Quyền lực của các đại gia công nghệ ngày càng lớn

Quyền lực của các đại gia công nghệ ngày càng lớn

Các công ty từ sản xuất điện thoại cho đến vận hành nền tảng mạng xã hội giờ đã chiếm gần 40% S&P 500

Các gã khổng lồ công nghệ có thể khép lại năm 2020 với sức ảnh hưởng lớn hơn bao giờ hết trên thị trường chứng khoán, vượt qua cả mức đỉnh của kỷ nguyên dot-com. Điều này càng cho thấy sức ảnh hưởng ngày càng tăng của nhóm công nghệ đến người tiêu dùng toàn cầu.

Các công ty từ sản xuất điện thoại cho đến vận hành nền tảng mạng xã hội giờ đã chiếm gần 40% S&P 500, cao hơn mức kỷ lục 37% trong năm 1999, dựa trên dữ liệu từ Dow Jones Market Data. Apple – công ty Mỹ đầu tiên chạm tới cột mốc 2 ngàn tỷ USD – chiếm tỷ trọng hơn 7% trong S&P 500. Đầu tháng 9/2020, cổ phiếu này chiếm 8% S&P 500, mức tỷ trọng cao chưa từng thấy đối với bất kỳ cổ phiếu nào.

Tỷ trọng vốn hóa của các ngành trong S&P 500.

Bất chấp đà giảm gần đây của nhóm cổ phiếu công nghệ như Apple,và Netflix, nhiều công ty công nghệ vẫn được nêu tên trong danh sách những cổ phiếu dẫn dắt thị trường năm 2020, giúp S&P 500 tăng gần 8% trong năm nay và duy trì gần mức kỷ lục trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Nhóm công nghệ có lúc nhấc bổng thị trường trong tuần qua, trước khi kéo giảm lại sau đó, qua đó làm nổi bật sức ảnh hưởng của họ đến các chỉ số chứng khoán lớn.

Các xu hướng như làm việc từ xa và điện toán đám mây vẫn đang thúc đẩy tăng trưởng ở những công ty này, qua đó góp phần giúp công ty công nghệ mở rộng hoạt động kinh doanh giữa lúc nhiều công ty khác gặp khó khăn. Tuy vậy, việc tập trung quá nhiều sức ảnh hưởng vào một nhóm nhỏ công ty làm phiền lòng nhiều nhà đầu tư. Họ lo ngại chứng khoán Mỹ quá phụ thuộc vào nhóm công nghệ và chỉ cần cú giảm mạnh của một vài cái tên cũng có thể kéo giảm cả thị trường.

Khi một nhóm nào đó đạt mức ảnh hưởng đỉnh điểm trong chỉ số S&P 500 thì sau đó thường dẫn tới bán tháo. Nhóm cổ phiếu công nghệ rớt mạnh sau bong bóng dot-com. Ảnh hưởng của nhóm ngân hàng đến thị trường đạt đỉnh trong năm 2006 trước cuộc khủng hoảng tài chính. Cổ phiếu năng lượng cũng rơi tự do sau khi chạm đỉnh mới về tỷ trọng trong S&P 500 năm 2008.

Rất ít nhà phân tích cho rằng cổ phiếu công nghệ đang bị định giá quá cao như cách đây 2 thập kỷ. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đang chuẩn bị cho khả năng ngành này ngành càng biến động.

"Cuộc sống của chúng ta đang số hóa một cách bắt buộc", Alison Porter – Giám đốc Danh mục Đầu tư tại Janus Henderson Investors cho biết. Bà vẫn tự tin vào các công ty công nghệ lớn nhất, nhờ tăng trưởng ổn định và cơ hội khi nhiều người phải ở nhà trong đại dịch.

Nhà đầu tư đang chờ đợi báo cáo tài chính quý III của các hãng công nghệ, cũng như số liệu thất nghiệp hàng tuần để đánh giá sức khỏe nền kinh tế. Vì Quốc hội Mỹ vẫn chưa thông qua gói kích thích kế tiếp, nhiều nhà đầu tư vẫn ngần ngại trong việc rót tiền vào các mã liên quan trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế.

Howard Marks – đồng sáng lập hãng tư vấn đầu tư Oaktree Capital Group cho rằng các phương pháp tính độ đắt đỏ của cổ phiếu công nghệ đều liên quan đến lợi nhuận hiện tại. Vì thế, số liệu này có thể đánh giá thấp triển vọng của các công ty khi họ đã chi rất nhiều để thúc đẩy tăng trưởng.

Giới phân tích dự báo lợi nhuận của các hãng công nghệ trong tổng lợi nhuận doanh nghiệp thuộc S&P 500 có thể đạt 36% năm nay, FactSet cho biết. Hệ số giá trên lợi nhuận (P/E) của ngành công nghệ thông tin là 28, cao hơn so với 24 của S&P 500. Con số này của các hãng dịch vụ truyền thông là 25. Riêng Apple, Microsoft, Facebook và Alphabet là hơn 30. P/E của Netflix là 90 và Amazon là gần 130.

Dù vậy, rất nhiều nhà đầu tư vẫn sẵn sàng mua cổ phiếu các hãng Internet đắt đỏ, do các công ty này tăng trưởng nhanh. "Các công ty này đã nhận được lực đẩy suốt 10 năm qua, vì tình hình kinh tế nhìn chung ảm đạm", David Lebovitz – chiến lược gia thị trường toàn cầu tại J.P. Morgan Asset Management nhận xét.

Việc phân tích sự tập trung của nhóm công nghệ trong S&P 500 dựa trên các doanh nghiệp thuộc nhóm công nghệ thông tin và dịch vụ truyền thông. Cả hai nhóm này đều không có Amazon, do đại gia thương mại điện tử được xếp vào nhóm hàng tiêu dùng không thiết yếu. Vì thế, nếu tính cả Amazon – với vốn hóa 1.600 tỷ USD – vào nhóm công nghệ, ảnh hưởng lên thị trường sẽ còn lớn hơn nhiều.

Vài tuần gần đây, Amazon và các hãng Internet lớn bị giám sát ngày càng gắt gao. Hạ viện Mỹ gần đây tuyên bố Quốc hội nên xem xét buộc các đại gia công nghệ tách riêng các nền tảng online đang thống trị với các mảng kinh doanh khác.

Rất ít nhà phân tích cho rằng các hãng công nghệ lớn nhất sẽ sớm bị chia tách. Bên cạnh đó, các động thái pháp lý thường được tiến hành khá chậm. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cho rằng thông tin này có thể là nguồn bất ổn mới cho các tuần tới.

"Điều duy nhất khiến tôi lo lắng về đà tăng của nhóm công nghệ là khả năng chính phủ can thiệp", Jacob Walthour – CEO Blueprint Capital Advisors cho biết. Dù vậy, ông vẫn khuyến nghị khách hàng mua cổ phiếu công nghệ, thương mại điện tử và xe điện, do tiềm năng tăng trưởng lớn.

Vũ Hạo

FILI