Tương lai mờ mịt của ngành hàng không toàn cầu

Tương lai mờ mịt của ngành hàng không toàn cầu

Các hãng hàng không cảm nhận nỗi đau từ đại dịch Covid-19 rõ hơn bất kỳ công ty nào khác. Gần như chỉ qua một đêm, phần lớn hoạt động của họ đã chững lại hoàn toàn.

Vào giữa năm 2020, nhiều chuyên gia còn hy vọng rằng những tháng nhiệt độ nóng hơn sẽ góp phần xua tan dịch bệnh; rằng các thỏa thuận cho phép hành khách đi lại giữa hai quốc gia mà không cần cách ly có thể giúp mọi người trở lại với các hãng hàng không. Tuy nhiên, đến nay, tương lai của các hãng hàng không vẫn còn rất mờ mịt khi bệnh dịch tái bùng phát ở nhiều nơi.

Gần 8 tháng sau thời điểm dịch bệnh khởi phát, dịch bệnh tái bùng phát đẩy nhiều thành phố trở lại trạng thái phong tỏa. Khi còn nhiều tháng nữa mới có vắc-xin, rõ ràng chẳng hề có sự hồi phục nhanh chóng như suy nghĩ lúc đầu.

Giao thông hàng không quốc tế trong tháng 7/2020 thấp hơn 92% so với mức năm 2019 và tháng 8 cũng chẳng khá khẩm hơn là bao, theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA). Ngành hàng không đã giảm hơn 400,000 việc làm kể từ tháng 2/2020, theo dữ liệu từ Bloomberg.

“Dịch bệnh kéo dài hơn và gây tác động sâu hơn mọi người tưởng”, Scott Kirby, Giám đốc điều hành tại United Airlines Holdings, cho hay. “Dưới góc nhìn của chúng tôi, nhu cầu vẫn chưa trở lại. Người dân chưa trở lại và ngành hàng không chỉ trở lại như trước một khi vắc-xin được phân phát rộng rãi”.

Các chuyến bay quốc tế

CEO British Airways Alex Cruz cho biết hãng hàng không này đang “đấu tranh để tồn tại”. Cathay Pacific Airways cho biết họ phải tái cấu trúc hoặc sẽ “chết yểu”. Bên cạnh đó, Goh Choon Phong, sếp của Singapore Airlines, gọi quyết định cắt giảm 4,300 việc làm (khoảng 20% lực lượng lao động của hãng này) là “quyết định khó khăn và đau đơn nhất” trong 30 năm đồng hành cùng công ty.

CEO British Airways Alex Cruz

Các hãng hàng không tại Mỹ được dự báo sẽ sa thải thêm hàng ngàn người lao động khi các gói hỗ trợ Covid-19 hết hạn vào ngày 01/10. Hãng United Airlines tiêu khoảng 25 triệu USD/ngày và “chẳng thể nào làm thế mãi”, Kirby nói.

Tại châu Âu, sự gia tăng về số chuyến bay trong tháng 7 và 8 – thời điểm người dân muốn đi du lịch sau nhiều tháng chôn chân tại nhà – đột nhiên bị đảo ngược khi sự bùng phát dịch bệnh lần nữa kìm chân người dân tại nhà trước khi biên giới đóng lại và các biện pháp cách ly mới được triển khai.

Carsten Spohr, CEO của Deutsche Lufthansa AG, đang chuẩn bị cắt giảm thêm việc làm và đội bay. Hãng hàng không lớn nhất của châu Âu này vừa nhận được gói cứu trợ 9 tỷ euro (10.5 tỷ USD) từ Chính phủ Đức hồi đầu tháng 6/2020. Họ không mong sẽ hồi phục hoàn toàn cho đến giữa thập kỷ này.

Theo IATA, 25 triệu việc làm trong ngành hàng không và các doanh nghiệp liên quan như du lịch đang gặp nguy cơ bị cắt giảm. Con số này cao hơn mức 22 triệu việc làm bị mất từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).

Nhiều khả năng sẽ có thêm những đợt cắt giảm nhân sự trong thời gian tới. American Airlines dự tính sa thải 19,000 người lao động vào ngày 01/10 sau khi hết hạn đảm bảo không cắt giảm việc làm gắn gói hỗ trợ trả lương liên bang theo Đạo luật Cares.

United Airlines được dự báo cắt giảm ít nhất 13,000 việc làm. Delta Air Lines đang cố gắng tránh sa thải trên diện rộng cho tới mùa hè tới, thay vào đó, hàng ngàn nhân viên được trao phương án nghỉ việc tự nguyện hoặc nghỉ không lương.

Trong khi đó, tổn thất trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương dường như khá thấp, Five Aero cho biết. Điều đó ám chỉ châu Á sắp triển khai một đợt cắt giảm. Cathay đang tiến hành tái cơ cấu và thông tin này sẽ được công bố vào quý 4/2020. Các nhà phân tích tại Jefferies Hong Kong cho biết việc cắt giảm nhân sự là không thể tránh khỏi.

