Đằng sau cú sụt chớp nhoáng chiều 02/10

Đằng sau cú sụt chớp nhoáng chiều 02/10

Trái ngược với tinh thần lạc quan khi chứng khoán Việt nằm trong nhóm thị trường tăng giá tốt nhất thế giới quý 3, cú sụt chớp nhoáng phiên chiều 02/10 một lần nữa nhắc nhở nhà đầu tư về rủi ro trong môi trường bất định ngày càng gia tăng suốt năm qua.

Phiên 02/10, thị trường có lúc giảm trên 16 điểm nhưng quay đầu thu hẹp đà giảm về cuối phiên, phản ứng với tin tức vợ chồng Tổng thống Trump dương tính với Covid-19 ở bên kia bán cầu.

Truyền thông đã nắm bắt và không quên nhiệm vụ phác họa tầm ảnh hưởng tức thời của sự kiện. “Vàng tăng sau khi Tổng thống Trump dương tính Covid-19”, “Cổ phiếu rơi sau khi…”, “Đồng USD sẽ giao dịch thế nào sau khi…” - những dòng tít có phần tựa nhau tràn khắp các mặt báo tài chính quốc tế. Nhưng khi đọc chúng, liệu bạn có đặt câu hỏi: Tại sao lại thế?

Lý thuyết về đầu tư xem giá trị doanh nghiệp là tổng giá trị của lợi nhuận mà doanh nghiệp đó làm ra trong tương lai. Việc người đàn ông quyền lực nhất nước Mỹ nhiễm Covid-19 tác động thế nào đến những giá trị này tại Việt Nam?

Tổng thống Donald Trump sau khi nhiễm Covid-19.

Sự thật là chẳng ai có khả năng đong đếm tức thời một cách chính xác việc ông Trump nhiễm Covid-19 sẽ ảnh hưởng thế nào đến kết quả cuộc bầu cử Tổng thống, đến nền kinh tế Mỹ, đến chính sách của các ngân hàng trung ương, hay đến dòng vốn đầu tư tại thị trường mới nổi như Việt Nam,… và những nhà đầu tư tại quốc gia cách Mỹ một bán cầu thì càng không thể có khả năng đó. Tuy nhiên, thị trường vẫn biến động, bởi đó là lúc cuộc chơi tâm lý bắt đầu.

Trái ngược với tinh thần lạc quan khi chứng khoán Việt nằm trong nhóm thị trường tăng giá tốt nhất thế giới quý 3, cú sụt chớp nhoáng phiên chiều 02/10 một lần nữa nhắc nhở nhà đầu tư về rủi ro trong môi trường bất định ngày càng gia tăng suốt năm qua. Căng thẳng Mỹ-Trung leo thang, đại dịch Covid-19 bùng phát, suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia (dù có thể là mang tính kỹ thuật) và kỳ bầu cử Mỹ lần lượt tiếp nối.

Chỉ số VN-Index tức thì bổ nhào, sau tin tức về ca dương tính của ông Trump, chẳng cho thấy gì hơn ngoài sự mong manh của thị trường chứng khoán khi bất ngờ đối diện một tin xấu chưa rõ mức độ ảnh hưởng. Trong thoáng chốc, nhà đầu tư không còn nhớ Việt Nam là đất nước kiểm soát tốt dịch bệnh, là nền kinh tế hiếm hoi vẫn giữ được tăng trưởng.

Đương nhiên, cổ phiếu được bán đi vẫn có thể mua lại sau đó, và điều này có thể tốt hơn việc nắm giữ một tài sản vốn được xem là rủi ro trong khoảng thời gian bất định trước mắt. Đấy là một lựa chọn, nhưng hãy luôn làm rõ hai việc: (1) thời điểm bạn sẽ mua lại và (2) liệu bạn sẽ mua lại kể cả khi giá của cổ phiếu cao hơn?

Lượng giao dịch chủ yếu tại thị trường Việt Nam được đóng góp bởi nhà đầu tư cá nhân. Họ nổi tiếng với tính cách đầu cơ: Giao dịch ngắn hạn và bị ảnh hưởng mạnh bởi các mức biến động thị giá. Họ đương nhiên có sự chú ý đến nền tảng doanh nghiệp nhưng luôn dành sự quan tâm đặc biệt hơn đối với các mức giá cổ phiếu nhảy múa, và khá thường xuyên đánh giá một cổ phiếu đắt hay rẻ chỉ qua thị giá.

Vì tập trung vào giá cả và giao dịch ngắn hạn, nỗi lo cổ phiếu rớt giá thôi thúc những nhà đầu tư cá nhân đặt lệnh bán. Họ không có thời gian để suy xét vì những người tham gia khác có thể cũng sẽ không làm điều đó.

Khi bạn biết đến thông tin Tổng thống Trump nhiễm Covid-19, suy nghĩ đầu tiên của bạn là (1) điều này sẽ ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp? hay (2) liệu giá cổ phiếu có giảm không? - Câu trả lời của bạn có thể là lý giải đơn giản nhất cho cú sụp chớp nhoáng của VN-Index trong phiên chiều cuối tuần vừa qua.

Tuy nhiên, đừng nhầm lẫn rằng những diễn biến như vậy là điều bất thường trên thị trường chứng khoán, bởi đặc trưng của cổ phiếu, khiến nó luôn bị xem là một loại tài sản rủi ro, chính là sự biến động.

“Thị trường chứng khoán trong ngắn hạn là cái máy biểu quyết,
còn trong dài hạn là một chiếc cân.”

- trích sách Nhà đầu tư thông minh -
Benjamin Graham

Thừa Vân

FILI