Lĩnh vực bán lẻ Myanmar yêu cầu Chính phủ hỗ trợ

Lĩnh vực bán lẻ Myanmar yêu cầu Chính phủ hỗ trợ

Nhằm ứng phó ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, Chính phủ Myanmar hồi tháng 4 đã tung ra “Kế hoạch Ứng phó Kinh tế trước đại dịch Covid-19 (CERP)” để hỗ trợ những lĩnh vực cần nhất thông qua cho vay vốn lãi suất thấp với khoản vay thời hạn 1 năm. Tuy nhiên, không phải lĩnh vực nào cũng đều được hưởng chính sách hỗ trợ này.

Hiện tại, trước bối cảnh làn sóng Covid-19 thứ 2 đang diễn ra tại Myanmar, ngày càng nhiều ngành quan trọng, trong đó có ngành bán lẻ, yêu cầu Chính phủ hỗ trợ do lĩnh vực này dường như bị “lãng quên” trong chính sách hỗ trợ của Chính phủ, theo The Myanmar Times.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Myanmar (MRA) U Thurein Nyein cho biết nhà bán lẻ đã bị loại khỏi CERP. Ông nói: “Lĩnh vực bán lẻ không được liệt kê vào danh sách các lĩnh vực được chọn, điều này thật đáng thất vọng. Khi Chính phủ gia hạn các khoản vay với lãi suất 1% theo CERP, chỉ có một số ít nhà bán lẻ được kể đến”.

Ông U Thurein Nyein cho biết thêm, các nhà bán lẻ cũng đã bị loại khỏi gói 100 tỷ Kyat, chương trình cấp vốn vi mô lãi suất 2% theo CERP, được Ủy ban Giám sát Tài chính vi mô thông báo hồi tháng 7 áp dụng với các cửa hàng ăn uống nhỏ và nhà hàng.

Theo MRA, Myanmar có gần 400,000 đơn vị bán lẻ khắp cả nước, trong đó khoảng 1 triệu hộ gia đình phụ thuộc vào hoạt động bán lẻ nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu cơ bản và hàng hóa tùy chọn khác, tất cả đóng góp 17% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Myanmar. Sau làn sóng Covid-19 đầu tiên, doanh số bán hàng, đặc biệt là các mặt hàng không thiết yếu, giảm mạnh và nhiều nhà bán lẻ từng cảm thấy vô cùng khó khăn. Với làn sóng Covid-19 xuất hiện, những hạn chế và biện pháp “ở yên tại nhà” đang được áp dụng càng làm tăng thêm lo ngại cho các nhà bán lẻ.

Đợt bùng phát Covid-19 thứ 2 tại Myanmar xuất hiện vào khoảng cuối tháng 8, sau 3 tháng gần như nước này đã kiểm soát được dịch bệnh. Hôm 26/08, Bộ Y tế và Thể thao Myanmar ban hành chỉ thị yêu cầu người dân Vùng Rakhine ở nhà khi Vùng này ghi nhận thêm cả trăm ca nhiễm Covid-19 mới chỉ trong vòng 24 giờ (từ 80 ca lên 179 ca). Trước đó khoảng 10 ngày, Myanmar chỉ ghi nhận thêm vài ca nhiễm mới trong vòng 3 tháng.

Theo báo cáo của Bộ Y tế và Thể thao, tính đến hết ngày 13/09, Myanmar ghi nhận 2,932 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 20 ca tử vong và 699 ca phục hồi. Myanmar hiện là nước thứ 6 có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất tại khu vực ASEAN.

Đỗ Thảo (Theo The Myanmar Times)

FILI