Thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng gấp 3 lần lên 3.1 ngàn tỷ USD 

Thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng gấp 3 lần lên 3.1 ngàn tỷ USD 

Chi tiêu tăng vọt 47% trong 12 tháng kết thúc vào ngày 30/09 khi Chính phủ Mỹ triển khai chương trình chống dịch và suy thoái

Việc mạnh tay hỗ trợ người dân và ngăn chặn suy thoái đã đẩy thâm hụt ngân sách của Mỹ tăng gấp 3 lần lên kỷ lục 3.1 ngàn tỷ USD, khi đại dịch Covid-19 đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái, cướp mất cuộc sống của hơn 217,000 người dân Mỹ và đẩy hàng triệu người vào cảnh thất nghiệp.

Xét về phần trăm trên sản lượng kinh tế, thâm hụt ngân sách trong năm tài chính 2020 chạm mức 16.1%, cao nhất kể từ năm 1945, Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong ngày thứ Sáu (16/10).

Nợ liên bang chiếm tổng cộng 102% GDP, lần đầu tiên vượt quy mô kinh tế trong hơn 70 năm, theo ước tính của Ủy ban gầy dựng Ngân sách Liên bang có trách nghiệm. Điều này đẩy Mỹ vào nhóm những quốc gia nặng nợ nhất cùng với Hy Lạp, Italy và Nhật Bản.

Các Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa viện dẫn lý do nợ đã quá cao để phản đối đề xuất tung thêm gói kích thích 1.88 ngàn tỷ USD của Nhà Trắng và đề xuất 2.2 ngàn tỷ USD của Đảng Dân chủ. Nhiều chuyên gia kinh tế và quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho rằng việc khôi phục tăng trưởng nên là ưu tiên hàng đầu và nỗi lo về việc giảm bớt thâm hụt nên đặt phía sau.

“Những thời khắc chưa từng có tiền lệ đã dẫn tới thâm hụt chưa từng có”, William Hoagland, Phó Chủ tịch cấp cao tại Trung tâm Chính sách Lưỡng Đảng – một viện nghiên cứu tại Washington, nhận định. “Con số thâm hụt ngày hôm nay là kết quả của 6 tháng đấu tranh chống dịch và tác động kinh tế đi kèm”.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuần này cho biết núi nợ công trên toàn cầu có khả năng chạm mức 100% sản lượng kinh tế (cao nhất từ trước đến nay), nhưng hối thúc các nhà quyết sách tiếp tục duy trì chi tiêu để giúp những nhóm bị tổn thương và thúc đẩy đà hồi phục mạnh. IMF cho biết suy thoái toàn cầu sẽ không sâu như dự báo trước đó, một phần là nhờ gói kích thích khổng lồ của các nền kinh tế phát triển và thị trường mới nổi.

“Thông điệp của IMF từ những cuộc họp này rất rõ ràng: Hãy tránh rút gói kích thích quá sớm – rút phích quá sớm sẽ mang lại những rủi ro khôn lường, là tự bắn vào chân mình”, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nói với các phóng viên ngày 15/10, khi các bộ trưởng tài chính và lãnh đạo NHTW tụ họp trong cuộc họp thường niên giữa IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) – được tổ chức trực tuyến trong bối cảnh đại dịch.

Để trang trải cho thâm hụt ngân sách, Bộ Tài chính Mỹ đã bán mạnh trái phiếu kho bạc, nâng tổng nợ công lên 21 ngàn tỷ USD, tăng 25% so với đầu năm tài khóa.

Nhà đầu tư có vẻ không mấy lo ngại về khoản thâm hụt này. Trái phiếu Chính phủ Mỹ dường như không thay đổi trong ngày 16/10, với lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng nhẹ từ 0.73% lên 0.743%, theo Tradeweb. Lợi suất tăng trong buổi sáng ngày 16/10 nhờ dữ liệu doanh số bán lẻ lạc quan hơn dự báo, nhưng lại quay đầu giảm sau báo cáo đáng thất vọng về sản lượng công nghiệp.

Nguồn thu liên bang lên mức 3.4 ngàn tỷ USD, giảm 1% so với cùng kỳ, báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho thấy. Chi tiêu tăng vọt 47% lên kỷ lục 6.5 ngàn tỷ USD khi Chính phủ triển khai gói cứu trợ cho doanh nghiệp nhỏ, nâng trợ cấp thất nghiệp và phát tiề cho hộ gia đình Mỹ.

Gói cứu trợ chưa từng có – vốn được thông qua trong tháng 3/2020 và có quy mô 2.2 ngàn tỷ USD – đã giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp tiếp tục tồn tại trong những tháng đầu dịch bệnh, nâng thu nhập và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng. Với hơn 10 người vẫn còn thất nghiệp, hiện đang có dấu hiệu cho thấy đà hồi phục đang chậm lại khi các chương trình cứu trợ liên bang hết hạn.

Vũ Hạo (Theo WSJ)

FILI