Quỹ mở có chiến thắng VN-Index?

Quỹ mở có chiến thắng VN-Index?

Từ tháng 4/2020, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam chứng kiến chuỗi phục hồi ấn tượng, vượt trên mọi dự đoán trước đó: Chỉ số VN-Index hồi phục từ vùng 660 điểm (trong tháng 3) lên vượt mốc 900 điểm (ngày 10/06/2020).

Tuy nhiên, sự hồi phục của TTCK phần lớn đến từ dòng tiền đầu cơ của các nhà đầu tư cá nhân. Theo Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), riêng trong 3 tháng 3, 4 và 5, số tài khoản chứng khoán mở mới lên tới gần 100,000 tài khoản, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2019 - đã đem lại dòng tiền lớn, hỗ trợ TTCK phục hồi nhanh chóng.

Đến tháng 6, áp lực bán gia tăng sau chuỗi tăng điểm liên tục cùng với tình hình dịch bệnh lan rộng toàn cầu và tâm lý thận trọng trước mùa công bố kết quả kinh doanh bán niên đã khiến thị trường có xu hướng điều chỉnh trong nửa cuối tháng 6 với những phiên sụt giảm điểm số mạnh.

Kết thúc 6 tháng, các chỉ số chính của thị trường vẫn đang sụt giảm trên 10% so với đầu năm. Cụ thể, chỉ số VN-Index giảm 14.1%, VN30 Index giảm 12.3%.

Bức tranh 2 mảng sáng, tối

Sau 6 tháng 2020, các quỹ mở cổ phiếu có kết quả đầu tư phân hóa mạnh, khoảng cách tăng trưởng giữa các quỹ lên tới trên 10%. Trong khi một số quỹ đang ghi nhận mức sụt giảm tương đương mức giảm của VN-Index (-14.7%) thì một số quỹ đã gần như hồi phục hoàn toàn.

Theo các báo cáo công bố gần nhất (ngày số liệu chi tiết cho từng quỹ mở trên biểu đồ 2), có đến 17/22 quỹ mở cổ phiếu vẫn ghi nhận mức sụt giảm từ 6-14% so với đầu năm 2020. Ngay cả những quỹ cổ phiếu quy mô lớn và có lịch sử hoạt động lâu dài như VFMVF4,  VCBF-BCF, VEOF hay SSI-SCA cũng có kết quả kém tích cực.

Mảng sáng chỉ tập trung tại một số ít quỹ mở trên thị trường. Top 3 quỹ mở cổ phiếu có kết quả đầu tư khả quan nhất là MBVF, MBGF (của MB Capital)MAFBAL (của Manulife AM) ghi nhận mức sụt giảm 0.2-1.4% trong tương quan mức giảm khoảng 10% của chỉ số VN-Index tại ngày số liệu tương ứng.

Cụ thể, MBVF - quỹ đang hoạt động hiệu quả nhất thị trường trong 6 tháng đầu năm ghi nhận kết quả -0.2% tại ngày 24/06, vượt trội so với mức sụt giảm 10.5% của chỉ số VN Index cùng ngày.

Nhìn chung, phần lớn các quỹ mở còn phải đối mặt với chặng đường khó khăn phía trước để lấy lại tăng trưởng dương vào cuối năm 2020. Nhưng, liệu tia sáng có ở cuối đường hầm?

Tia sáng có ở cuối đường hầm?

Đến hết tháng 6, dịch bệnh viêm phổi Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp trên toàn cầu với số ca nhiễm trên 10 triệu người và hơn 500 ngàn người tử vong. Các yếu tố hỗ trợ thị trường cũng không còn rõ nét. Dòng tiền mới từ nhà đầu tư cá nhân mang nhiều tính chất đầu cơ, ngắn hạn nên sẽ có đặc điểm thiếu bền vững và sẽ rút nhanh khi thị trường gặp các áp lực điều chỉnh. Bên cạnh đó, nhiều động lực tăng giá đã không còn khi thị trường tăng về mức chiết khấu phù hợp với những tác động của dịch bệnh đến nền kinh tế. Do những luận điểm trên, TTCK được dự báo sẽ có nhịp điều chỉnh trong quý 3 trước khi tăng bật trở lại vào cuối năm.

Việt Nam mặc dù đã hạn chế thành công sự lây lan của dịch bệnh nhưng cũng không tránh khỏi những tác động tiêu cực. Tuy vậy, các tổ chức kinh tế tài chính quốc tế như IMF hay các chuyên gia trong nước nhận định Việt Nam là một trong các quốc gia chịu tác động kinh tế ít nhất bởi dịch Covid-19 và khả năng lớn sẽ phục hồi hoàn toàn tăng trưởng 7% trong năm 2021. Đây là điểm sáng rất tích cực, sẽ hỗ trợ thị trường tăng điểm trong nửa cuối năm 2020 và 2021. Bên cạnh đó, những chính sách hỗ trợ kinh tế sau đại dịch của Chính phủ, đặc biệt là đẩy mạnh đầu tư công vào nửa cuối năm 2020 và 2021 sẽ là đòn bẩy tích cực cho các doanh nghiệp trên TTCK.

Chỉ số P/E của TTCK Việt Nam vẫn đang rẻ hơn so với các quốc gia trong khu vực, đây là lợi thế trọng yếu để dòng vốn nước ngoài quay trở lại mạnh mẽ khi dịch bệnh được kiềm chế tốt hơn trên toàn cầu, hỗ trợ thị trường tăng trưởng.

Các quỹ mở cổ phiếu đã tích lũy kinh nghiệm “vượt bão” trong nửa đầu năm được kỳ vọng sẽ có hoạt động thanh hoán hiệu quả, linh hoạt ứng phó khi thị trường có nhiều biến động để có kết quả đầu tư hấp dẫn các nhà đầu tư hơn.

Đối với các nhà đầu tư cá nhân không có kiến thức chuyên sâu về thị trường chứng khoán cũng như doanh nghiệp niêm yết thì đầu tư vào quỹ mở sẽ là lựa chọn phù hợp, hạn chế rủi ro và mang lại lợi ích lâu dài, bền vững hơn việc đầu cơ ngắn hạn như trong nửa đầu năm 2020.

FILI