Doanh nghiệp Logistics ‘đứng hình’ trong quý 2

Doanh nghiệp Logistics ‘đứng hình’ trong quý 2

Nguồn thu từ lượng hàng xuất, nhập khẩu “èo uột”, nhà máy tạm ngưng hoạt động, lượng hàng hóa lưu chuyển nhỏ giọt, giao nhận và vận chuyển trong chuỗi cung ứng bị đứt gãy và đảo lộn… Khó khăn ập đến như một cơn vũ bão khiến doanh nghiệp Logistics đứng hình. Phải chăng những khó khăn đó đều do dịch Covid-19?

* M&A ngành logistics tiếp tục sôi động trở lại

Theo thống kê của Vietstock, trong tổng số 28 doanh nghiệp Logistics niêm yết công bố BCTC quý 2/2020, có 13 doanh nghiệp báo lãi giảm, 4 doanh nghiệp ôm lỗ và 11 doanh nghiệp có lãi tăng trưởng. Trong đó, doanh nghiệp Logistics được chia ra thành 3 nhóm chính là nhóm khai thác cảng, nhóm vận tải và kho bãi và nhóm vận tải đường thủy.

Doanh nghiệp vận tải đường thủy “say sóng”

Cơn sóng Covid-19 ập đến khiến các doanh nghiệp trong nhóm vận tải đường thủy dường như “bị nhấn chìm”. Điển hình là Tàu cao tốc Superdong - Kiên Giang (HOSE: SKG) báo lãi quý 2 giảm mạnh 99% so với cùng kỳ, chỉ còn 638 triệu đồng. Đây là con số tồi tệ nhất mà SKG phải hứng chịu kể từ khi niêm yết đến nay.

Nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của SKG suy giảm là do dịch Covid-19 bùng phát mạnh vào quý 2 khiến SKG phải tạm ngưng hoạt động vào tháng 4. Hơn nữa, dịch cũng làm thay đổi lịch nghỉ dưỡng, nghỉ hè khiến công suất lấp đầy của SKG giảm trong tháng 5, tháng 6 và góp phần không nhỏ trong việc kéo lùi kết quả kinh doanh của Công ty.

Kết quả kinh doanh của SKG qua các quý trở lại đây. Đvt: Tỷ đồng

Tương tự, Vận tải Xăng dầu Vitaco (HOSE: VTO) cũng ghi nhận kết quả “thê thảm” nhất với lãi ròng giảm hơn một nửa, xuống còn 10 tỷ đồng. Theo giải trình của VTO, cước tàu cho thuê định hạn giảm, ảnh hưởng của dịch Covid-19 dẫn đến nguồn hàng khai thác các tàu chạy chuyến giảm, ngoài ra trong quý 2 Công ty có 3 tàu phải dừng để lên đà sửa chữa lớn theo kế hoạch dẫn đến lợi nhuận giảm.

Kết quả kinh doanh của nhóm vận tải đường thủy. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Hay như Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVTrans, HOSE: PVT) cũng báo lãi ròng giảm 11%, ghi nhận gần 201 tỷ đồng do hứng chịu tác động kép từ dịch Covid-19 và giá dầu giảm. PVT phải giảm giá tất cả các loại hình dịch vụ để chia sẻ khó khăn với khách hàng dẫn đến doanh thu và kết quả sản xuất kinh doanh giảm.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, PVT ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt giảm 17% và 24% so với cùng kỳ, xuống còn 3,408 tỷ đồng và 268 tỷ đồng.

Do đặt kế hoạch đi lùi cả về doanh thu (-23%) và lợi nhuận sau thuế (-47%) so với kết quả năm 2019, nên sau nửa đầu năm, PVT đã thực hiện được 76% so với chỉ tiêu lãi sau thuế 6,200 tỷ đồng của cả năm 2020.

Ở chiều ngược lại, Vận tải Xăng dầu Vipco (HOSE: VIP) ghi nhận mức lãi cao nhất trong các quý kể từ năm 2015 đến nay với 68 tỷ đồng lãi sau thuế trong quý 2 trong khi cùng kỳ lỗ hơn 12 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả quý 2 khả quan không phải đến từ hoạt động kinh doanh chính mà nhờ vào việc thanh lý, nhượng bán tài sản cố định giúp cho VIP ghi nhận nguồn thu nhập khác gần 66 tỷ đồng, gấp 92 lần cùng kỳ.

