Fed còn gì để hỗ trợ kinh tế khi Washington trì hoãn gói kích thích?

Fed còn gì để hỗ trợ kinh tế khi Washington trì hoãn gói kích thích?

Các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã và đang thúc Quốc hội Mỹ thông qua gói kích thích tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế với lý do: NHTW đang dần cạn kiệt công cụ hỗ trợ kinh tế.

* Thế giới ngày càng phụ thuộc vào chính sách tài khóa

Kể từ khi các khoản mục quan trọng của gói hỗ trợ 2.2 ngàn tỷ USD hết hạn, Fed một lần nữa gánh trọng trách hỗ trợ chính của nền kinh tế. NHTW đã giữ chính sách ở chế độ “siêu nới lỏng”, tiếp tục cung cấp chương trình cho vay và thúc đẩy thị trường. Tại thời điểm này, nhiều khả năng Fed sẽ không nâng lãi suất trong vài năm tới.

Cho tới nay, không quan chức Fed nào thừa nhận “đạn dược” về chính sách tiền tệ đang cạn kiệt và thực tế thì họ lại ám chỉ điều ngược lại. Nhưng có vẻ như kho đạn của Fed chỉ còn lại rất ít thứ có thể sử dụng được.

“Họ không có dư địa để thực hiện chính sách tiền tệ. Tôi không thấy họ có thể làm điều gì thêm cho nền kinh tế. Đó là lý do tại sao họ lại công khai hối thúc các nhà lập pháp tài khóa hỗ trợ thêm cho nền kinh tế, vì họ biết chẳng thể giúp gì”, Mark Zandi, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, nhận định.

Thật vậy, Chủ tịch Fed Jerome Powell và các quan chức khác hiếm khi bỏ lỡ cơ hội kêu gọi Quốc hội hỗ trợ thêm cho nền kinh tế.

Trước đó trong tháng 10/2020, ông Powell cho biết trong bài phát biểu trước Hiệp hội Chuyên gia kinh tế Doanh nghiệp Quốc gia rằng việc trì hoãn tung ra gói cứu trợ có thể “làm đà hồi phục trở nên yếu ớt, tạo ra những khó khăn không cần thiết cho các hộ gia đình và doanh nghiệp”. Ông nhấn mạnh rằng rủi ro lớn hơn sẽ là hỗ trợ tài khóa quá ít, trong khi “rủi ro kích thích tài khóa quá trớn dường như nhỏ hơn”.

Cũng trong tháng đó, Thống đốc Fed Lael Brainard cho biết việc Quốc hội không thông qua gói kích thích là “rủi ro gây suy giảm mạnh nhất” đến dự báo kinh tế của bà.

Các quan chức Fed đôi khi chuyển sang nói rõ quan điểm của họ về chính sách tài khóa, nhưng không nhiều. Cựu Chủ tịch Fed Ben Bernanke và Janet Yellen cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của chính sách tài khóa.

Chủ tịch Fed Jerome Powell

Cân nhắc các phương án

Fed vẫn còn một số phương án lựa chọn để giúp nền kinh tế và củng cố chương trình thanh khoản đã tung ra kể từ tháng 3/2020.

Nếu khoảng cách lợi suất giữa các trái phiếu kỳ hạn bắt đầu nới rộng – một dấu hiệu về căng thẳng tài chính, Fed có thể sử dụng “biện pháp kiểm soát đường cong lợi suất” thông qua việc mua trái phiếu. Ngoài ra, họ cũng có thể nâng nhịp độ mua trái phiếu và có thể nói thêm về dự định nâng lãi suất trong tương lai.

Thế nhưng, đó là những công cụ khó có thể làm giới quan sát cảm thấy phấn khích.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ hiện đã ở mức thấp nhất trong lịch sử và các quan chức Fed cũng bày tỏ sự hoài nghi về tác động của biện pháp kiểm soát đường cong lợi suất.

Fed càng háo hức yêu cầu Quốc hội Mỹ tung gói kích thích bao nhiêu thì điều đó càng thể hiện các phương án lựa chọn của Fed càng hạn chế bấy nhiêu.

“Chẳng hề có yếu tố nào làm thay đổi cuộc chơi tại thời điểm này”, ông Zandi cho biết. “Fed chẳng thể thực hiện gì đủ lớn để hỗ trợ nền kinh tế trong ngắn hạn”.

“Vũ khí” lớn nhất cảu Fed tại thời điểm này là những thay đổi đáng chú ý về cách tiếp cận đối với lạm phát. Cơ chế mới bao gồm mục tiêu lạm phát trung bình, tức Fed sẽ cho phép lạm phát vượt 2% trong một khoảng thời gian để san lấp cho giai đoạn lạm phát dưới mốc này.

Tuy nhiên, thậm chí tác động của biện pháp này cũng có giới hạn của nó.

Vì hiện mọi người đều kỳ vọng Fed sẽ giữ nguyên lãi suất trong nhiều năm, việc lặp lại quan điểm này chẳng thể vực dậy nhà đầu tư mỗi khi họ cảm thấy lo ngại và nền kinh tế bắt đầu trật đường ray. Trên thực tế, phương pháp mục tiêu lạm phát trung bình có khả năng tác động mạnh hơn khi nền kinh tế trên đà tăng mạnh hơn là khi nó yếu ớt, Krishna Guha, Trưởng bộ phận chính sách và chiến lược ngân hàng trung ương toàn cầu tại Eevrcore ISI, nhận định.

“Phương pháp này sẽ hiệu quả hơn khi nền kinh tế có cú sốc tích cực và nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh, thay vì trong điều kiện hiện tại khi Fed chẳng thể nâng lãi suất”, Guha cho biết trong một báo cáo.

Quan trọng là tác động của phương pháp mục tiêu lạm phát “sẽ yếu hơn khi không có sự phối hợp với chính sách tài khóa, một phần vì NHTW không thể nhắm tới những lĩnh vực bị tác động nặng nề nhất”.

Gói kích thích tài khóa có tác động lớn hơn gói kích thích tiền tệ vì chính sách tài khóa có thể chuyển tiền mặt trực tiếp tới hộ gia đình và cũng phù hợp hơn cho việc cung cấp hỗ trợ tới một nhóm đối tượng cụ thể - những người cần cứu trợ nhất trong 1 cuộc khủng hoảng, như nhóm thất nghiệp. Trong khi đó, các ngân hàng trung ương chỉ có thể bơm tiền vào nền kinh tế thông qua một kênh gián tiếp: Lãi suất vay từ các ngân hàng hoặc thị trường tài chính.

Fed cũng có thể dùng chương trình cho vay, nhưng phần lớn chương trình này chưa được doanh nghiệp sử dụng quá nhiều.

“Sự cần thiết của gói kích thích tài khóa trở nên còn quan trọng hơn khi các quan chức Fed đồng lòng kêu gọi hỗ trợ về tài khóa”, Quincy Krosby, Trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Prudential Financial, nhận định. “Điều thú vị là lời kêu gọi đến từ cả các quan chức mang quan điểm ‘diều hâu’ lẫn ‘bồ câu’ trong Fed. Đây là bài đồng ca nhất quán và gần như không ngớt từ Fed”.

* Khi chính sách tiền tệ ‘bất thường’ trở thành ‘bình thường mới’

Vũ Hạo (Theo CNBC)

FILI