Vietnam Holding tiếp tục thoái vốn tại nhà bán lẻ PNJ

Vietnam Holding tiếp tục thoái vốn tại nhà bán lẻ PNJ

Quỹ ngoại quản lý gần 120 triệu USD chọn đầu tư vào hãng chuyển phát VTP để hưởng lợi từ nhu cầu thương mại điện tử, trong khi thoái vốn tại hai nhà bán lẻ lớn là MWGPNJ.

Trong tháng 06/2020, Vietnam Holding tiếp tục giảm tỷ trọng đầu tư vào CTCP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) từ 7% xuống còn 5.6%. Trang sức vốn là mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu được cho là sẽ đối diện nhu cầu sụt giảm khi thu nhập người tiêu dùng đi xuống vì đại dịch Covid-19.

“Chúng tôi lạc quan về sự gia tăng nhanh chóng của lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam và tin rằng đó sẽ là nền tảng trong quá trình phục hồi của đất nước”, Vietnam Holding chia sẻ. Quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam đang diễn ra rất nhanh với chi tiêu cho hoạt động này đã tăng gấp đôi trong những năm gần đây.

Chỉ số tham chiếu Vietnam All Share Index giảm 3.3% trong tháng 6 vừa qua vì các hoạt động chốt lời, trong khi đó, danh mục đầu tư của Vietnam Holding có suất sinh lời âm 2.6%.

Quỹ cho thấy sự lạc quan khi dự phóng tỷ lệ tăng trưởng EPS (lợi nhuận trên từng cổ phần) đối với 24 khoản đầu tư của quỹ là 21.6% trong năm 2021, từ mức 7.2% của năm 2020.

10 khoản đầu tư lớn nhất của Vietnam Holding
tính đến cuối tháng 06/2020
Nguồn: Vietnam Holding
Cơ cấu danh mục Vietnam Holding phân theo ngành
tính đến cuối tháng 06/2020
Nguồn: Vietnam Holding

6 tháng kể từ ngày Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) phát thông tin về một dịch bệnh mới đang lây lan tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc, thứ duy nhất chắc chắn là việc Covid-19 đã trở thành một đại dịch toàn cầu.

Nhiều biện pháp chống dịch của Chính phủ được thực hiện nhanh và hiệu quả nhờ việc ứng dụng công nghệ thông tin. Việt Nam, một trong số ít những nước không có ca tử vong vì Covid-19, đã khai thác tốt tỷ lệ thâm nhập cao của điện thoại di động và sự phổ cập của internet. Chính phủ Việt Nam đã đảm bảo sợi dây liên lạc với người dân được duy trì thông suốt trong dịch bệnh. Chính phủ cũng đưa ra nhiều cam kết trong việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin nhiều hơn vào xã hội.

Mối liên hệ của Việt Nam đối với chuỗi cung ứng công nghệ thế giới đã giúp bù đắp một số yếu điểm trong lĩnh vực sản xuất truyền thống nội địa. Trong khi đó, nhu cầu tiêu dùng trong nước, bao gồm cả lực đẩy từ thương mại trực tuyến, đang hồi phục nhanh hơn mong đợi, Vietnam Holding nhận định.

Hãng giao hàng, bưu kiện Viettel Post (UPCoM: VTP) là một trong những khoản đầu tư lớn nhất của Vietnam Holding (4.8% của NAV). Công ty này tiếp tục hưởng lợi từ xu hướng tăng mua sắm trực tuyến đi kèm sự bùng nổ trong lĩnh vực giao hàng. VTP có lợi thế mạng lưới chi nhánh và khách hàng rộng khắp. Theo Vietnam Holding, VTP hưởng lợi khi nằm trong hệ sinh thái khổng lồ của tập đoàn mẹ Viettel cùng với chương trình Mobile-Money mà Chính phủ đã phê duyệt thí điểm trong nửa cuối năm 2020.

FPT (HOSE: FPT), khoản đầu tư lớn nhất của Vietnam Holding, cũng là doanh nghiệp có vị thế tốt cho định hướng tập trung vào công nghệ và thương mại điện tử.

Thế Giới Di Động (HOSE: MWG) là hãng bán lẻ đa kênh vận hành website phổ biến thứ năm tại Việt Nam. Vietnam Holding đánh giá, MWG đã linh động thay đổi theo nhu cầu địa phương và đã giữ gìn mối quan hệ tốt với các bên có lợi ích liên quan trong mùa dịch vừa qua. “Chúng tôi hy vọng hãng sẽ có những bước tiến xa hơn trong việc mở rộng kênh thương mại tạp hóa trực tuyến trong nửa sau 2020”, Vietnam Holding chia sẻ.

Dù vẫn dành những nhận định tích cực cho MWG, Vietnam Holding thực tế đã giảm tỷ trọng khoản đầu tư này đáng kể trong thời gian qua. Vào cuối tháng 02/2020, tỷ trọng MWG trong danh mục Quỹ là 8.3%, trong khi con số đến cuối tháng 6 là 6.9%.

Thừa Vân

FILI