Ai đã 'sang tay' gần 103 triệu cp KLB?

Ai đã 'sang tay' gần 103 triệu cp KLB?

Cổ phiếu KLB của Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank, UPCoM: KLB) được chú ý khi có tổng cộng gần 103 triệu cp đã được giao dịch thỏa thuận trong 7 phiên qua, giá trị tương đương 1,401 tỷ đồng. Đây được xem là mức cao nhất kể từ khi nhà băng này giao dịch trên thị trường UPCoM.

Trong 2 tuần gần đây (29/10-10/11/2020), một số phiên ghi nhận giao dịch thỏa thuận từ 13-16 triệu cp KLB tại giá 13,600 đồng/cp.

Nguồn: VietstockFinance

Đặc biệt, phiên 30/10/2020, Kienlongbank có đến hơn 26 triệu cp được giao dịch thỏa thuận, giá trị tương tương 357 tỷ đồng với giá thỏa thuận hơn 13,674 đồng/cp. Đây là khối lượng thỏa thuận cao nhất trong 7 phiên qua.

Phiên giao dịch 09/11/2020, cổ phiếu KLB có giao dịch khớp lệnh đột biến lên gần 16 triệu cp, giá trị 210 tỷ đồng. Theo đó, giá khớp lệnh gần 13,497 đồng/cp

Tính chung cho cả 7 phiên (29/10-10/11/2020), có tổng cộng gần 119 triệu cp KLB được giao dịch, giá trị 1,613 tỷ đồng.

Diễn biến giá cổ phiếu KLB từ khi lên UPCoM đến phiên 11/11/2020
Nguồn: VietstockFinance

Hiện cổ phiếu KLB giao dịch phiên sáng 11/11 với mức giá 12,200 đồng/cp, tăng hơn 37% so với hồi đầu năm 2020.

Kienlongbank không có cổ đông lớn

Tính đến ngày 31/12/2019, Kienlongbank có 95.54% cổ đông cá nhân, 3.29% cổ đông tổ chức và 1.17% cổ phiếu quỹ. Mặt khác, tại ngày 30/06/2020, Ngân hàng công bố không có cổ đông lớn.

Được biết, ông Võ Quốc Lợi, con trai ông Võ Quốc Thắng ("bầu" Thắng) - nguyên Chủ tịch HĐQT Kienlongbank nắm giữ hơn 15.17 triệu cp KLB, tương đương 4.74% tại ngày 14/09/2018.

Đồng thời, ông Phạm Trần Duy Huyền – Phó Chủ tịch Kienlongbank hiện đang nắm giữ hơn 14 triệu cp KLB (4.428%), ông Huyền được cho là người có liên quan với ông Võ Thành Phan – anh trai của ông Võ Quốc Thắng.

Ngoài ra, bà Nguyễn Thụy Quỳnh Hương, Thành viên HĐQT Kienlongbank cũng đang nắm giữ hơn 13.2 triệu cp KLB (4.13% vốn).

Diễn biến cổ phiếu KLB đang nghịch chiều với hoạt động kinh doanh?

Lũy kế 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của Ngân hàng giảm 11% so với cùng kỳ, còn gần 791 tỷ đồng. Lợi nhuận trước và sau thuế giảm 39% và 38%, chỉ còn gần 145 tỷ đồng và gần 116 tỷ đồng.

Nguồn: VietstockFinance

Như vậy, so với kế hoạch 750 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cho cả năm 2020, Kienlongbank chỉ mới thực hiện được hơn 19% chỉ tiêu sau 9 tháng đầu năm.

Về chất lượng nợ vay, tại ngày 30/09/2020, tổng nợ xấu của Ngân hàng gấp 6.5 lần đầu năm, ghi nhận gần 2,241 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 50% (gần 57 tỷ đồng), nợ có khả năng mất vốn gấp 8.9 lần (gần 2,134 tỷ đồng).

Trong số dư nợ có khả năng mất vốn tại ngày 30/09/2020 đã bao gồm gần 1,883 tỷ đồng dư nợ các khoản cho vay đối với một nhóm khách hàng với tài sản đảm bảo là cổ phiếu của một ngân hàng khác được phân loại nhóm 5 theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước.

Nguồn: VietstockFinance

Kết quả, kéo tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của Ngân hàng từ mức 1.02% hồi đầu năm lên 6.63%. Và thực tế, tỷ lệ này cũng đã cao hơn mức 6.63% tại ngày 30/09/2020.

Khang Di

FILI