Mảng nhựa đường kéo lãi ròng quý 3/2020 của PLC tăng 64%

Mảng nhựa đường kéo lãi ròng quý 3/2020 của PLC tăng 64%

Kết quả kinh doanh quý 3/2020 của Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex - CTCP (HNX: PLC) ghi nhận đà đi lên 15% về doanh thu và 64% về lợi nhuận so cùng kỳ. Trong đó, mảng nhựa đường đem về hơn 614 tỷ đồng doanh thu, tăng 33%.

Lãi ròng quý 3/2020 tăng 64%

PLC vừa công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3/2020 với doanh thu thuần hơn 1,345 tỷ đồng và lãi ròng gần 43 tỷ đồng, tăng 64%. Mảng nhựa đường đem về hơn 615 tỷ đồng doanh thu, tăng 33% là động lực cho kết quả đi lên của PLC.

Song song đó, chi phí kinh doanh trong kỳ cũng tăng 48% lên mức 183 tỷ đồng, chủ yếu do tăng theo sản lượng như chi phí vận chuyển, hỗ trợ bán hàng… và khoản trích lập dự phòng công nợ khó đòi của ngành hàng nhựa đường.

Kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3 và 9 tháng đầu năm 2020 của PLC
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 của PLC

Cho giai đoạn 9 tháng đầu năm 2020, PLC ghi nhận tổng doanh thu gần 3,914 tỷ đồng và lãi ròng gần 124 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và tăng 9% so cùng kỳ. Trong cơ cấu doanh thu, mảng nhựa đường chiếm tỷ trọng 47%, đây cũng là ngành hàng tăng trưởng doanh thu duy nhất với mức tăng 26%.

Thuyết minh doanh thu 9 tháng đầu năm 2020 của PLC
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 3/2020 của PLC

Năm 2020, PLC đặt kế hoạch doanh thu hơn 5,012 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 110 tỷ đồng. Như vậy kết thúc 9 tháng đầu năm, ông lớn ngành nhựa đường đã thực hiện 78% về doanh thu và vượt 13% về lợi nhuận.

Tổng giá trị tài sản của PLC đạt mức 4,850 tỷ đồng tại ngày 30/09, tăng 9% so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 3,713 tỷ đồng, tài sản dài hạn chiếm 1,136 tỷ đồng.

Nhóm vật liệu xây dựng hưởng lợi từ câu chuyện đầu tư công

Tại Báo cáo triển vọng TTCK Việt Nam quý 4/2020, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhận định rằng đầu tư công sẽ có sự bứt phá trong những tháng cuối năm, tỷ lệ giải ngân có thể đạt khoảng 70% - 80% (năm 2020). Điều này dựa trên việc Chính phủ quyết tâm cao đẩy mạnh giải ngân thông qua việc ban hàng các chỉ thị và nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp giải ngân vốn đầu tư công. 2020 là năm cuối thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn trong giai đoạn 2016-2020, nhiều dự án cơ bản đã hoàn thiện về mặt thủ tục, pháp lý và giải phóng mặt bằng để sẵn sàng triển khai, đặc biệt là dự án trọng điểm quốc gia đường cao tốc Bắc Nam (tiến độ 61.5% và phù hợp với kế hoạch đề ra).

Khi đầu tư công được thúc đẩy, cánh cửa tươi sáng đang dần mở ra với các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng (VLXD). Triển vọng dài hạn đối với các ngành như thép, xi măng, đá xây dựng, nhựa đường… theo đó được đánh giá cao. Các công ty chứng khoán dự báo giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ của nhóm doanh nghiệp này có thể rơi vào khoảng năm 2021-2022, sớm nhất là vào cuối năm 2020.

KBSV chỉ ra đầu tư công vẫn là yếu tố hỗ trợ tích cực cho nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu với nhu cầu tiêu thụ tăng cao. Thực tế, cổ phiếu của những đơn vị đầu ngành điển hình như Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Khoáng sản xây dựng Bình Dương (KSB), Xi măng Vicem Hà Tiên (HT1), Xi măng Bỉm Sơn (BCC) hay PLC đều có đà tăng giá khả quan trong năm 2020.

Cổ phiếu của một số đơn vị đầu ngành VLXD có bước chuyển mình trong năm 2020

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2020, ông Phạm Bá Nhuân - nguyên Chủ tịch HĐQT PLC (miễn nhiệm cùng ngày 25/05/2020) - nhận định với dự án làm đường trong gói đầu tư công thì chi phí đền bù là lớn nhất và cũng mất nhiều thời gian để triển khai. Dù vậy, gói đầu tư này có được giải ngân được trong năm 2020 hay 2021 thì mảng nhựa đường cũng có thể chưa hưởng lợi ngay trong năm nay.

Làm rõ hơn điều này, ông Nhuân chỉ ra PLC đang chiếm khoảng 28-35% thị phần nhựa đường (tùy từng năm). Vào năm đỉnh điểm 2015, PLC chiếm thị 30% thị phần nhựa đường với nhu cầu 900 ngàn tấn, mức sản lượng này hoàn toàn khác so với tổng nhu cầu hiện nay chỉ còn khoảng 550 ngàn tấn. Do đó khi thị phần tăng cao thì sản lượng cũng sẽ không cao. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh nhựa đường của PLC tập trung nhiều vào nhóm sản phẩm có chất lượng cao như nhũ tương, polime… Đây là các sản phẩm gần như độc quyền trong những năm trước, nhưng hiện một số đơn vị khác cũng có thể cung cấp được. Lợi thế độc quyền có phần bị thu hẹp lại.

Những thách thức và tồn tại khác của PLC

Ban lãnh đạo cũng chia sẻ về tình hình sau năm 2015, khi đầu tư công hạ nhiệt và nhu cầu nhựa đường đi xuống thì rất nhiều công ty nhỏ đã phá sản, bị sáp nhập,… hình thành nên những công ty mới có tiềm lực về vốn, công nghệ, quản lý. Do đó, tình hình cạnh tranh mới đang rất phức tạp.

Nhìn rộng ra, các sản phẩm kinh doanh của PLC hầu hết là nguyên, phụ liệu đầu vào cho các ngành công nghiệp khác. Áp lực cạnh tranh về giá, tồn kho… đang ngày càng gia tăng. Nhiều đối thủ sở hữu tiềm lực tài chính mạnh, thương hiệu từ các tập đoàn lớn trên thế giới tiến vào Việt Nam gây không ít thách thức với doanh nghiệp nội địa, ví dụ như:

  • Dầu mỡn nhờn: BP Castrol, Total, Cartex, Shell, Mobile, JXNipon Oil, Idemitsu…
  • Nhựa đường: Adco, ICT, Tratimex, RED, BEST, Vina Asphalt…
  • Hóa chất: Samsung, Top Solvent Dealim, Kaisear, PKG,…

Mặt khác, CTCP Vận tải Hóa dầu VP (công ty liên kết) trước đây chủ yếu cung cấp dịch vụ chở nhựa đường ở vùng Indonesia nhưng do áp lực thị trường, giá cước thấp, chuyển đổi nhiên liệu bảo vệ môi trường… nên đơn vị này vẫn thua lỗ nặng những năm gần đây. Có rất nhiều phương án đưa ra với Vận tải Hóa dầu VP như hỗ trợ, hoán cải, giải thể nhưng thực tế vẫn chưa tìm ra phương án nào tốt nhất.

Duy Na

FILI