Ba nét văn hóa hình thành nên tập đoàn Alibaba

Ba nét văn hóa hình thành nên tập đoàn Alibaba

Yếu tố văn hóa cực kỳ quan trọng với mọi công ty và điều này thường tạo ra sự khác biệt giữa một doanh nghiệp có khả năng truyền cảm hứng với một doanh nghiệp chỉ đơn giản là vận hành.

Trong thời gian gần đây, do sự xuất hiện của đại dịch Covid-19 và phong trào Black Lives Matter (Mạng sống của những người da đen cũng đáng giá), nên khía cạnh xã hội của các doanh nghiệp ngày càng được xem xét kỹ lưỡng hơn. Cách đối xử của cấp trên đối với khách hàng và nhân viên đã được chú ý đến nhiều hơn.

Do đó, theo ông Joe Tsai, người đồng sáng lập của tập đoàn công nghệ khổng lồ Alibaba, xây dựng được một nền văn hóa đúng đắn là một thử thách then chốt và cũng là một cơ hội đáng giá cho những doanh nghiệp lớn cũng như những công ty startup mới thành lập. Gần đây, ông Tsai đã chia sẻ về 3 yếu tố mà ông tin rằng đã đóng vai trò then chốt trong quá trình 21 năm hình thành nên công ty Alibaba hiện đang trị giá 697 tỷ USD.

Sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị

Phát biểu trong một buổi phỏng vấn gần đây về doanh nghiệp, vị Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị và Giám đốc Quỹ doanh nghiệp của Alibaba nói rằng những yếu tố đó chính là sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị.

“Tại Alibaba, văn hóa trước tiên đồng nghĩa với việc bạn có một sứ mệnh”, ông Tsai chia sẻ. “Phải có một lý do để công ty tồn tại hơn là việc chỉ để kiếm tiền”.

“Yếu tố thứ hai, bạn phải thiết lập tầm nhìn trong tương lai. Bạn muốn công ty sẽ như thế nào? Bạn muốn công ty sẽ đi về đâu? Và đó có thể là những mục tiêu 5 năm hoặc 10 năm cho công ty”, ông tiếp tục.

“Yếu tố thứ ba chính là những giá trị. Những giá trị bạn hướng đến trong cuộc sống là gì? Bạn mong muốn cuộc sống của các nhân viên tại công ty và ngoài công ty sẽ như thế nào?”

Alibaba được thành lập vào năm 1999, ban đầu là một nền tảng thương mại trực tuyến giữa các doanh nghiệp với nhau. Hiện tại, tập đoàn công nghệ đa ngành nghề này cung ứng rất nhiều sản phẩm và dịch vụ, từ điện toán đám mây, giải trí cho đến các dịch vụ thanh toán. Nhưng ông Tsai nói rằng sứ mệnh của công ty vẫn không có gì thay đổi: “Để cho việc kinh doanh ở mọi nơi trở nên dễ dàng... để giúp đỡ những doanh nghiệp nhỏ”.

Sứ mệnh này được ông Jack Ma, người đồng sáng lập và cựu CEO (Giám đốc điều hành) của Alibaba, lấy cảm hứng từ tinh thần “hiệp nghĩa” trong những tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng của Kim Dung. Cụm từ này có ý nghĩa đơn thuần là mang lại sự công bình, giúp đỡ cho những người yếu thế.

Xây dựng văn hóa ở quy mô lớn

Ông Tsai phát biểu, một khi văn hóa đã được thiết lập, bước tiếp theo là chọn ra những người thích hợp để truyền tải khắp công ty.

Việc này đối với những ngày đầu thành lập Alibaba khá là dễ dàng. Vì công ty này có tới 18 nhà đồng sáng lập nên có rất nhiều người truyền tải sứ mệnh này đến với các nhân viên mới. Nhưng hiện tại với đội ngũ nhân viên khoảng 120,000 người trên khắp thế giới, tuyển được người phù hợp là việc cực kỳ thiết yếu.

“Khi quy mô doanh nghiệp càng mở rộng thì bạn càng nên dành thời gian cho yếu tố nhân sự”, ông lưu ý.

“Tôi nghĩ đó chính là xác định được những người phù hợp và đặt họ vào đúng vị trí để làm những công việc thích hợp. Nhân sự chính là thử thách lớn nhất, nhưng nếu như bạn giải quyết tốt khía cạnh này thì sẽ mang lại nhiều kết quả xứng đáng. Đối với một doanh nghiệp, bạn phải cực kỳ tập trung vào yếu tố nhân sự - phải đảm bảo các nhân viên nắm bắt được văn hóa của công ty và liên tục giúp họ phát triển để qua từng năm họ càng trở nên có giá trị hơn đối với công ty của bạn”.

Điều đó không chỉ là việc tìm được những người thích hợp cho doanh nghiệp mà còn là xác định được vai trò tốt nhất cho họ, ông Tsai chia sẻ.

“Tại Alibaba, chúng tôi thường xuyên nói rằng không có người tài năng nhất. Chỉ có người thích hợp làm đúng công việc tại đúng thời điểm”, ông phát biểu.

Do đó, những người lãnh đạo tài ba nên giúp đỡ, sắp xếp các nhân viên vào đúng vị trí mà họ có thể phát huy được sở trường.

“Làm sếp, bạn phải có trực giác nhạy bén, biết được đâu là người thích hợp cho từng vị trí công việc”, ông Tsai chia sẻ, đề cập đến tính cách của mỗi người là một chỉ báo đáng tin cậy cho mức độ phù hợp.

“Nếu như có người bước vào tổ chức rồi mang theo những năng lượng tiêu cực, thì điều này không tốt chút nào. Bạn phải nhanh chóng loại bỏ năng lượng tiêu cực đó bởi vì nó có thể ảnh hưởng đến những thành viên khác trong đội nhóm. Còn những người có thể mang đến năng lượng tích cực sẽ truyền cảm hứng, tạo động lực cho đội nhóm của họ”.

Tuệ Nhiên (Theo CNBC)

FILI