Những cú "áp phê" chào sàn trong năm 2020

Những cú "áp phê" chào sàn trong năm 2020

Biến động là đặc tính của thị trường chứng khoán, và những biến động còn mạnh hơn gấp nhiều lần trong năm 2020 khi giới đầu tư đối diện đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, có một điều không thay đổi chính là sức nóng của các cổ phiếu mới chào sàn.

Cổ phiếu của CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành (HOSE: TTA) và CTCP Quốc Tế Phương Anh (UPCoM: PAS) lần lượt chào sàn vào ngày 18/09 và 21/09. Tính đến ngày 22/09, TTA tăng gần 33% sau ba ngày giao dịch, trong khi PAS còn ấn tượng hơn với mức tăng 44%. Tuy nhiên, kể từ ngày 23/09, cả TTAPAS đều đột ngột đảo chiều sụt giảm mạnh.

Hai cái tên kể trên là một phần trong số hàng chục cổ phiếu biến động mạnh sau khi chào sàn giao dịch mới (bao gồm cả chuyển sàn) tính từ đầu năm 2020 đến nay.

Từ hãng thực phẩm nổi tiếng với thương hiệu phồng tôm Bích Chi (HNX: BCF), đến công ty bán buôn thiết bị viễn thông - công nghệ thông tin như CTCP Viễn Thông - Tin học Bưu Điện (HOSE: ICT), hay ông lớn tỷ đô trong ngành bất động sản khu công nghiệp là Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Việt Nam - CTCP (Becamex, HOSE: BCM), điểm chung của họ là cổ phiếu biến động mạnh sau khi chào sàn.

Những cổ phiếu có thị giá biến động mạnh
sau khi chào sàn trong năm 2020
Dữ liệu chốt đến ngày 22/09/2020. Nguồn: VietstockFinance

Có nhiều ý kiến xoay quanh các đợt tăng giá này. Đầu tiên, việc được niêm yết trên các sàn chứng khoán tác động tích cực đến yếu tố cơ bản của doanh nghiệp và thị giá phản ánh lại những thay đổi đó. Chẳng hạn, việc niêm yết có thể mở ra cơ hội huy động vốn tài trợ cho hoạt động mở rộng của doanh nghiệp.

Ở góc nhìn khác, sự chú ý có được sau khi cổ phiếu lên sàn chứng khoán có thể thúc đẩy thị trường tái định giá những tài sản giá trị vốn bị bỏ quên của doanh nghiệp.

Ngoài ra, không ít ý kiến cho rằng giai đoạn biến động sau khi cổ phiếu chào sàn không gì hơn là cơn sốt nhất thời của một bộ phận người tham gia thị trường, chủ yếu là đầu cơ tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng.

Các đợt chào sàn gần đây để lại nhiều ấn tượng là của Ngân hàng TMCP Bản Việt (UPCoM: BVB), Thaiholdings (HNX: THD), Becamex (HOSE: BCM), Hóa Chất Đức Giang (HOSE: DGC) hay đại gia ngành năng lượng tái tạo Trường Thành (HOSE: TTA). Động lực đằng sau các mức tăng cổ phiếu của những doanh nghiệp đình đám này trải dài đa dạng.

Đối với DGC là sự hấp dẫn của một doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng khi phần đông doanh nghiệp khác phải chịu sức ép nặng nề bởi Covid-19. THD thì được chú ý với kế hoạch tăng vốn khủng nhằm thâu tóm tập đoàn mẹ ThaiGroup. Trong khi đó, TTA lên sàn giữa bối cảnh các dự án năng lượng tái tạo đang nhận được sự quan tâm lớn.

Một bộ phận người tham gia thật sự kiếm được tiền từ những đợt biến động của các cổ phiếu mới chào sàn, nhưng đương nhiên luôn có những người đến sau phải chịu thua lỗ.

Sau giai đoạn bật tăng ấn tượng, mức định giá (theo P/B hoặc P/E) của những cổ phiếu này thường rất cao, đồng nghĩa chúng dễ bị tổn thương khi gió đổi chiều. Một biểu đồ quen thuộc được thấy ở những cổ phiếu dạng này như CQN, ABS, PSH, VXT, BVB, TR1, AAS, VW3.

Các cổ phiếu chào sàn tăng sốc giảm sâu
Dữ liệu chốt đến ngày 22/09/2020. Nguồn: VietstockFinance

Những cổ phiếu trên thường là của những doanh nghiệp có vốn hóa thị trường nhỏ, đồng thời cổ phiếu tương đối ít thanh khoản. Những đặc điểm này là đầu vào hoàn hảo cho các đợt biến động giá cực đại.

Ngoài ra, thậm chí những bước lùi của cổ phiếu khi bị hủy niêm yết tại hai sàn chứng khoán chủ chốt là HOSE và HNX cũng có thể là khởi đầu của những cuộc leo thang thị giá tại sàn UPCoM, như với các cổ phiếu HVA, SCL, MEC.

Các cổ phiếu bị hủy niêm yết
nhưng bật tăng mạnh khi về UPCoM
Nguồn: VietstockFinance

Thừa Vân

FILI