đương 97.5 triệu cp, đứng sau Dragon Capital Markets Limited (DC) (30.05%). Nếu giao dịch thành công, HFIC sẽ giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 20.43% (62.5 triệu cp).

Với thị giá 22,900 đồng/cp (chốt phiên 13/11), dự kiến HFIC sẽ thu về hơn 570 tỷ đồng nếu hoàn tất thương vụ.

Ông Lâm Hoài Anh – Thành viên HĐQT HCM hiện đang là Phó TGĐ HFIC và ông Lê Thắng Cần – Thành viên HĐQT HCM đồng thời là Trưởng phòng Tài chính Kế toán HFIC.

Về kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, HCM ghi nhận doanh thu hoạt động gần 1,400 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ và lãi sau thuế tăng gần 30%, đạt hơn 393 tỷ đồng.

Tới cuối quý 3, danh mục tự doanh của HCM được mở rộng đáng kể so với thời điểm giữa năm. Danh mục tài sản FVTPL cuối quý 3 ở mức gần 1,490 tỷ đồng, gấp hơn 2.2 lần so với thời điểm cuối quý 2. So với đầu năm 2020, danh mục tài sản FVTPL này tăng hơn 8%.

Tổng tài sản của HCM cuối quý 3 ở mức 9,468 tỷ đồng, tăng gần 26% so với đầu năm, chủ yếu tăng ở các khoản tài sản ngắn hạn như tài sản FVTPL, các khoản cho vay và khoản phải thu các dịch vụ công ty chứng khoán. Nguồn tiền gia tăng tài sản kể trên đến từ việc gia tăng vay ngắn hạn của Công ty.

Danh sách lãnh đạo công ty và người thân giao dịch từ ngày 09/11 - 13/11/2020
Danh sách lãnh đạo công ty và người thân đăng ký giao dịch từ ngày 09/11 - 13/11/2020

Tiên Tiên

FILI