Campuchia: Chỉ một nửa DNNY nộp báo cáo quý 3 đúng hạn

Campuchia: Chỉ một nửa DNNY nộp báo cáo quý 3 đúng hạn

Mới có 7 trong số 13 doanh nghiệp niêm yết (DNNY) trên Sở Giao dịch Chứng khoán Campuchia (CSX) nộp báo cáo tài chính quý 3 lên CSX theo đúng thời hạn quy định, Phnom Penh Post đưa tin.

Theo Chỉ thị về công bố doanh nghiệp, tất cả DNNY phải nộp báo cáo quý lên Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Campuchia (SECC) trong vòng 45 ngày, kể từ ngày kết thúc mỗi quý, để SECC xem xét trước khi công bố công khai trên CSX.

Hôm 16/11, Trưởng phòng hoạt động Ha Jong Weon của CSX cho biết do hạn chót của thời hạn 45 ngày rơi vào Chủ Nhật nên hạn nộp báo cáo được dời sang thứ Hai (ngày 16/11). 

Tuy nhiên, kết thúc ngày 16/11, vẫn còn một số DNNY chưa nộp báo cáo lên CSX. Doanh nghiệp chào bán chứng khoán có Công ty Cảng Autonomous Port (PPAP) và Công ty May mặc Grand Twin International Cambodia (GTI); Doanh nghiệp phát hành trái phiếu thương mại có ABA Bank (ABC), Tổ chức tài chính vi mô Prasac (Prasac), Công ty RMA Cambodia (RMA) và Phnom Penh Commercial Bank (PPCBank).

Trong đợt báo cáo kết quả nửa năm, cả Prasac và GTI đều nộp đơn xin gia hạn nộp báo cáo sau khi trễ hạn quá lâu so với quy định.

Các báo cáo đã được công bố công khai trên CSX gồm có báo cáo của Ngân hàng Thương mại Acleda (Acleda Bank), Công ty Cấp thoát nước Phnom Penh (PPWSA), Công ty LOLC (Cambodia) Plc (LOLC) (công ty phát hành trái phiếu doanh nghiệp) và Công ty Pestech (Cambodia) Plc (PEPC).

Theo báo cáo của Acleda Bank (ABC), đã được Công ty Kiểm toán KPMG xem xét, doanh thu quý 3 đạt 584.25 tỷ Riel (khoảng 144 triệu USD), tương đương cùng kỳ năm 2019; lợi nhuận ròng đạt 141.95 tỷ Riel (tương đương 34.7 triệu USD), tăng 26.98 tỷ Riel so cùng kỳ (mức tăng là 23.47%).

Tính đến 30/09, tổng tài sản của Acleda Bank đạt 26.10 nghìn tỷ Riel (tương đương 6.3 tỷ USD), tăng thêm 933.23 tỷ Riel (228.2 triệu USD) so với cuối tháng 12/2019 (tương đương tăng 3.71%). Tổng vốn sở hữu đạt 4.29 nghìn tỷ Riel (1.04 tỷ USD), tăng thêm 361.57 tỷ Riel (88.4 triệu USD), tăng 9.2% so với cuối tháng 12/2019. Acleda Bank hiện là ngân hàng thương mại lớn nhất tại Campuchia xét về khoản cho vay và mạng lưới kênh phân phối.

PPWSA, doanh nghiệp quốc doanh niêm yết đầu tiên trên CSX, ghi nhận 86.59 tỷ Riel doanh thu (tăng 35.43% so với quý 2 năm nay) và 27.14 tỷ Riel lợi nhuận (tăng 25.26% so với quý 2). Tuy nhiên, công ty không nêu cụ thể đây là khoản lợi nhuận gộp, lợi nhuận hoạt động hay lợi nhuận ròng.

Đánh giá về kết quả kinh doanh của ABCPPWSA, Phó Chủ tịch CSX, ông Ha Jong-weon, cho rằng ABC đang bước vào giai đoạn chuyển tiếp giữa “ngân hàng hữu hình” và “ngân hàng kỹ thuật số” trong nỗ lực đơn giản hóa hoạt động và trải nghiệm tiêu dùng liền mạch, điều này giúp gia tăng số lượng cho vay của ngân hàng trong quý 3. Đối với PPWSA, ông Ha cho rằng doanh thu tăng nhờ gia tăng lượng tiêu thụ nước - nguồn thu chính của công ty - và gia tăng phí xây dựng.

Đối với LOLC, CEO Sok Voeun báo cáo tổng tài sản của công ty tính đến cuối quý 3 đạt hơn 4.408 nghìn tỷ Riel. Tổng tiền gửi lên 2.234 nghìn tỷ Riel, tăng 20% so với cuối năm 2019. Danh mục cho vay đạt 3.417 nghìn tỷ Riel, tăng 3.7% so với 30/06.

PEPC, chi nhánh hoạt động tại Campuchia của Tập đoàn Pestech International Berhad (Pestech) của Malaysia, báo cáo doanh thu tăng 31.74 tỷ Riel, đạt 74.45 tỷ Riel, tăng 74% so cùng kỳ. Tuy nhiên, do đây là báo cáo kết quả quý 1 của năm tài chính tiếp theo của PEPC, nên báo cáo có tiêu đề “Báo cáo quý 1 năm tài chính kết thúc vào 30/06/2021”.

Giải thích lý do PEPC áp dụng năm tài chính khác năm tài chính từ tháng 1-12 của Campuchia, SECC cho biết do công ty áp dụng theo năm tài chính của công ty mẹ niêm yết trên thị trường chứng khoán Malaysia. Theo Tổng Giám đốc Sou Socheat của SECC, việc áp dụng năm tài chính khác như vậy phải được phê duyệt và công ty đã được Hội đồng Kế toán Quốc gia thông qua.

Đề cập đến quy định xử phạt đối với trường hợp trễ hạn nộp báo cáo tài chính, Phó Tổng Giám đốc Sok Dara của SECC cho biết công ty nào trễ hạn mà không có lý do chính đáng hay nộp đơn xin gia hạn, theo quy định hiện hành, sẽ bị phạt tiền hoặc phạt cảnh cáo. Tuy nhiên, đến nay, chưa có doanh nghiệp nào bị xử phạt về hành vi vi phạm này.

Đỗ Thảo (Theo Phnom Penh Post)

FILI