Ngôi độc tôn trên ‘sân chơi’ trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu lung lay?

Ngôi độc tôn trên ‘sân chơi’ trái phiếu doanh nghiệp bắt đầu lung lay?

Quý 2/2020, thị phần môi giới trái phiếu của TCBS bất ngờ sụt giảm mạnh so với quý trước, từ hơn 82% về gần 54%.

Những năm gần đây, dù không dẫn đầu về vốn hay thị phần môi giới cổ phiếu – một trong những hoạt động cốt lõi của khối công ty chứng khoán (CTCK), TCBS vẫn vươn lên dẫn đầu về lợi nhuận trong khối. Thành tích này đến từ định hướng kinh doanh của TCBS: Lựa chọn vào một thị trường ngách hơn, đó là trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).

Năm 2019, TCBS đã tư vấn phát hành và huy động thành công trên 60,000 tỷ đồng trái phiếu cho các khách hàng doanh nghiệp. Trong đó, TCBS đã phân phối bán lẻ cho nhà đầu tư cá nhân hơn 30,000 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ.

Trong 5 năm 2014 – 2019, hơn 80,000 sản phẩm trái phiếu của TCBS được phân phối trên thị trường bán lẻ. Nguồn: TCBS

Bám sát định hướng là mảng trái phiếu doanh nghiệp, TCBS chiếm tới trên 80% thị phần môi giới trái phiếu trên sàn HOSE trong nhiều năm liền. Những con số này thể hiện thành tích và vị thế độc tôn của TCBS trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp với tư cách một CTCK.

Thế nhưng quý 2 vừa qua (2020) thị phần môi giới của TCBS đột ngột sụt giảm xuống mức gần 54% trong khi vẫn ở mức cao trong quý 1. Cùng với đó là con số thị phần gia tăng của không ít CTCK như TPS, PHS, KBSV... Phải chăng vị thế của TCBS trên sân chơi TPDN đang lung lay?

TPDN trở thành món ngon khó cưỡng

Thống kê trong nửa đầu năm 2020, có tổng cộng 983 đợt đăng ký phát hành trái phiếu với giá trị đăng ký 226,000 tỷ đồng. Số đợt phát hành thực tế là 818 và giá trị phát hành 156,000 tỷ đồng.

Tổng lượng TPDN lưu hành ước khoảng 783,000 tỷ đồng, tương đương 12.8% GDP lũy kế 12 tháng gần nhất. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng bình quân 45%/năm giai đoạn từ 2017 đến tháng 6/2020.

Nhà đầu tư cá nhân ngày càng cho thấy sự quan tâm tới thị trường này. Trong 6 tháng đầu năm, nhà đầu tư cá nhân tham gia mua trực tiếp khoảng 22,700 tỷ đồng trên thị trường sơ cấp - tương đương 15% tổng lượng phát hành, cao hơn mức trung bình gần 10% của năm 2019…

Đối với khối CTCK, những con số trên cho thấy trái phiếu doanh nghiệp là “món ngon khó cưỡng” trên bàn tiệc.

Trong bối cảnh thị trường TPDN tăng trưởng và nhà đầu tư cá nhân quan tâm hơn tới sản phẩm này, CTCK thực hiện định hướng tìm kiếm các doanh nghiệp phát hành trái phiếu rồi đóng vai trò nhà đầu tư sơ cấp, mua với khối lượng lớn số trái phiếu từ đợt phát hành. Tiếp theo CTCK sẽ đem bán lại trái phiếu này cho các nhà đầu tư cá nhân.

Nói cách khác, CTCK mua sỉ về bán lẻ, có thể thấy rõ thông qua trường hợp của TCBS hoặc ví dụ như với trái phiếu của EuroWindows, CTCK SSI mua trọn lô 250 tỷ đồng, sau đó phát hành dưới dạng sản phẩm SBonds cho nhà đầu tư cá nhân.