Viện trợ của chính phủ đã góp phần cứu giúp ngành hàng không, nhưng có thể Chính phủ không còn nhiều “đạn dược” để hỗ trợ thêm. Chỉ riêng các hãng vận tải hàng không ở châu Âu đã nhận được 29 tỷ Euro dưới dạng viện trợ, các khoản cho vay do nhà nước hậu thuẫn và các hình thức hỗ trợ khác cho đến ngày 27/08, với thêm gói viện trợ 3.4 tỷ euro vẫn đang trong quá trình đàm phán, theo Greenpeace.

Các hãng hàng không ở Ấn Độ - gần đây là thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới - đang cố gắng có được ít nhất 1.5 tỷ đô la dưới dạng hạn mức tín dụng không lãi suất từ Chính phủ, Bộ trưởng Hàng không Dân dụng Hardeep Singh Puri cho biết vào ngày 17/09.

Trong bối cảnh giá cổ phiếu hàng không rơi rụng, việc thu hút thêm khoản đầu tư mới dần trở nên khó khăn hơn. Warren Buffett đã bán sạch cổ phần tại 4 hãng hàng không lớn của Mỹ và các hãng hàng không đang muốn “bán mình” vẫn chưa tìm được người mua.

AirAsia Group của Malaysia – từng là hãng đi đầu về hàng không giá rẻ tại châu Á – có thể vay nhiều nhất là 2.5 tỷ ringgit (tương đương 605 triệu USD) và Thai Airways International đã được tòa chấp thuận đề án tái cấu trúc. Hãng Virgin Atlantic Airways của tỷ phú Richard Branson đang đàm phán gói cứu trợ 1.2 tỷ Bảng Anh (tương đương 1.5 tỷ USD) dưới dạng khoản vay từ một quỹ đầu cơ. Đại dịch đang đẩy hãng Virgin Australia rơi vào tay của một quỹ vốn cổ phần tư nhân (PE) trong một thỏa thuận đã được chấp thuận trong tháng 9/2020.

Tại Mỹ, Delta có thể huy động 9 tỷ USD trong đợt bán trái phiếu lớn nhất trong ngành, trái phiếu này có lợi suất lên đến 4.5%. Trái phiếu của Delta được bảo đảm bằng chương trình khách hàng thường xuyên của hãng. Chương trình khách hàng thân thiết của American Airlines trị giá tới 30 tỷ USD và United Airlines đã bán lượng trái phiếu trị giá 6.8 tỷ USD vào tháng 6.

Chưa hết, các hãng hàng không còn lo ngại về những chiếc máy bay nằm không. Gần 1/3 trong số 26,000 chiếc máy bay chở khách trên thế giới vẫn còn nằm “đắp chiếu” ở sa mạc hoặc xếp hàng dài dọc theo đường băng, công ty Cirium cho biết.

Việc cắt giảm đội bay đang gây sức ép lên các nhà sản xuất máy bay. Airbus chỉ nhận được một đơn đặt hàng trong tháng 8/2020. Còn Boeing đang cố gắng cứu vãn chiếc 737 Max, vốn bị cấm bay sau hai vụ tai nạn chết người. Các hãng hàng không cũng đang tìm cách hoãn lại các máy bay đã đặt hàng trước đó.

“Một nhà sản xuất máy bay phải có trách nhiệm với khách hàng của họ trong những thời điểm khó khăn”, Giám đốc điều hành Qatar Airways Akbar Al Baker cho biết vào ngày 02/09. “Những người không có nghĩa vụ và không sát cánh với chúng tôi vào thời điểm khó khăn như thế này sẽ không bao giờ gặp lại chúng tôi”.

Những chuyến bay đi công tác có thể không bao giờ phục hồi, vì các doanh nhân ở khắp mọi nơi nhận ra rằng họ có thể chốt các giao dịch và hoàn thành công việc qua Zoom. Du lịch giải trí dự kiến sẽ bắt đầu trở lại sau khi có vắc-xin, nhưng khách du lịch có thể sẽ thận trọng hơn.

Những hãng khác đang giới thiệu các điểm đến mới. United Airlines đang bổ sung thêm các chuyến bay thẳng đến những nơi như Lagos ở Nigeria và Bangalore ở Ấn Độ để phục vụ cộng đồng người nước ngoài đang sống ở các thành phố của Mỹ.

Patrick Quayle, Phó chủ tịch liên minh và mạng lưới quốc tế của United, cho biết lưu lượng chuyến bay với mục đích gặp gia đình và bạn bè có vẻ ít bị tác động hơn các phân khúc khác.

Sau khi cắt giảm số máy bay, phi công và đội bay, các hãng hàng không còn phải đau đáu lo ngại về các dịch vụ phục vụ mặt đất như xử lý hành lý cũng như các chi phí cố định như phí dọn dẹp và điện.

Vũ Hạo (Theo Bloomberg)

FILI