Hành trình từ nghèo khó đến giàu sang của người đồng sáng lập Whatsapp

Hành trình từ nghèo khó đến giàu sang của người đồng sáng lập Whatsapp

Người đồng sáng lập Whatsapp, Jan Koum, giờ đã là tỷ phú. Tuy nhiên, khi anh còn trẻ, không ai tưởng tượng được anh sẽ đạt được vị trí hiện tại.

Jan Koum

Câu chuyện đi lên từ nghèo khó của anh bắt đầu ở Ukraine, nơi cuộc sống khó khăn đến mức gia đình anh không có cả nước máy để sử dụng. Theo Business Insider, năm 16 tuổi, anh chuyển đến Mỹ cùng gia đình. Do cuộc sống không được cải thiện ngay lập tức nên cậu bé Koum phải nỗ lực hết sức để tồn tại. Khi còn ngồi ghế trung học, Koum đã đọc hết nhiều cuốn sách về máy tính. Sau khi lấy bằng cử nhân tại Đại học tiểu bang San Jose, anh về làm việc cho Ernst & Young. Chính tại nơi này, anh có cơ hội gặp người đồng sáng lập Whatsapp sau này là Brian Acton, khi đó đang làm việc cho Yahoo.

Koum sau đó chuyển sang làm việc cho Yahoo và ở đó 9 năm, chủ yếu làm việc trong bộ phận chống hacker, trước khi được đề bạt lên vị trí giám đốc kỹ thuật cơ sở hạ tầng. Koum và Acton từng thử vận ​​may khi nộp xin việc tại Facebook nhưng bị từ chối. Năm 2009, cả hai đã xây dựng một ứng dụng cho phép người dùng cập nhật trạng thái trên điện thoại của họ.

Điều khiến họ trở nên khác biệt với các nhà phát triển và lập trình viên khác là họ quan tâm đến vấn đề bảo mật trên hết. Bộ đôi đồng sáng lập này cam kết Whatsapp sẽ không có trò chơi, quảng cáo hay mánh lới nào gây phiền phức cho người dùng. Chẳng bao lâu, mức độ phổ biến của ứng dụng này bắt đầu tăng dần, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, khiến Mark Zuckerberg phải nhấc máy gọi cho Koum vào năm 2012.

Facebook cuối cùng đã mua lại Whatsapp vào năm 2014 với giá 22 tỷ USD. Theo Forbes, thương vụ này bao gồm tiền mặt và cổ phiếu. Tài sản từ cổ phiếu của Koum tăng vọt khi Facebook trở thành một trong những mạng xã hội lớn nhất thế giới.

Do niềm tin của những người sáng lập, Whatsapp đã được mã hóa hoàn toàn từ đầu đến cuối vào năm 2016. Họ cam kết không bao giờ để công ty mẹ sử dụng cơ sở dữ liệu của người dùng. Tuy nhiên, điều không thể tránh khỏi đã xảy ra và Koum từ chức vì không đồng tình với cách tiếp cận của Facebook đối với vấn đề quyền riêng tư dữ liệu. Động thái này khiến Acton kêu gọi xóa Facebook trong thời gian diễn ra vụ bê bối Cambridge Analytica vào năm 2018, một bản tin từ The Verge tiết lộ.

Ở khía cạnh cá nhân, Koum cho thấy anh không hề quên nơi anh khởi nghiệp. Anh đã quyên góp 556 triệu USD cho Quỹ cộng đồng thung lũng Silicon sau khi thương vụ khổng lồ với Facebook được hoàn tất. Ngoài việc hào phóng chia sẻ tài sản với mọi người, anh cũng thích “nuông chiều” bản thân. Theo Variety, anh đã mạnh tay chi 100 triệu USD để sở hữu một dinh thự ở Malibu vào năm 2019. Bất động sản này từng thuộc sở hữu của Phó Chủ tịch NBC Universal là Ron Meyer. Nó có 6 phòng ngủ, ít nhất 7 phòng tắm và tọa lạc trên khu đất rộng 13,693 foot vuông. Ngoài ra, Koum cũng sở hữu dinh thự trị giá 5.5 triệu USD ở Hillsborough, California, và một bất động sản khác trị giá 8.5 triệu USD ở Atherton, California.

Nhã Thanh (Theo IBTimes)

FILI