Ngành thép trở mình, cổ phiếu dậy sóng

Ngành thép trở mình, cổ phiếu dậy sóng

Đa phần các hãng thép niêm yết đều đạt kết quả lợi nhuận khả quan so với cùng kỳ. Nhóm doanh nghiệp đầu ngành chiếm ưu thế khi thị trường khởi sắc.

Không doanh nghiệp thép nào phải gánh chịu thua lỗ trong quý 3/2020, theo các BCTC đã công bố tính đến sáng 27/10.

Các ông lớn đầu ngành báo lãi tăng trưởng mạnh. Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp nhỏ hơn cho thấy sự ổn định trong việc kiểm soát chi phí. Cộng hưởng với biên lãi gộp cải thiện giúp các đơn vị trong ngành báo cáo kết quả lợi nhuận khả quan trong quý 3 năm nay, bất chấp việc sụt giảm doanh thu vẫn diễn ra.

KHỞI SẮC TRONG QUÝ 3
Đa phần doanh nghiệp thép tăng trưởng lợi nhuận,
không hãng nào thua lỗ
Đvt: Tỷ đồng
(*): HSG có niên độ tài chính từ 01/10/2019-30/09/2020. (**): Doanh nghiệp thua lỗ trong quý 3/2019 Nguồn: VietstockFinance

Kể từ sau thời kỳ thịnh vượng 2016-2017, ngành thép mới có lại một quý khả quan về mặt lợi nhuận như quý 3/2020. Những năm qua, thương chiến, bảo hộ thương mại và sự chững lại của thị trường bất động sản - xây dựng tạo áp lực lên sản lượng tiêu thụ thép. Trong lĩnh vực tôn mạ, tình trạng dư thừa công suất khiến các nhà quản lý phải đau đầu. Việc giá thép cuộn cán nóng (HRC) đi xuống trong giai đoạn 2018-2019 cũng bào mòn lợi nhuận các doanh nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, ngành thép bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 nhưng tăng trưởng đã trở lại ngoạn mục trong quý 3. Theo báo cáo ngắn công bố ngày 16/10 của Khối Phân tích CTCK Rồng Việt (VDSC Research), tiến độ các dự án cơ sở hạ tầng lớn được đẩy mạnh trong quý 3 tác động tích cực lên nhu cầu thép xây dựng, theo đó, sản lượng tăng 8.8% so với cùng kỳ. Trong mảng tôn mạ, sản lượng xuất khẩu tăng hơn 65%, khi các hiệp định thương mại tự do EVFTA và CPTPP phần nào hỗ trợ doanh nghiệp nội địa xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng nhờ mức thuế thấp hơn. Đối với mảng ống thép, sản lượng bán hàng quý 3 tăng 24% so với cùng kỳ nhờ sức tiêu thụ tốt từ hoạt động xây dựng dân dụng và công nghiệp.

Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) lãi ròng 3.77 ngàn tỷ đồng trong quý 3/2020, cao nhất lịch sử. Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm nay của đại gia thép đã vượt thành tích của cả năm trước, về cả doanh thu lẫn lợi nhuận.

3 lò cao đang ngày càng ổn định tại Khu liên hợp Gang Thép Dung Quất là động lực cho sự tăng trưởng của HPG. Từ 2018 đến nay, tập đoàn này đã mở rộng vào thị trường phía Nam với các sản phẩm từ khu liên hợp đặt tại Quảng Ngãi, nâng thị phần thép xây dựng từ 22% lên mức 33%.

Thị phần thép xây dựng 2019-9T2020
Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam

Hai ông lớn ngành tôn mạ là Tập đoàn Hoa Sen (HOSE: HSG) và Thép Nam Kim (HOSE: NKG) đều báo cáo các con số tăng trưởng, giữa bối cảnh giá thép HRC liên tục tăng kể từ 5/2020, theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA).

Biến động giá nguyên liệu thép từ 2017-2020
Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam

Biên lãi gộp của HSG cải thiện kể từ khi doanh nghiệp định hướng không chạy theo sản lượng, không cạnh tranh về giá. Lợi thế sở hữu hàng trăm chi nhánh là yếu tố giúp hãng tôn mạ lớn nhất nước đảm bảo đầu ra. Trong khi đó, NKG dưới thời Tổng Giám đốc mới - ông Võ Hoàng Vũ - đang bắt tay củng cố thị trường nội địa. Cả hai ông lớn tôn mạ đều đã đi qua giai đoạn (2018-2019) giải quyết những khó khăn tài chính thông qua việc bán tài sản và cắt giảm nợ vay.

BCTC hợp nhất quý 3/2020 của NKG báo cáo khoản lãi ròng gần 83 tỷ đồng, lớn nhất kể từ quý 2/2019. HSG lãi sau thuế đến 400 tỷ đồng trong quý 3 vừa qua (quý 4 trong niên độ 01/10/2019-30/09/2020), đồng thời, trở lại câu lạc bộ lợi nhuận ngàn tỷ sau 2 năm với khoản lãi ròng 1.1 ngàn tỷ đồng cả niên độ.

So sánh 9 tháng đầu năm nay với 2019, thị phần tôn mạ của NKG giảm từ 16% xuống còn 15%, trong khi HSG vươn từ 30% lên mức 32%. HSG hiện đang lên kế hoạch phát triển hệ thống chi nhánh thành một chuỗi bán lẻ vật liệu xây dựng và nội thất. Về phần NKG, doanh nghiệp này đang triển khai đầu tư nhà máy ống thép và kho tôn tại khu vực cảng Chu Lai, tỉnh Quảng Nam, để tiếp cận thị trường miền Trung và miền Bắc.

Thị phần tôn mạ 2019-9T2020
Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam

CTCP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) lãi lớn trong quý 3/2020 nhờ diễn biến thuận lợi của giá thép. Các mảng chính của SMC, bao gồm sản xuất tôn mạ, ống thép và gia công đều sử dụng thép HRC làm nguyên liệu đầu vào. Biên lãi gộp của SMC trong quý 3 này ở mức 5.28%, trong khi cùng kỳ chỉ là 2.17%. Theo đó, dù doanh thu Công ty (4,132 tỷ) giảm 2.5%, nhưng lãi ròng (98 tỷ) vẫn gấp hơn 2.8 lần cùng kỳ.

Phản ánh lại các kết quả kinh doanh khả quan, nhóm cổ phiếu lớn ngành thép có những bước tăng giá ấn tượng trong thời gian gần đây.

ĐI LÊN
Thị giá HPG, HSG, NKG, SMC kể từ đầu tháng 7/2020 đến nay
Nguồn: VietstockFinance

Ngành thép đang được kỳ vọng sẽ thoát ra khỏi chu kỳ suy giảm nhờ nhu cầu tiêu thụ trở lại mạnh mẽ sau giai đoạn dịch bệnh bùng phát.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định thị trường xây dựng tháng 9 và các tháng cuối năm sẽ khởi sắc.

VDSC Research đánh giá ngành thép có thể hưởng lợi từ việc đẩy mạnh đầu tư công vào cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, quá trình giải ngân vẫn gặp nhiều trở ngại. Trong khi đó, sự dịch chuyển các nhà máy sang Việt Nam thúc đẩy nhu cầu thép ống và tôn mạ, song quá trình dịch chuyển vẫn đang ở giai đoạn lập kế hoạch. Theo chuyên viên phân tích, giá thép xây dựng có thể sẽ tăng vào nửa cuối năm, trong khi giá HRC biến động khó lường.

Thừa Vân

FILI