Dầu tăng hơn 2% khi OPEC cam kết tuân thủ cắt giảm sản lượng

Dầu tăng hơn 2% khi OPEC cam kết tuân thủ cắt giảm sản lượng

Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng phiên thứ 2 liên tiếp vào ngày thứ Tư (14/10), khi Ả-rập Xê-út và Nga được cho là đã tổ chức một cuộc điện đàm, nhắc lại cam kết của OPEC+ trong việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng, MarketWatch đưa tin.

Tuy nhiên, một báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã làm tăng lo ngại rằng sự gia tăng số ca nhiễm mới Covid-19 trên thế giới sẽ làm giảm nhu cầu dầu thô, kìm hãm đà tăng của giá dầu.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 11 trên sàn Nymex tiến 84 xu (tương đương 2.1%) lên 41.04 USD/thùng.

Hợp đồng dầu Brent giao tháng 12 trên sàn Luân Đôn cộng 87 xu (tương đương gần 2.1%) lên 43.32 USD/thùng.

Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm vào ngày thứ Ba (13/10), Cơ quan Thông tấn chính thức của Ả-rập Xê-út đưa tin. Hai bên “đã nhất trí về tầm quan trọng của việc tất cả các nước sản xuất dầu tiếp tục hợp tác và tuân thủ thỏa thuận OPEC+ để đạt được những mục tiêu vì lợi ích cho cả nhà sản xuất và người tiêu dùng”.

Thông tin này được đưa ra sau khi Wall Street Journal vào ngày 08/10/2020 đưa tin rằng Ả-rập Xê-út đang xem xét việc hoãn kế hoạch của OPEC+ dể nâng gia tăng sản lượng của OPEC+ vào đầu năm tới cho đến cuối quý đầu tiên.

Trong khi đó, dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins cho thấy số ca nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã tăng lên 38.2 triệu người vào ngày thứ Tư, New York Times đưa tin, với 16 bang của Mỹ có thêm nhiều ca nhiễm mới trong 7 ngày qua cho đến ngày thứ Hai (12/10), hơn bất kỳ trường hợp nào khác kể từ khi đại dịch bùng phát.

IEA đã vẽ ra một bức tranh về việc nguồn cung bị thu hẹp, sẽ giảm 4 triệu thùng/ngày trong quý 4/2020, nhưng Cơ quan này đã cảnh báo rằng đà sụt giảm này đang dẫn đến mức dự trữ kỷ lục và có thể chững lại khi số ca nhiễm Covid-19 tăng mạnh ở các nước phát triển khiến phải áp đặt những hạn chế mới về di chuyển.

“Sự gia tăng số ca nhiễm chắc chắn làm tăng nghi ngờ về mức độ mạnh mẽ của sự phục hồi kinh tế và do đó là triển vọng tăng trưởng nhu cầu dầu”, IEA cho biết.

Báo cáo thường niên về Triển vọng Năng lượng Thế giới của IEA công bố váo ngày thứ Ba (13/10) cho biết trong kịch bản tốt nhất, nhu cầu năng lượng toàn cầu được dự báo sẽ không phục hồi về mức trước khủng hoảng cho đến năm 2023.

Dữ liệu định kỳ về nguồn cung xăng dầu tại Mỹ công bố muộn 1 ngày so với bình thường trong tuần này bởi vì kỳ nghỉ liên bang vào ngày thứ Hai (12/10).

An Trần

FILI