Nhiều doanh nghiệp báo lãi tăng hơn 10 lần trong quý 3

Nhiều doanh nghiệp báo lãi tăng hơn 10 lần trong quý 3

Cuối tháng 10 cũng là lúc bức tranh kinh doanh quý 3/2020 dần lộ rõ. Khác với quý 2 liền trước, hiện đã có tới 13 doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng hơn 10 lần cùng kỳ.

Thêm nhiều doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng bằng lần

Theo thống kê của VietstockFinance, tính đến hết ngày 24/10, đã có 400 doanh nghiệp niêm yết công bố kết quả kinh doanh (đơn lẻ và hợp nhất) quý 3/2020. Tổng doanh thu thuần và lãi ròng ghi nhận ở mức 11,616 tỷ đồng140 tỷ đồng, lần lượt tăng 5.4%giảm 2.7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, 343 đơn vị báo lãi (169 đơn vị có lãi tăng trưởng) và 57 đơn vị thua lỗ (chưa xét đến nhóm ngân hàng).

Đáng chú ý, có tới 13 doanh nghiệp niêm yết báo lãi ròng quý 3 tăng trưởng gấp 10 lần cùng kỳ.

Cao su Thống Nhất (HOSE: TNC) dẫn đầu về tỷ lệ tăng trưởng lãi ròng quý 3 với mức tăng 9,937% (gấp 100 lần) dù con số tuyệt đối chỉ gần 2.4 tỷ đồng. Theo TNC, nguyên nhân chủ yếu do trong quý 3, sản lượng tiêu thu mủ cao su và doanh thu hoạt động tài chính tăng.

Hãng thiết bị y tế Danameco (HNX: DNM) tiếp tục có quý kinh doanh tăng trưởng mạnh nhờ cầu thị trường về các sản phẩm y tế, điển hình như khẩu trang, vẫn cao. DNM ghi nhận lãi ròng 4.8 tỷ đồng trong quý 3, tăng 80 lần. Dù vậy, cần lưu ý mức lãi của DNM trong quý 3 giảm đáng kể so với 2 quý đầu năm nay, khi mảng kinh doanh khẩu trang nhận được hưởng lợi lớn từ dịch bệnh.

Tình hình kinh doanh của DNM đi lên từ quý 4/2019. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Cũng kinh doanh thuận lợi bất chấp tình hình dịch bệnh, Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HOSE: DBC) đem về gần 2,550 tỷ đồng doanh thu thuần và 387 tỷ đồng lãi ròng trong quý 3, lần lượt tăng 41% và gấp 20 lần cùng kỳ. Về tình hình tài sản, đến cuối tháng 9, DBC có tổng tài sản hơn 10,214 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với đầu năm. Công ty đang nắm lượng hàng tồn kho hơn 2,477 tỷ đồng, tăng 11%.

Một doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khu công nghiệp có lãi gấp 15 lần trong quý 3 là Thống Nhất (HNX: BAX). Kết quả này chủ yếu nhờ việc ghi nhận doanh thu bán đất nền, nhà ở dự án Khu Trung tâm dịch vụ Khu công nghiệp Bàu Xéo.

Top 20 doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng lãi ròng nhiều nhất trong quý 3/2020. Đvt: Triệu đồng
Nguồn: VietstockFinance

Xét về số tuyệt đối, Tổng Công ty Khí Việt Nam - CTCP ( HOSE: GAS) đang dẫn đầu với 2,023 tỷ đồng lãi ròng, dù con số này đã đi lùi 30% so cùng kỳ. Doanh thu quý 3/2020 sụt giảm 16% cùng với biên lãi gộp co lại ở mức 18.2% (22.7% trong quý 3/2019). Dù đã tiết giảm đáng kể các khoản, GAS cũng không thể tránh có thêm một quý sụt giảm kết quả kinh doanh.

Như vậy, cả 3 quý kinh doanh đầu năm của GAS đều chứng kiến sự sụt giảm về doanh thu lẫn lợi nhuận, giữa bối cảnh môi trường kinh doanh không thuận lợi. Các chỉ tiêu tài chính thấp hơn cùng kỳ chủ yếu do sản lượng khí vào bờ giảm, giá dầu Brent trung bình giảm 37%, giá dầu FO trung bình giảm 40%, giá trung bình của LPG cũng giảm 10%. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, GAS đạt doanh thu thuần hơn 48.6 ngàn tỷ đồng và lãi ròng hơn 6.1 ngàn tỷ đồng, lần lượt giảm 16.2% và 31.4% so cùng kỳ.

Ngoài ra, gần 20 doanh nghiệp lãi trên trăm tỷ đồng trong quý 3, sở hữu các mã cổ phiếu quen thuộc với nhà đầu tư như: VCG, SSI, HSG, PNJ, VHC, PHR,…

Top 20 doanh nghiệp niêm yết có lãi ròng lớn nhất quý 3/2020. Đvt: Triệu đồng
Nguồn: VietstockFinance

Những doanh nghiệp chuyển lỗ thành lãi

Tô thêm gam màu tươi sáng cho bức tranh kết quả kinh doanh quý 3 là việc nhiều doanh nghiệp chuyển kết quả từ lỗ trong cùng kỳ năm trước sang có lãi. Có thể kể đến như trường hợp Thủy điện Miền Trung (HOSE: CHP) khi báo doanh thu xấp xỉ 188 tỷ đồng, tăng 63% so cùng kỳ và lãi ròng gần 59 tỷ đồng. Đây cũng là kết quả lợi nhuận quý 3 tốt nhất của doanh nghiệp chủ sở hữu Thủy điện A Lưới kể từ năm 2017.

