Vì sao các tập đoàn Hàn Quốc không muốn chuyển sản xuất về quê nhà?

Vì sao các tập đoàn Hàn Quốc không muốn chuyển sản xuất về quê nhà?

Các nỗ lực lôi léo các tập đoàn chuyển sản xuất về quê nhà của Chính phủ Hàn Quốc dường như không mấy thành công, mặc dù đại dịch Covid-19 và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung làm nổi lên rủi ro của việc quá phụ thuộc vào Trung Quốc.

Chỉ 80 công ty trong số hàng ngàn tập đoàn có sản xuất tại Trung Quốc đã chuyển hoạt động trở về quê nhà kể từ khi Hàn Quốc đưa ra dự luật để kìm hãm làn sóng sản xuất ở nước ngoài trong năm 2013, theo dữ liệu của Viện Kinh tế và Thương mại Công nghiệp Hàn Quốc.

Thậm chí sau khi Chính phủ Hàn Quốc thêm lĩnh vực dịch vụ và các công ty công nghệ thông tin vào danh sách các công ty hưởng trợ cấp trong năm nay, sự hấp dẫn của việc chuyển sản xuất về quê nhà vẫn còn khá hạn chế.

Các bằng chứng trong quá khứ cho thấy các công ty cân nhắc cắt giảm hoạt động tại Trung Quốc để chuyển sang khu vực Đông Nam Á. Điều này cho thấy Hàn Quốc đang vuột mất cơ hội mang việc làm trở về quê nhà, đảm bảo chuỗi cung ứng trong đại dịch Covid-19 và duy trì tính cạnh tranh của hoạt động sản xuất nội địa.

“Rào cản tại quê nhà hiện quá cao”, Bae Ho-young, Chuyên gia nghiên cứu tại Liên đoàn SME Hàn Quốc, nhận định. Các rào cản mà ông đề cập tới là thị trường lao động cứng nhắc, chi phí lao động cao và quá nhiều quy định về môi trường.

Cứ mỗi 10 công ty Hàn Quốc tại Trung Quốc thì có tới 7 công ty không muốn chuyển sản xuất về quê nhà, theo một cuộc khảo sát của ông Bae được thực hiện trong tháng 6/2020. Trong khi đó, cứ mỗi 10 công ty Hàn Quốc tại Việt Nam thì có tới 9 công ty không có kế hoạch chuyển sản xuất về quê nhà.

Những nỗ lực thúc đẩy tiền lương tối thiểu, giảm bớt giờ làm và tăng cường tuyển công nhân chính thức (regular workers) của Tổng thống Moon Jae-in là những yếu tố được cho là làm tăng chi phí kinh doanh của doanh nghiệp.

Tiền lương hàng tháng của công nhân nhà máy ở Hàn Quốc trung bình ở mức 3,405 USD/ người trong năm 2019, theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Dữ liệu cho thấy tiền lương của công nhân Hàn Quốc cao hơn gấp 13 lần so với công nhân tại Việt Nam trong năm 2018 và cao hơn gấp 4 lần so với công nhân tại Trung Quốc trong năm 2016.

“Hàn Quốc là nơi sản xuất đắt đỏ, nhất là với hàng xuất khẩu”, Sung Won Sohn, Chuyên gia kinh tế tại Đại học Loyola Marymount, cho hay. “Trong một thế giới quay cuồng vì đại dịch, các công ty Hàn Quốc buộc phải chọn Trung Quốc hoặc Đông Nam Á để duy trì sức cạnh tranh và duy trì thị phần ở trên thị trường toàn cầu”.

Trong tháng 3/2020, Chính phủ Hàn Quốc mở rộng phạm vi ưu đãi thuế và trợ cấp đầu tư, đề xuất cho thuê dài hạn đối với bất động sản Nhà nước và nới lỏng quy định thị thực đối với người lao động nước ngoài. Trong năm 2021, Chính phủ Hàn Quốc dự định tăng hơn gấp đôi khoản trợ cấp đầu tư lên tới 50 tỷ won (tương đương 43 triệu USD).

Kể từ năm 2000, đã có hơn 23,492 công ty Hàn Quốc sản xuất tại Trung Quốc, theo dữ liệu của Ngân hàng Xuất-Nhập khẩu Hàn Quốc. Số công ty mở hoạt động mới tại Trung Quốc chạm đỉnh trong năm 2006 và sau đó giảm xuống dưới 500 công ty mỗi năm kể từ năm 2018.

Samsung Electronics nằm trong số các công ty Hàn Quốc đã tăng hiện diện tại Đông Nam Á và các khu vực khác khi giảm bớt sản xuất tại Trung Quốc. Samsung đã mở rộng nhà máy sản xuất điện thoại thông minh tại Việt Nam và Ấn Độ, đồng thời đóng cửa một số hoạt động sản xuất hàng tiêu dùng tại Trung Quốc.

Hyundai Motor tăng sản xuất xe hơi tại Việt Nam, đồng thời tạm ngừng một dây chuyền sản xuất tại Bắc Kinh. Động thái này cũng gửi đi một thông điệp tới các công ty quy mô nhỏ có hợp tác với các tập đoàn lớn.

“Các công ty nhỏ thường đi theo các công ty lớn”, Bill Lee, Đối tác tại Samil PricewaterhouseCoopers, cho biết. Samil PricewaterhouseCoopers từng hỗ trợ các nhà cung ứng cho Samsung và Hyundai thanh lý tài sản ở Trung Quốc trước khi chuyển dịch sản xuất.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI