Kết quả kinh doanh ngành thép: Số đông ảm đạm

Kết quả kinh doanh ngành thép: Số đông ảm đạm

Hòa Phát là hãng thép niêm yết duy nhất tăng trưởng doanh thu trong quý 2 năm nay, trong khi đó, lợi nhuận của ông lớn ngành tôn Hoa Sen hồi sinh ngay trong tâm bão.

“Ngành thép chịu tác động nặng nề trong đại dịch”, nhà phân tích thuộc CTCK Rồng Việt (VDSC) nhận định. Các giải pháp của Chính phủ nhằm kiểm soát dịch bệnh, bao gồm hạn chế đi lại đối với người và vận chuyển đối với hàng hóa, giãn cách xã hội, và sự đứt gãy của chuỗi cung ứng quốc tế đã tác động tiêu cực đến sản xuất và tiêu thụ thép.

Trong nửa đầu năm 2020, toàn ngành (bao gồm thép xây dựng, tôn mạ và ống thép) đã sản xuất 8.1 triệu tấn thép, bán được 7.8 triệu tấn, trong đó 1.4 triệu tấn xuất khẩu, giảm lần lượt 6.4%, 7% và 12.8% so với cùng kỳ năm trước. Đáng lưu ý, mặc dù phụ thuộc vào xuất khẩu, tiêu thụ tôn mạ chỉ giảm 1.2%, mức giảm thấp hơn đáng kể so với ống thép và thép xây dựng.

Tính riêng quý 2/2020, hầu hết doanh nghiệp thép niêm yết đều có mức sụt giảm doanh thu đến hai con số, chỉ duy nhất ông lớn Hòa Phát (HOSE: HPG) lội ngược dòng với mức tăng trưởng ấn tượng 35%, và Hoa Sen (HOSE: HSG) với lợi thế hệ thống phân phối  rộng khắp có mức giảm 5% về doanh thu.

HPGHSG cũng là hai hãng thép hiếm hoi tăng trưởng ấn tượng về mặt lợi nhuận trong quý 2/2020, lần lượt là 35% và 98%. Bên cạnh tình hình bán hàng khả quan, một phần đáng kể trong khoản lợi nhuận tăng thêm của HPG đến từ lãi chênh lệch tỷ giá cao đột biến. Trong khi đó, kết quả của HSG chủ yếu nhờ biên lãi gộp cải thiện mạnh so với cùng kỳ và các chi phí tài chính được tiết giảm.

Số đông ảm đạm

Đại Thiên Lộc (UPCoM: DTL) và Kim khí KKC (HNX: KKC) có doanh thu giảm quá nửa, đồng thời, báo cáo tài chính của cả hai ghi nhận mức lỗ tệ hơn so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả kinh doanh ngành thép quý 2/2020
Đvt: Tỷ đồng

Thép DANA - Ý (UPCoM: DNY) tiếp tục lỗ. Các hoạt động sản xuất kinh doanh đã dừng nhưng công ty vẫn phải gánh nhiều chi phí, đặc biệt là lãi vay. Đến cuối tháng 6, vốn chủ sở hữu của hãng thép trụ sở Đà Nẵng đã âm 165 tỷ đồng và tổng nợ phải trả là gần 1.36 ngàn tỷ đồng.

Thép Tiến Lên (HOSE: TLH) và Pomina (HOSE: POM) báo lỗ khi doanh thu sụt giảm gần 20% và biên lãi gộp co hẹp. “Giá thép giảm, sức mua chậm, nhu cầu sử dụng nguyên vật liệu cho các công trình đầu tư cũng giảm đáng kể”, TLH giải trình về kết quả làm ăn gây phiền lòng cổ đông. Trong khi đó, POM là hãng thép lỗ nặng nhất (88 tỷ đồng) trong quý 2/2020, do chi phí lãi vay tăng mạnh gần 41% vì dự án lò cao của Công ty đến tháng 10 mới đi vào hoạt động.

Quý 2 vừa qua, lợi nhuận ròng của Thép Nam Kim (HOSE: NKG) sụt giảm đến 87% khi không có nguồn thu nhập lớn từ việc bán tài sản như một năm trước đó. Điểm tích cực là biên lãi gộp của ông lớn ngành tôn đã cải thiện và có lãi thuần từ hoạt động kinh doanh, trong khi lỗ cùng kỳ.

Thép Việt Ý (HOSE: VIS) có lãi nhờ các nguồn thu tài chính - bao gồm lãi tiền gửi và chênh lệch tỷ giá - tăng mạnh và chi phí lãi vay giảm đáng kể. Theo báo cáo lưu chuyển tiền, quý 2 năm nay, tiền thu từ đi vay và trả nợ gốc vay của VIS là 1,001 tỷ đồng và 734 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lần lượt là 1,748 tỷ đồng và 1,388 tỷ đồng.

So với quý đầu năm, biên lãi gộp của hầu hết doanh nghiệp thép đều co lại.

Biên lợi nhuận gộp doanh nghiệp thép giai đoạn 2018-2020
Nguồn: VietstockFinance

Hàng tồn kho ổn định

Tại báo cáo tài chính, điểm đáng chú ý là lượng tiền và tiền gửi của HPG tăng mạnh thông qua vay nợ. Cụ thể, trong nửa đầu năm nay, tiền và tiền gửi của HPG đã tăng từ 5.9 ngàn tỷ đồng lên mức trên 12.1 ngàn tỷ đồng và nợ vay ngắn hạn tăng từ 16.8 ngàn tỷ đồng lên 22 ngàn tỷ đồng.

Đối với HSG, nợ vay của hãng tôn lớn nhất nước tiếp tục giảm trong nửa đầu năm 2020, một diễn biến tiếp nối quá trình cân đối tài chính đã triển khai trong gần hai năm qua của doanh nghiệp này.

Về tình hình hàng tồn kho, tính đến cuối quý 2, các doanh nghiệp vẫn duy trì tương đối ổn định so với thời điểm đầu năm. Duy nhất có POM là hàng tồn kho giảm mạnh 37% về mức gần 1.92 ngàn tỷ đồng tính đến cuối tháng 6. Theo đó, nợ vay ngắn hạn của hãng thép này cũng giảm từ 5.77 ngàn tỷ xuống còn 4.9 ngàn tỷ đồng.

Hàng tồn kho của doanh nghiệp thép trong năm 2020
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Thừa Vân

FILI