Chủ hãng tín dụng Easy Credit làm ăn ra sao khi cổ đông lớn thoái vốn?

Chủ hãng tín dụng Easy Credit làm ăn ra sao khi cổ đông lớn thoái vốn?

Sau khi Ngân hàng TMCP An Bình (OTC: ABBank) không còn là cổ đông lớn của Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVN Finance, UPCoM: EVF), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã hoàn tất thoái vốn khỏi đây. EVF cũng được biết đến là chủ sở hữu Easy Credit.

EVF hiện không có cổ đông lớn?

Ngày 24/09/2020 trước đó, ABBank đã bán 9.1 triệu cp EVF, chính thức không còn là cổ đông lớn tại đây với tỷ lệ sở hữu giảm từ 8.4% (22.26 triệu cp) xuống còn 4.97% (13.16 triệu cp).

Tại ngày 30/09/2020, cơ cấu cổ đông của EVF bao gồm ABBank nắm giữ 4.97% vốn, EVN sở hữu 1% vốn và còn lại 94.03% thuộc về các cổ đông khác.

Nguồn: BCTC quý 3/2020 của EVF

Ngày 26/10/2020 vừa qua, EVN cũng đã đấu giá toàn bộ 2.65 triệu cp, chiếm 1% sở hữu tại EVF với mức giá khởi điểm 17,411 đồng/cp, gấp đôi thị giá EVF hiện tại. (Tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 46 tỷ đồng. Theo đó, EVN chính thức không còn là cổ đông của EVF.

EVF được thành lập và hoạt động từ ngày 01/09/2008 với vốn điều lệ ban đầu là 2,500 tỷ đồng. Đây là công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực như tư vấn tài chính, huy động vốn, hoạt động tín dụng... EVF cũng được biết đến là chủ sở hữu Easy Credit.

Trích lập dự phòng ăn mòn lợi nhuận 

Sau 9 tháng, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của EVF tăng 66% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 37% và lãi thuần từ dịch vụ tăng 56% so với cùng kỳ năm trước, lần lượt đạt gần 522 tỷ đồng và 57 tỷ đồng. Đồng thời, lãi thuần từ hoạt động khác tăng 92%, lên hơn 82 tỷ đồng.

Dù vậy, do trích lập dự phòng gần 260 tỷ đồng, gấp 3.9 lần cùng kỳ đã khiến lợi nhuận trước và sau thuế của EVF lần lượt giảm 7% và 8% so với cùng kỳ năm trước, còn gần 191 tỷ đồng và 153 tỷ đồng.

Tính riêng quý 3/2020, lãi trước và sau thuế của EVF cùng giảm 14%, còn hơn 105 tỷ đồng và 85 tỷ đồng.

Năm 2020, EVF đặt mục tiêu lãi trước thuế 280.5 tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với thực hiện năm 2019. So với kế hoạch, Công ty đã thực hiện được 68% mục tiêu lợi nhuận.

Trong kỳ, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của EVF dương hơn 7,595 tỷ đồng, gấp 7.34 lần cùng kỳ chủ yếu nhờ thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự nhận được tăng trong khi chi phí lãi giảm. Đồng thời tiền gửi của các tổ chức tín dụng và khách hàng tăng.

Tính đến ngày 30/09/2020, tổng tài sản của EVF tăng 27% so với đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng giảm 3%, còn gần 9,624 tỷ đồng. Các khoản lãi phí phải thu giảm 20%, còn hơn 661 tỷ đồng.

Xét về chất lượng nợ vay, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 76%, song nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn lần lượt giảm 92% và 12% nên tổng nợ xấu của EVF đến cuối quý 3 giảm 3% so với đầu năm, chiếm gần 339 tỷ đồng. Do đó tỷ lệ nợ xấu giảm từ 3.54% xuống còn 3.52%.

Tại ngày 30/09/2020, vốn điều lệ của EVF đạt gần 2,650 tỷ đồng, tăng thêm 150 tỷ đồng so với hồi đầu năm thông qua phương thức phát hành 15 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ 6%.

Diễn biến giá cổ phiếu EVF từ đầu năm 2020 đến phiên 17/11/2020

Kết phiên 17/11/2020, thị giá cổ phiếu EVF dừng tại mức 8,100 đồng/cp, tăng hơn 70% so với đầu năm 2020. Khối lượng giao dịch bình quân đạt gần 148,000 cp/ngày.

Ái Minh

FILI