Dầu vọt hơn 4% khi bão Sally đổ bộ và nguồn cung tại Mỹ giảm

Dầu vọt hơn 4% khi bão Sally đổ bộ và nguồn cung tại Mỹ giảm

Các hợp đồng dầu thô tương lai tăng mạnh vào ngày thứ Tư (16/09), với giá dầu WTI vượt mốc 40 USD/thùng sau khi dữ liệu từ Chính phủ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô tại Mỹ bất ngờ giảm mạnh, trong khi sản xuất ở khu vực Vịnh Mexico gián đoạn do bão Sally đổ bộ, MarketWatch đưa tin.

Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Tư, hợp đồng dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 10 trên sàn Nymex vọt 1.88 USD (tương đương 4.9%) lên 40.16 USD/thùng, mức đóng cửa cao nhất kể từ ngày 03/09/2020.

Hợp đồng dầu Brent giao tháng 11 trên sàn Luân Đôn cộng 1.69 USD (tương đương 4.2%) lên 42.22 USD/thùng.

Vào ngày thứ Tư, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết dự trữ dầu thô nội địa giảm 4.4 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 11/09/2020, cao hơn rất nhiều so với dự báo mất 1.8 triệu thùng từ các nhà phân tích tham gia cuộc thăm dò của Platts, nhưng thấp hơn so với dự báo sụt 9.5 triệu thùng của Viện Xăng dầu Mỹ (API).

EIA cũng báo cáo rằng dự trữ dầu thô tại trung tâm lưu trữ Cushing, Okla. giảm 100.000 thùng trong tuần qua. Tuy nhiên, tổng sản lượng dầu đã tăng 900,000 thùng lên 10.9 triệu thùng/ngày vào tuần trước.

Bão Sally đã đổ bộ bờ biển Alabama vào sáng ngày thứ Tư với cường độ là cơn bão mạnh cấp 2, với sức gió 105 dặm/giờ. Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ cho biết vào chiều ngày thứ Tư rằng “bão đã hạ cấp thành áp thấp nhiệt đới, nhưng lũ lụt thảm khốc và đe dọa tính mạng người dân đang xảy ra dọc theo các khu vực của Florida Panhandle và Nam Alabama.

Cục An toàn và Thực thi Môi trường (BSEE) thuộc Bộ Nội vụ hôm thứ Tư ước tính 27.48% sản lượng dầu ở khu vực Vịnh Mexico bị mất vì cơn bão, cùng với 29.7% sản lượng khí thiên nhiên.

Bên cạnh đó, EIA cũng cho biết dự trữ xăng giảm 400,000 thùng trong tuần trước, thấp hơn rất nhiều so với dự báo sụt 7 triệu thùng từ một cuộc thăm dò. Còn dự trữ các sản phẩm chưng cất vọt 3.5 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn dự báo tăng 500,000 thùng từ cuộc thăm dò của Platts.

Trong khi đó, góp phần làm tăng lo ngại về khả năng nhu cầu năng lượng suy yếu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hôm thứ Tư dự báo sản lượng nội địa toàn cầu sẽ giảm 4.5% trong năm nay, và tăng 5% trong năm tới.

An Trần

FILI