Tập đoàn Yeah1 (HOSE: YEG) ghi nhận doanh thu thuần trên 432 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ gần 58%. Mức tăng trưởng ấn tượng này đến từ mảng thương mại truyền thông mà Yeah1 bắt đầu triển khai trong năm 2020. Quý 3 cũng là lần đầu tiên mảng này có sự đóng góp lớn (183 tỷ đồng, chiếm hơn 42% doanh thu thuần) trong kết quả kinh doanh của toàn Tập đoàn. Theo đó, YEG đem về 12.5 tỷ đồng lãi ròng trong quý 3, cũng là quý thứ ba liên tiếp có lãi sau giai đoạn trích lập dự phòng hàng trăm tỷ đồng cuối năm 2019.

Top 20 doanh nghiệp niêm yết chuyển lỗ thành lãi trong quý 3/2020. Đvt: Triệu đồng
Nguồn: VietstockFinance

Những doanh nghiệp tụt dốc lợi nhuận nhiều nhất

Không có kết quả tích cực như 2 nhóm nêu trên, nhiều doanh nghiệp phải ngậm ngùi khi lợi nhuận đi lùi đáng kể trong quý 3. Thậm chí, có đơn vị còn báo lãi thu hẹp tới 99% như Chứng khoán Hòa Bình (HNX: HBS), chỉ còn 24 triệu đồng. HBS giải trình kết quả khiêm tốn do doanh thu cho thuê tài sản giảm mạnh so cùng kỳ.

Đầu tư Khai Khoáng và Quản lý Tài sản FLC (HOSEGAB) cũng báo lãi ròng quý 3 giảm đáng kể tới 96% so cùng kỳ, về mức 233 triệu đồng. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất của GAB kể từ năm 2018. Doanh thu trong kỳ tăng gấp 3 lần, song biên lãi gộp giảm mạnh về mức 2% (cùng kỳ 18%), khiến lãi gộp co lại 67%, chỉ còn hơn 4 tỷ đồng.

Tương tự, dù doanh thu thuần quý 3 gấp 2.3 lần cùng kỳ, song giá vốn đã ăn mòn 76% doanh thu, khiến lợi nhuận gộp của Đầu tư LDG (HOSE: LDG) giảm 22% so cùng kỳ. Ngoài ra, chi phí bán hàng hơn 135 tỷ đồng, gấp 17.5 lần cùng kỳ, là yếu tố thứ hai kéo lãi ròng của LDG tụt dốc 93%, còn hơn 10 tỷ đồng.

Top 20 doanh nghiệp niêm yết giảm lãi ròng nhiều nhất trong quý 3/2020. Đvt: Triệu đồng
Nguồn: VietstockFinance

Chuyển lãi thành lỗ: Bất ngờ NT2

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp báo lỗ dù cùng kỳ năm trước có lãi. Đáng chú ý trong quý 3 năm nay là việc ông lớn ngành điện - Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (HOSE: NT2) ghi nhận lỗ ròng gần 6 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp này báo lỗ kể từ năm 2014.

Cũng gây bất ngờ là việc Thủy điện Miền Nam (HOSE: SHP) báo lỗ gần 2 tỷ đồng trong quý 3 (cùng kỳ lãi ròng gần 129 tỷ đồng). SHP chia sẻ sản lượng quý 3 tăng 37% so cùng kỳ, nhưng do quý 3 hằng năm là mùa mưa nên giá bán điện giảm hơn quý 2 gần 30%, dẫn tới doanh thu bán điện giảm so với quý 2/2020. Mặt khác, chi phí quý 3 cao hơn quý 2 chủ yếu do chi phí thuế tài nguyên nước và phí môi trường rừng được tính theo sản lượng, đồng thời nhà máy Đam’bri ngừng vận hành để sửa chữa, khắc phục nên chi phí sửa chữa tăng.

Top 20 doanh nghiệp chuyển lãi thành lỗ trong quý 3/2020. Đvt: Triệu đồng
Nguồn: VietstockFinance

Ở một diễn biến khác, Điện lực Khánh Hòa (HOSE: KHP) lại gây thất vọng khi thua lỗ hơn 40 tỷ đồng trong quý 3, cũng là quý lỗ thứ 3 liên tiếp. Tính tới ngày 24/10, đây là doanh nghiệp niêm yết có kết quả lỗ nặng nhất quý 3.

Trong quý vừa qua, KHP ghi nhận doanh thu thuần gần 1,283 tỷ đồng, giảm 18% so cùng kỳ. Đáng chú ý, biên lãi gộp trong kỳ chỉ đạt 0.6% (quý 3/2019 hơn 10%), lãi gộp chỉ thu được hơn 8 tỷ đồng.

Áp lực chi phí vẫn cao khiến KHP lỗ hơn 40 tỷ đồng (cùng kỳ lãi ròng gần 87 tỷ đồng). Cộng với 2 quý bết bát đầu năm, doanh nghiệp thủy điện này lỗ lũy kế gần 271 tỷ đồng. KHP cho biết do tác động của dịch Covid-19 cùng với chính sách miễn/giảm tiền điện cho khách hàng sử dụng khiến doanh thu tiền điện 9 tháng đầu năm giảm hơn 539 tỷ đồng so cùng kỳ.

Top 20 doanh doanh nghiệp niêm yết thua lỗ nhiều nhất quý 3/2020. Đvt: Triệu đồng
Nguồn: VietstockFinance

Duy Na

FILI