TRA - Chưa tận dụng hết lợi thế ngành

TRA - Chưa tận dụng hết lợi thế ngành

Ngành dược là ngành còn nhiều dư địa tăng trưởng. Tuy nhiên, CTCP Traphaco (HOSE: TRA) vẫn chưa để tận dụng ưu thế bởi doanh thu và lợi nhuận liên tục giảm trong những năm gần đây.

Ngành dược có tiềm năng phát triển lớn

Kinh tế Việt Nam năm 2019 vẫn tăng trưởng ấn tượng bất chấp những diễn biến phức tạp theo chiều hướng tiêu cực của kinh tế thế giới. Năm 2019 là năm thứ hai liên tiếp tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt trên 7%.

Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, các tổ chức quốc tế đều đánh giá kinh tế thế giới năm 2020 tiếp tục xu hướng giảm, cộng với tác động từ dịch sẽ làm suy giảm nhanh hơn, đặc biệt tình trạng khi bệnh dịch kéo dài. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự báo năm 2020 chỉ ở mức 5.96% thấp hơn khá nhiều so với năm 2019.

Tốc độ tăng trưởng ngành dược Việt Nam trong năm 2019 đạt khoảng 11%. Ngành dược là một trong những ngành phòng thủ nên khi có một biến cố xảy ra trên thị trường thì vị thế của cổ phiếu những ngành này sẽ càng quan trọng hơn. Do đó, dòng tiền thường có xu hướng chuyển từ các ngành mang tính thị trường cao sang các ngành này để hạn chế rủi ro.

Nguồn: VietstockFinance, Fitch Solutions và Bộ Công Thương

Việt Nam hiện được xếp vào nhóm những nước có ngành dược mới nổi (pharmerging countries) theo phân loại của tổ chức IQVIA Institute. Tiềm năng tăng trưởng của ngành dược đang được đánh giá rất cao bởi các yếu tố như:

Tỷ lệ dân số vàng của Việt Nam hiện đang nằm ở mức đỉnh và đang bắt đầu bước vào thời kỳ già hóa dân số với tốc độ nhanh. Kể từ năm 2011, Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa khi số người trên 60 tuổi chiếm 9.9%. Đến năm 2018, con số này đã lên thành 11.95%.

Theo Tổng Cục dân số, dự báo Việt Nam sẽ trở thành nước có dân số già vào năm 2038 với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đạt trên 20%. Thậm chí, đến năm 2049, tỷ lệ người cao tuổi sẽ chiếm khoảng 25% dân số.

Kế đến là tình trạng ô nhiễm môi trường đang ngày càng nghiêm trọng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO - World Health Organization) đã có những nghiên cứu và cảnh báo quan trọng về tác hại của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe con người. Các loại bệnh về đường hô hấp, hệ tuần hoàn, ung thư… xuất hiện ngày càng thường xuyên hơn. Đồng thời, sự xuất hiện của dịch Covid-19 cũng khiến hàng ngàn người tử vong và con số đang không ngừng tăng lên mỗi ngày. Chính vì vậy, mà nhu cầu cũng như ý thức về việc chăm sóc sức khỏe của dân chúng sẽ tăng lên nhanh chóng.

Nguồn: International Journal of Environmental Research & Public Health và MDPI

Mức chi tiêu tiền thuốc bình quân của Việt Nam vào khoảng 80 USD, thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình của thế giới. Với dân số lớn và nền kinh tế tăng trưởng nhanh, thị trường Dược phẩm Việt Nam được đánh giá là còn nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai.

Tiềm năng của kênh OTC sẽ không còn nhiều

Theo thống kê của IMS Health, thị trường tiêu thụ dược phẩm tại Việt Nam phần lớn thông qua hệ thống các bệnh viện dưới hình thức thuốc kê đơn (ETC) chiếm tỷ lệ từ 60-70% thị trường, phần còn là thuốc không kê đơn được bán lẻ tại các quầy thuốc (OTC).

IMS Health dự báo kênh ETC sẽ còn tiếp tục tăng trưởng do nhu cầu về thuốc tân dược chất lượng và tính đặc trị cao tăng lên. Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tiếp tục mở rộng. Tính đến tháng 05/2019, tỷ lệ này đã đạt 89% và sẽ đạt hơn 90% dân số vào năm 2020 dẫn đến việc chi tiêu thuốc qua kênh ETC sẽ càng chiếm tỷ trọng lớn trong tương lai.

Nguồn: IMS Health

Theo báo cáo thường niên của TRA trong những năm gần đây, kênh OTC vẫn đang là kênh phân phối chủ lực của doanh nghiệp này. Trong giai đoạn 2014-2019, doanh thu kênh OTC vẫn liên tục tăng, doanh thu đến từ kênh này chiếm gần 90% tổng doanh thu trong năm 2019. Theo giới phân tích nhận định đánh giá, việc quá phụ thuộc vào kênh OTC vốn không còn nhiều tiềm năng tăng trưởng sẽ là thách thức lớn trong tương lai của doanh nghiệp.

Nguồn: TRA

Tình hình kinh doanh của TRA

Năm 2019, doanh thu của TRA đạt 1,710 tỷ đồng, giảm 4.89%; lợi nhuận ròng đạt 153 tỷ đồng giảm 1.92% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất của công ty kể từ năm 2014. Xét chung giai đoạn 2014-2019, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của TRA có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, năm 2020 đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, TRA ghi nhận doanh thu thuần đạt 1,307 tỷ tăng 12% và lợi nhuận ròng đạt 129 tỷ, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu và lợi nhuận đều tăng là do công ty đã đã tiết giảm các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tài chính và chi phí vật tư đầu vào, trong đó chi phí tài chính giảm 40% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn: VietstockFinance

Định giá cổ phiếu

Mức P/B và P/E trung vị của nhóm cổ phiếu cùng ngành lần lượt là 1.6 và 13.14 lần. Trong khi đó, mức P/B và P/E của TRA lần lượt đạt mức 2.17 và 16.75 lần. Đây là mức khá cao so với mức trung bình của ngành.

Nguồn: VietstockFinance

Mô hình DDM, phương pháp P/E, P/B với tỷ trọng tương đương chúng ta được mức định giá lý thuyết là 55,772 đồng. Như vậy, nhà đầu tư không nên mua vào nếu giá cổ phiếu còn nằm trên mức này.

Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock

FILI