Dầu tăng hơn 2% bất chấp sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19

Dầu tăng hơn 2% bất chấp sự gia tăng số ca nhiễm Covid-19

Giá dầu tăng hơn 2% vào ngày thứ Hai (02/11), đảo chiều từ đà sụt giảm trước đó, khi Mỹ hướng tới cuộc bầu cử Tổng thống gây nhiều tranh cãi, CNBC đưa tin.

Thị trường dầu đã chịu sức ép trong những ngày gần đây, do lo ngại về nhu cầu nhiên liệu suy yếu khi một số quốc gia châu Âu bắt đầu phong tỏa để hạn chế lây nhiễm Covid-19. Số ca nhiễm mới cũng tăng vọt ở Mỹ.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Hai, hợp đồng dầu WTI tiến 1.02 USD (tương đương 2.8%) lên 36.81 USD/thùng. Hợp đồng dầu Brent vọt 1.14 USD (tương đương 3%) lên 39.08 USD/thùng. Cả 2 hợp đồng này đều đã giảm hơn 2% hồi đầu phiên.

Dầu đã xóa sạch đà sụt giảm sau khi số đơn đặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản tăng lần đầu tiên trong 2 năm và hoạt động sản xuất của Trung Quốc vọt lên mức cao nhất trong gần 1 thập kỷ vào tháng 10. Hơn nữa, hoạt động sản xuất tại Mỹ cũng đã tăng trưởng mạnh hơn dự báo trong tháng 10, với số đơn đặt hàng mới tăng lên mức cao nhất trong gần 17 năm.

Các chỉ số chứng khoán Mỹ cũng khởi sắc vào ngày thứ Hai. Các chuyên gia phân tích cho biết kết quả bầu cử nhiều khả năng có thể làm rung chuyển thị trường chứng khoán trong ngắn hạn nếu không có người chiến thắng rõ ràng vào tối ngày thứ Ba (03/11), khi một số bang vẫn cần phải kiểm phiếu.

Đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ đối đầu với ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử, vốn đang làm gia tăng lo ngại trên toàn quốc về tình trạng hỗn loạn và các cuộc biểu tình bắt nguồn từ kết quả bầu cử.

Các quốc gia ở châu Âu đã tái áp dụng các biện pháp phong tỏa nhằm cố gắng làm chậm tốc độ lây nhiễm Covid-19 đang tăng nhanh trong tháng qua.

Các công ty giao dịch dầu toàn cầu và các nhà phân tích dự báo nhu cầu sẽ bị thiệt hại nhiều hơn nữa bởi vì sự bùng phát trở lại dịch Covid-19, mặc dù các dự báo là khác nhau.

Vitol nhận thấy nhu cầu mùa đông ở mức 96 triệu thùng/ngày, trong khi Trafigura dự báo nhu cầu giảm xuống 92 triệu thùng/ngày hoặc thấp hơn.

Rystad Energy nhận thấy nhu cầu năng lượng sẽ đạt đỉnh vào năm 2028, thay vì năm 2030, và phục hồi chậm hơn vào năm tới.

“Các lệnh phong tỏa sẽ cản trở đà phục hồi kinh tế trong ngắn hạn và dài hạn, và đại dịch Covid-19 cũng sẽ để lại hậu quả của những thay đổi hành vi mà sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng dầu”, Artyom Tchen của Rystad Energy chia sẻ.

Nguồn cung dầu của Libya ở mức khoảng 800,000 thùng/ngày, tăng hơn 100,000 thùng/ngày so với vài ngày trước, Reuters đưa tin vào ngày thứ Bảy (31/10).

Điều đó, cùng với sự hồi phục gần đây của số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Mỹ, đang khiến nhà đầu tư lo ngại về việc cung một lần nữa vượt xa cầu.

Trong khi, sản lượng dầu của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã tăng tháng thứ 4 trong tháng 10, một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy.

An Trần

FILI