Vietnam Airlines dưới sức ép khổng lồ của nợ vay ngắn hạn

Vietnam Airlines dưới sức ép khổng lồ của nợ vay ngắn hạn

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines, HOSE: HVN) vừa ghi nhận quý lỗ nặng thứ 2 liên tiếp, đồng thời phải hứng chịu áp lực khổng lồ từ các khoản nợ ngắn hạn trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa trên thế giới kìm chân người dân tại nhà.

Quý 2/2020 đánh dấu sự sụt giảm mạnh trong hoạt động kinh doanh cốt lõi của Vietnam Airlines. Cụ thể, doanh thu thuần giảm 75% so với cùng kỳ, về mức 5,995 tỷ đồng, trong khi giá vốn chỉ giảm 55% về mức 9,869 tỷ đồng.

Việc kinh doanh dưới giá vốn khiến hãng bay quốc gia ghi nhận lỗ gộp 3,874 tỷ đồng, hoàn toàn đối nghịch với bức tranh tích cực của cùng kỳ năm trước.

Ngoài ra, hãng bay với biểu tượng bông sen còn phải chịu lỗ thêm 95 tỷ đồng từ liên doanh, liên kết khi các công ty – phần lớn là trong ngành hàng không – đều chật vật trong đại dịch Covid-19. Giữa lúc khó khăn, hãng bay này còn phải gánh chi phí lãi vay lên đến 240 tỷ đồng.

Điểm sáng duy nhất của Vietnam Airlines nằm ở doanh thu tài chính, cụ thể tăng 133% so với cùng kỳ lên mức 903 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn là lãi chênh lệch tỷ giá và cổ tức, lợi nhuận được chia.

Nguồn: BCTC quý 2/2020 của Vietnam Airlines

Tuy nhiên, nhiêu đó vẫn chưa đủ để giúp hãng bay quốc gia thoát cảnh ngặt nghèo. Vietnam Airlines ghi nhận lỗ ròng 3,945 tỷ đồng trong quý 2/2020, cao hơn nhiều so với mức lỗ của quý trước đó là 2,589 tỷ đồng.

Nguồn: VietstockFinance. Đvt: Tỷ đồng

Như vậy, sau nửa đầu năm 2020, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần đạt 24,808 tỷ đồng, giảm 50% so với cùng kỳ, đồng thời lỗ ròng 6,534 tỷ đồng. Tuy vậy, mức lỗ này vẫn còn khá hơn so với ước tính lỗ ròng 7,474 tỷ đồng trước đó.

Vấn đề đáng ngại nhất của Vietnam Airlines là dòng tiền ngày càng thâm hụt, trong khi nợ vay ngày càng tăng. 6 tháng đầu năm, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh ghi nhận âm 5,371 tỷ đồng.

Trong khi đó, nợ vay ngắn hạn ngày càng tăng. Tính tới cuối tháng 6/2020, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn là hơn 11,103 tỷ đồng, tăng 70% so với đầu năm. Còn tiền và các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm xuống mức 4,249 tỷ đồng, tức giảm 35% với đầu năm. Điều này cho thấy những áp lực lên dòng tiền của Vietnam Airlines trong ngắn hạn.

Nguồn: BCTC quý 2/2020 của Vietnam Airlines

Loay hoay trong hàng đống khó khăn chồng chất, Vietnam Airlines đang đề nghị Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp một khoản tiền khổng lồ.

"Chúng tôi đề nghị Chính phủ - với vai trò là chủ sở hữu hỗ trợ khẩn cấp 12.000 tỷ đồng, nếu không đến cuối tháng 8 sẽ rất khó khăn", ông Dương Trí Thành, CEO Vietnam Airlines, chia sẻ tại buổi toạ đàm với Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng ngày 13/7.

Đến nay, hãng bay bông sen vàng đã dời cuộc họp thường niên năm 2020 đến lần thứ 3, sang ngày 10/08/2020, trong bối cảnh chưa có phương án cứu trợ rõ ràng từ Chính phủ.

* Các hãng hàng không châu Á ghi nhận giảm 98% về lượng hành khách quốc tế trong tháng 6

* Vietnam Airlines đầu tư ra nước ngoài thua lỗ, xin bán hết tháo lui

* Vietnam Airlines xin Chính phủ hỗ trợ khẩn cấp 12.000 tỷ đồng

Vũ Hạo

FILI