‘Nội soi’ sức khỏe của doanh nghiệp trên sàn?

‘Nội soi’ sức khỏe của doanh nghiệp trên sàn?

“Covid-19” - một cụm từ chắc chắn không chỉ được nhắc đến trong năm nay, mà còn đến cả thập kỷ sau bởi những hậu quả mà nó mang lại quả thật rất lớn. Sau làn sóng đầu tiên đổ bộ, Việt Nam và các nước trên thế giới tiếp tục phải đối mặt với đợt bùng phát thứ 2. Vậy với cú bồi này, liệu sức khỏe của các doanh nghiệp trên sàn đang ra sao, có đủ sức để chống chọi?

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, trong 7 tháng đầu năm cả nước có hơn 63 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 11% so với cùng kỳ. Như vậy, trung bình cứ mỗi tháng, thị trường lại có hơn 9 ngàn doanh nghiệp “ra đi”.

Trong khi đó, số lượng doanh nghiệp thành lập mới sau 7 tháng đầu năm 2020 cũng sụt giảm 5% (so cùng kỳ), đạt hơn 75 ngàn doanh nghiệp. Đây cũng là giai đoạn 7 tháng duy nhất trong vòng 5 năm qua ghi nhận sự sụt giảm về số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nguồn: Internet

Dù qua 7 tháng đầu năm, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đã có những nhận định tích cực cho thị trường “So sánh số liệu với thời điểm những tháng đầu năm, có thể nhận thấy những ảnh hưởng tiêu cực đang có dấu hiệu chững lại trong ngắn hạn. Nếu trường hợp tình hình dịch bệnh trong nước tiếp tục được duy trì kiểm soát tốt như hiện nay và tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến theo chiều hướng tích cực, bức tranh phát triển của doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều điểm sáng hơn trong thời gian tới.”

Tuy nhiên, với việc gia tăng lây nhiễm mạnh mẽ trên toàn cầu cùng với sự quay trở lại bất ngờ của Covid-19 trong tháng qua tại Việt Nam đang khiến thị trường phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 2. Vậy trước cơn “bão” này, liệu các doanh nghiệp còn đủ sức để tiếp tục chống chọi?

“Nội soi” sức khỏe doanh nghiệp

Trong nửa năm nay, các doanh nghiệp trên sàn (chưa bao gồm ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm) đã mang về gần 1.2 triệu tỷ đồng doanh thu thuần và 59 ngàn tỷ đồng lãi ròng, lần lượt giảm 17% và 36% so với cùng kỳ.

Thực tế, việc dịch bệnh Covid-19 tác động đến hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp là điều nằm trong dự đoán. Tuy nhiên, bên cạnh việc sụt giảm do yếu tố bất khả kháng (dịch bệnh) thì còn có thể do nội tại doanh nghiệp. Qua đó, việc xem xét các chỉ số tài chính sẽ là thước đo sức khỏe giúp nhà đầu tư nhìn nhận được khả năng chống chọi với dịch bệnh của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Theo thống kê của Vietstock, tại thời điểm cuối quý 2, tổng tài sản các doanh nghiệp đạt gần 4 triệu tỷ đồng, giảm 4% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn đạt gần 2 triệu tỷ đồng, giảm 5%; tài sản dài hạn đạt 2 triệu tỷ đồng, giảm hơn 2%.

Trong tài sản ngắn hạn, lượng tiền mặt và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn của các doanh nghiệp sụt giảm 8% và 4% so với thời điểm đầu năm. Trong bối cảnh hiện tại, việc dự trữ tiền mặt nhiều sẽ giúp các doanh nghiệp trang trải được các hoạt động, tuy nhiên với lượng tiền như trên, sức chịu đựng của các doanh nghiệp này đang suy giảm.

Dù vậy, các ông lớn như Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV)Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) hay CTCP Sữa Việt Nam (VNM) vẫn duy trì được vị thế khi tích cực gia tăng lượng tiền mặt (tiền, tương đương tiền và đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn) của mình.

Top 20 doanh nghiệp có lượng tiền mặt dự trữ cao nhất cuối quý 2/2020
Đvt: Tỷ đồng

Top 20 doanh nghiệp có lượng tiền mặt dự trữ thấp nhất cuối quý 2/2020
Đvt: Triệu đồng

Nguồn: VietstockFinance

Ngoài ra, hệ số khả năng thanh toán nợ hiện thời (Current ratio) của các doanh nghiệp vẫn duy trì được ở mức 1.3 lần như thời điểm đầu năm. Nếu loại bỏ hàng tồn kho để tăng tính thanh khoản, thì khả năng thanh toán nhanh (Quick ratio) của toàn thị trường lại có sự cải thiện, đạt mức 0.9 lần.

Nợ phải trả của toàn thị trường cuối quý 2/2020 đạt 2.3 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ 2% so với thời điểm đầu năm và chiếm gần 58% tổng tài sản. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính (ngắn hạn và dài hạn) toàn thị trường chỉ nhích nhẹ, đạt gần 1.2 triệu tỷ đồng, tương ứng tăng chưa tới 1% so với thời điểm đầu năm, phần nợ vay này hiện chiếm hơn 29% tổng tài sản.

Top 20 doanh nghiệp có vay nợ lớn nhất thị trường
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Đáng chú ý, ở chiều ngược lại cũng không ít doanh nghiệp gây ấn tượng khi đã chuyển nợ vay về con số 0 mà đứng đầu bảng là CTCP Nhiệt điện Phả Lại (HOSE: PPC) khi đã “xóa sổ” được khoản vay gần 127 tỷ đồng về 0 đồng.

Các doanh nghiệp “xóa nợ” so với thời điểm đầu năm
Đvt: Triệu đồng
Nguồn: VietstockFinance

Có thể thấy, mặc dù các chỉ số tài chính của các doanh nghiệp toàn thị trường đã có những biến động nhất định trước tác động của dịch Covid-19 nhưng nhìn chung nội tại của toàn thị trường vẫn có những điểm sáng như vẫn duy trì được khả năng thanh toán và nợ vay không tăng quá cao.

Ở một khía cạnh khác, lưu chuyển tiền thuần từ HĐKD của các doanh nghiệp này càng khiến nhà đầu tư cần phải lưu tâm khi chỉ đạt hơn 51 ngàn tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm 2020, sụt giảm đáng kể 58% so với cùng kỳ. Dù phần lớn thị trường ảm đạm, vẫn có những doanh nghiệp như CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG), Tập đoàn Hòa Phát (HPG) hay FPT ghi nhận sự tăng trưởng tích cực của dòng tiền.

Top 20 doanh nghiệp có lưu chuyển tiền thuần từ HĐKD cao trong 6 tháng 2020
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance

Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp đầu ngành xây dựng, bất động sản có dòng tiền kinh doanh bị âm lớn.

Top 20 doanh nghiệp có lưu chuyển tiền thuần từ HĐKD thấp trong 6 tháng 2020
Đvt: Tỷ đồng

Nguồn: VietstockFinance

Ngân hàng và chứng khoán vẫn còn nhiều chông chênh

Ngành ngân hàng dẫn đầu về quy mô vốn hóa đã báo kết quả kinh doanh tăng trưởng khả quan trong quý 2 (18/27 doanh nghiệp báo lãi trước thuế tăng trưởng so cùng kỳ) - trái ngược với nhiều dự báo trước đó. Tuy nhiên, nhờ việc giảm trích lập dự phòng chính là điều kiện làm “bàn đạp” mà nhiều doanh nghiệp đã đạt được “cú hích” trên.

Thực tế cho thấy, sau 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng chỉ ở mức 3.26%, bằng nửa năm trước, chứng tỏ hoạt động kinh doanh chính của các ngân hàng đã bị ảnh hưởng không ít bởi dịch Covid-19 khi nhiều doanh nghiệp tạm đóng cửa cũng như không có nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh.

Để bù đắp cho “nồi cơm chính”, các ngân hàng đã liên tục đẩy mạnh nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng như thu từ dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, đầu tư chứng khoán... Tuy nhiên, đã không phải là chính thì khó mà bền vững.

Không những thế, việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm lãi suất điều hành (giảm lãi suất đối với số tiền dự trữ bắt buộc) để khuyến khích cho vay trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng kém lại là một thách thức buộc ngân hàng phải tìm ra giải pháp cho bài toán tăng trưởng lợi nhuận của mình.

Đối với nhóm chứng khoán, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này gắn liền với diễn biến của thị trường. Nếu như ở quý 1, lợi nhuận chung của toàn ngành giảm sút tới 77% so cùng kỳ thì sang quý 2 khi thị trường chứng khoán đã hồi phục trở lại và ghi nhận đà bứt phá mạnh thì lãi của các doanh nghiệp này cũng ghi nhận tăng tới 118% so với cùng kỳ.

Tổng kết sau nửa năm, doanh thu hoạt động và lãi sau thuế của các doanh nghiệp này lần lượt đạt 15,620 tỷ đồng và 3,900 tỷ đồng, vẫn tăng gần 39% và 25% so với cùng kỳ.

Qua đó, với sự quay lại của binh đoàn Covid-19, thị trường chứng khoán đã có nhiều biến động trong thời gian vừa qua. Có thể nói kết quả kinh doanh các quý tiếp theo của khối CTCK còn phụ thuộc nhiều vào đà hồi phục của thị trường. Ở một khía cạnh khác, các CTCK này vẫn còn kênh trú ẩn để đương đầu với dịch bệnh là nguồn thu từ bão lãnh phát hành và môi giới trái phiếu.

Chẳng hạn như ở quý 1, với diễn biến bất ngờ của thị trường vẫn còn một số ít các CTCK báo lãi tăng trưởng. Điểm chung của các doanh nghiệp này là nguồn thu chủ yếu đến từ mảng kinh doanh trái phiếu và không tập trung vào tự doanh cổ phiếu. Dù vậy cũng phải nói thêm rằng, nếu nền kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh cũng như huy động vốn, thì các CTCK cũng sẽ thất thu ở mảng này.

Ngành bảo hiểm phi nhân thọ cũng không có nhiều điểm sáng khi lãi suất tiền gửi tiếp tục xu hướng giảm làm giảm lợi nhuận tài chính của các doanh nghiệp này. Trong khi đó, tăng trưởng phí gốc của ngành lại được dự báo sẽ suy giảm do ảnh hưởng từ dịch bệnh.

Huyền Vũ

FILI