Nhìn vào cách TCBS vươn lên dẫn đầu về lợi nhuận trong khối, rõ ràng đây là thị trường đầy tiềm năng mà các CTCK không thể bỏ qua để gia tăng lợi nhuận.

Các ông lớn bắt đầu nhập cuộc

Gần đây, các CTCK đều đang có động thái lấn sân sang sân chơi TPDN. Các ông lớn về thị phần cổ phiếu cũng đã tung ra sản phẩm bán lẻ trái phiếu riêng của mình như SSI với SBonds, HSC với ActiveBond, VNDirect với DBond và VBond…

Tại ĐHĐCĐ năm 2020, lãnh đạo của HSC cho biết Công ty hướng tới mảng Quản lý tài sản cá nhân trong đó có dòng sản phẩm trái phiếu, tư vấn phát hành, bán lại cho nhà đầu tư cá nhân. Đồng thời, trong năm 2020, Công ty cũng tăng vay nợ và tăng đầu tư vào trái phiếu, bên cạnh đầu tư của Công ty cũng nhằm thiết kế các sản phẩm để có thể cung cấp cho khách hàng cá nhân.

Không chỉ vậy, khối CTCK ngoại cũng đang ngắm tới thị trường TPDN. Theo chia sẻ của ông Kang Moon Kyung – Tổng Giám đốc của Mirae Asset hồi đầu năm 2020, một trong những sản phẩm tài chính mà Mirae Asset muốn chú trọng đẩy mạnh trong năm nay là trái phiếu doanh nghiệp, có thể do Mirae Asset tự phát hành hoặc các sản phẩm trên thị trường được Công ty đánh giá tốt. Mirae Asset sẽ lựa chọn trái phiếu của các doanh nghiệp có tín nhiệm cao để giới thiệu cho khách hàng. Ông Kang cho biết hiện Công ty đang tích cực giới thiệu cho khách hàng ở các nước và nhận được nhiều sự quan tâm, đa số đến từ Hàn Quốc.

Không chỉ ở nhóm công ty lớn, một số cái tên mới mẻ cũng đang nhắm tới thị trường TPDN. Sau khi Chứng khoán Phương Đông đổi tên thành Chứng khoán Tiên Phong (TPS) và tham gia vào hệ sinh thái của Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) từ tháng 4/2019, Công ty này đẩy mạnh các hoạt động Tư vấn phát hành trái phiếu, đồng thời cung cấp sản phẩm trái phiếu nhà đầu tư cá nhân.

Vị thế độc tôn đang lung lay?

Nhiều năm qua đây là lĩnh vực bỏ ngỏ, ít được chú ý nên người nào đi sớm sẽ chiếm lĩnh thị trường. TCBS đã và đang rất thành công với việc bán trái phiếu cho các khách hàng lớn như Masan, Vingroup. 

Nếu là trước kia, các CTCK khó lòng chia phần khi thị trường còn nhỏ và khách hàng lớn đã thuộc về người khác thì nay sân chơi đã rộng hơn, các CTCK đến sau vẫn có thể tìm thấy các khách hàng tiềm năng khác.

Trong tương lai, với sự tham gia của nhiều tay chơi lớn và có tiềm lực, canh trạnh là điều bắt buộc. Khi đó, ngôi độc tôn trên thị trường TPDN sẽ khó tồn tại như trước, cũng như trên thị trường cổ phiếu.

Ở trường hợp của TCBS, Công ty hiện vẫn duy trì phong độ với lãi ròng 6 tháng đầu năm 2020 gấp hơn hai lần cùng kỳ và dẫn đầu khối CTCK. Lãi từ bán trái phiếu và môi giới, tư vấn bảo lãnh phát hành của Công ty vẫn là nguồn lực chủ yếu.

Thị phần quý 2 vừa qua của TCBS rất có thể là con số đã bị pha loãng do thị trường đã rộng hơn trước. Còn thứ hạng của Công ty trên sân chơi trái phiếu sắp tới ra sao khi các tay chơi đã nhập cuộc? Câu trả lời rồi sẽ sớm lộ diện.

Chí Kiên

FILI