Hay như CTCP MHC (HOSE: MHC) cũng suýt lỗ gộp trong quý 2. Song nhờ hoàn nhập dự phòng giảm giá kinh doanh chứng khoán mà Công ty báo lãi tăng mạnh lên 49 tỷ đồng, gấp 4 lần so với cùng kỳ.

Công ty liên doanh liên kết ảnh hưởng lãi doanh nghiệp hỗ trợ vận tải và kho bãi

Kho vận Miền Nam (Sotrans, HOSE: STG) là doanh nghiệp duy nhất trong nhóm hỗ trợ vận tải và kho bãi ôm lỗ (8 tỷ đồng) trong khi cùng kỳ lãi 33 tỷ đồng. Nguyên nhân sụt giảm đến từ việc Công ty mẹ ghi nhận khoản lỗ từ thanh lý khoản đầu tư vào Công ty liên kết MHC với số tiền 56 tỷ đồng và các Công ty con ghi nhận khoản lỗ 16 tỷ đồng so với năm 2019.

Trước đó, ngày 19/06/2020, STG đã bán ra toàn bộ hơn 9.5 triệu cp MHC (tỷ lệ 22.99%). Sau giao dịch, Sotrans không còn nắm giữ cổ phiếu MHC nào và chính thức rút chân ra khỏi danh sách cổ đông lớn tại MHC.

Kết quả kinh doanh của STG qua các quý trở lại đây. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Cùng cảnh ngộ, Gemadept (HOSE: GMD) báo lãi quý 2 giảm 40% so với cùng kỳ, xuống còn 102 tỷ đồng, chủ yếu do lãi gộp từ hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường và lợi nhuận từ các công ty liên doanh, liên kết “giảm tốc”. Tính đến cuối tháng 6/2020, GMD đang đầu tư vào 17 Công ty liên doanh liên kết.

Kết quả kinh doanh của nhóm hỗ trợ vận tải và kho bãi. Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Trong bức tranh sụt giảm chung của nhóm hỗ trợ vận tải và kho bãi vẫn có doanh nghiệp tăng trưởng nhờ lãi từ công ty liên doanh, liên kết tăng. Điển hình là CTCP Transimex (HOSE: TMS) với lãi ròng 84 tỷ đồng (tăng 57%) nhờ khoản lãi từ Công ty liên doanh, liên kết tăng vọt lên mức 47 tỷ đồng (gấp đôi cùng kỳ).

Danh sách các Công ty liên doanh, liên kết với TMS tính đến ngày 30/06/2020
Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/2020 của TMS

Nhóm khai thác cảng “lội ngược dòng”

CTCP Cảng Đoạn Xá (HNX: DXP) ghi nhận kết quả kinh doanh quý 2 tăng trưởng ổn định nhất trong nhóm khai thác cảng với doanh thu thuần và lãi ròng đồng loạt tăng 13% và 40% so với cùng kỳ. Theo DXP, quý 2 ghi nhận kết quả tăng trưởng là do thay đổi sản lượng giữa các phương án xếp dỡ, cung cấp dịch vụ bốc xếp đối với mặt hàng đơn giá cao, thời gian hàng hóa lưu bãi dài và giá vốn giảm.

Kết quả kinh doanh của nhóm khai thác cảng. Đvt: Tỷ đồng
VietstockFinance

Không may mắn như DXP, Cung ứng và Dịch vụ Kỹ thuật Hàng Hải (HNX: MAC) báo lỗ 630 triệu đồng trong quý 2 và doanh thu cũng giảm 40% so với cùng kỳ, xuống còn 21 tỷ đồng do tác động của dịch Covid-19 làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng dịch vụ container treo và sửa chữa container. Bên cạnh đó, dịch vụ container treo xuất đi các thị trường Châu Âu và Châu  Mỹ bị đóng cửa để chống dịch trong suốt quý 2.

Tiên Tiên

FILI